Hiện tại, cả nước đang tồn kho khoảng 18.000 sản phẩm condotel, và khoảng 13.500 sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse. Cộng gộp tất cả các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, cả nước đang tồn kho khoảng 31.500 sản phẩm.
Cả năm 2020, chỉ có 120 sản phẩm condotel được giao dịch. Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản (VARS), bất chấp những khó khăn của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương vẫn chưa có động thái gì đáng kể để hỗ trợ thị trường. Đặc biệt là các vấn đề liên quan tới pháp lý chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư quay lại rót vốn.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARS cho rằng, sau sự cố đổ vỡ dây chuyền của dự án Cocobay Đà Nẵng đã khiến nhà đầu tư quay lưng với phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Và đại dịch Covid-19 chỉ khiến phân khúc này lún sâu hơn vào khủng hoảng.
Theo số liệu của VARS, trong năm 2020, cả nước có 18.000 sản phẩm condotel được rao bán, đa phần là hàng tồn kho trong những năm trước.
Do ảnh hưởng từ đại dịch, trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường condotel gần như đóng băng. Sang đầu quý IV, thị trường bắt đầu có dấu hiệu tăng nhiệt. Tuy nhiên, cả năm chỉ có 120 sản phẩm condotel được giao dịch. Như vậy, gần 18.000 sản phẩm condotel tiếp tục tồn kho thêm 1 năm nữa.
Tương tự, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse trong năm 2020 đạt 15.000 sản phẩm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 8%. Như vậy, toàn thị trường vẫn tồn kho khoảng 13.500 sản phẩm.
Cộng gộp tất cả các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, hiện tại, Việt Nam đang tồn kho khoảng 31.500 sản phẩm.
Với số lượng hàng tồn kho tương đối “khủng”, thế nhưng theo số liệu của VARS cho biết, trong năm 2021, nhiều chủ đầu tư lớn vẫn sẽ đưa ra thị trường nhiều sản phẩm bất động sản du lịch khác.
Nguồn Công Luận
0 comments:
Đăng nhận xét