15 doanh nghiệp báo lỗ lớn trong năm 2020 trong đó ngoài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 có không ít những cái tên quen thuộc đã lỗ kinh niên trong nhiều năm qua.
Thị trường đang vào mùa BCTC năm 2020, bên cạnh nhóm doanh nghiệp ít chịu tác động bởi COVID-19 vẫn duy trì được đà tăng trưởng thì nhiều doanh nghiệp đã công bố số lỗ ròng cả năm 2020 lên tới vài trăm thậm chí cả nghìn tỉ đồng.
Đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp lỗ lớn nhất chủ yếu thuộc các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như hàng không, logistic, du lịch, dầu khí, điện lực và bất động sản dân dụng.
Từ những khoản lỗ nghìn tỷ....
Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động vận tải hàng không, kết quả kinh doanh thua lỗ của nhóm công ty hàng không đã được dự báo. Theo đó kết thúc năm 2020, Vietnam Airlines báo lỗ ròng tới 10.845 tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả này vẫn khả quan hơn so với ước tính lỗ hợp nhất 14.445 tỷ đồng trước đó từ phía Vietnam Airlines. Chênh lệch đáng kể với ước tính năm 2020 một phần đến từ việc Vietnam Airlines đã được Chính phủ cho phép thay đổi sang cách tính khấu hao máy bay và phân bổ chi phí bảo dưỡng máy bay, động cơ theo tỷ lệ tổng giờ khai thác thực tế so với kế hoạch chứ không áp dụng phương pháp đường thẳng.
Đối với Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), công ty đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi có lãi trở lại 6 tháng cuối năm sau hai quý thua lỗ đầu năm tuy nhiên nỗ lực đó chỉ giúp BSR giảm lỗ năm 2020 xuống còn 2.848 tỷ đồng trong đó công ty mẹ chịu lỗ 2.809 tỷ đồng. Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết do những tác tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và biến động của giá dầu thế giới đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020, BSR đã quyết định lùi lại kế hoạch niêm yết cổ phiếu để tập trung vào các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cốt lõi. BSR cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch và mục tiêu niêm yết cổ phiếu khi các điều kiện về thị trường chung và nội tại của công ty phù hợp hơn.
Bên cạnh BSR, Đạm Hà Bắc (DHB) do chịu những khoản lãi phạt lên tới 18%/năm cùng với ảnh hưởng COVID-19, Đạm Hà Bắc đã báo lỗ ròng năm 2020 gần 1.462 tỷ đồng cao hơn con số dự kiến lỗ 1.132,15 tỷ đồng. Được biết DHB đã lỗ liên tiếp kể từ năm 2015 đến nay.
Đáng chú ý khi cặp đôi doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Hoàng Anh Gia Lai Agrico (HNG) đã công bố KQKD trái ngược, trong khi hoạt động bán vốn công ty con giúp HAGL Agrico thoát lỗ trong năm 2020 thì HAG kết thúc năm với khoản lỗ sau thuế lên tới 2.175 tỷ đồng trong đó công ty mẹ chịu lỗ 1.200 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho biết khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị, các khoản dự phòng được trích lập trong báo cáo năm 2020 có thể được hoàn nhập dần dần. Lúc đó, tình hình tài chính của doanh nghiệp có thể tiến triển tích cực hơn. (Tin liên quan HNG: Hoàng Anh Gia Lai báo lỗ đậm nhất lịch sử, gần 2.175 tỷ đồng)
....Đến những khoản lỗ trăm tỷ
Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (NCP) mặc dù có doanh thu nghìn tỷ nhưng do quý 4 phải thực hiện phân bổ chênh lệch tỷ giá được BTC cho treo lại từ năm 2016 với số tiền 465,5 tỷ đồng khiến kết thúc năm 2020 với LNST âm tới 580,6 tỷ đồng trong khi năm 2019 vẫn có lãi 2,5 tỷ đồng.
Năm 2020 do chưa kịp ghi nhận doanh thu – lợi nhuận từ các dự án do công ty làm chủ đầu tư đã triển khai bán hàng thành công khiến Đất Xanh (DXG) báo lỗ 432 tỷ đồng thuộc về công ty mẹ, trong khi năm trước đó lãi 1.217 tỷ đồng.Tuy nhiên Đất Xanh cho biết, khách hàng công ty đã mua bất động sản nhưng chưa ghi nhận doanh thu. Bằng chứng được thể hiện qua khoản mục cá nhân mua căn hộ trả tiền trước tăng gần 2.000 tỷ đồng lên 2.768 tỷ đồng. Con số này để ngỏ khả năng Đất Xanh sẽ có được kết quả kinh doanh khởi sắc trong tương lai.
Một khoản lỗ khác rất đáng chú ý của ông Trùm hạ tầng Tasco (HUT) khi kết thúc năm 2020, HUT báo con số lỗ ròng 235 tỷ đồng (2019 lãi ròng gần 54 tỷ đồng). Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp hạ tầng này thua lỗ kể từ khi niêm yết (2008). Sau 3 năm, từ cái tên được săn đón bởi giới đầu tư, cổ phiếu HUT chỉ còn được giao dịch tại mức giá trà đá.
Với lĩnh vực vận tải, du lịch do chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh COVID-19, trong đó ngoài hai khoản lỗ kinh niên của Vận tải biển và TM Phương Đông (NOSCO) lỗ 225 tỷ đồng và Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) lỗ 187 tỷ đồng thì Ánh Dương Việt Nam (VNS) báo lỗ ròng 207 tỷ đồng trong khi năm 2019 LNST công ty mẹ đạt 108 tỷ đồng - Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử niêm yết VNS kinh doanh thua lỗ. Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) lỗ ròng 195 tỷ đồng và Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (DSP) lỗ sau thuế 175 tỉ đồng,
Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex - FTM) kết thúc năm 2020 với 81 tỷ đồng doanh thu thuần giảm mạnh so với con số gần 1.000 tỷ đồng của năm 2019, LNST âm gần 200 tỷ đồng trong khi năm 2019 cũng lỗ 94,6 tỷ đồng.
Với PVOIL (OIL), mặc dù quý 4 lợi nhuận ròng đạt 190 tỷ đồng, gấp 5,6 lần quý 4/2019, tuy nhiên lũy kế cả năm công ty vẫn lỗ ròng 177 tỷ đồng, lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ 124 tỷ đồng. Thiệt hại nặng nề nhất đến với PV Oil là trong quý 1, lỗ ròng tới 538 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Yeah1 (YEG) bất ngờ thua lỗ trong quý cuối cùng của năm, khi mảng thương mại truyền thông kinh doanh dưới giá vốn và chi phí bán hàng tăng đột biến. Khoản lỗ ròng (gần 95 tỷ đồng) xuất hiện khi Công ty ghi nhận chi phí bán hàng tăng đột biến lên gần 112 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ở mức 16 tỷ đồng. Kết quả, Yeah1 báo lỗ ròng gần 152,5 tỷ đồng trong năm 2020.
Năm 2020 là năm đầu tiên Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water, SII) báo lỗ kể từ khi niêm yết (12/09/2012). Đây cũng là mức lỗ đậm đến hơn 111 tỷ đồng. Tương tự COMA 18 (CIG) cũng lỗ ròng đến 164 tỷ đồng, cũng là mức lỗ lớn kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ năm 2007.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
0 comments:
Đăng nhận xét