5 thg 2, 2021

Nhiều gia đình mất Tết vì forex, tiền ảo, chứng khoán quốc tế

Trong khi nhiều gia đình sửa soạn sắm Tết thì vẫn có hàng trăm gia đình mất ăn mất ngủ do sa chân vào bẫy lừa trên mạng dù cơ quan chức năng và báo chí liên tục cảnh báo.


Cách duy nhất để tránh lừa đảo trên mạng là phải tuyệt đối cảnh giác, đồng thời phải coi thông tin cá nhân là tài sản quý, không cung cấp cho bất kỳ ai, đặc biệt là mã OTP.

Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, Báo Đầu tư vẫn nhận được những lá đơn kêu cứu của nhiều nhà đầu tư khi các mô hình đa cấp tài chính, các sàn forex, tiền ảo, chứng khoán quốc tế… liên tục vỡ hoặc có dấu hiệu lừa đảo. Mới đây, Công an TP. Hà Nội cũng triệt phá ổ nhóm lừa đảo vay tiền qua mạng, số nạn nhân bị lừa lên tới 400 người.

Công nghệ và Internet ngày càng phát triển, người dân ngày càng dành nhiều thời gian trên mạng khiến các hình thức lừa đảo qua mạng cũng mọc lên như nấm sau mưa. Nói một cách khách quan, các chiêu thức lừa đảo ngày càng biến tướng tinh vi. Tuy vậy, không phải quá khó để nhận ra dấu hiện của các mô hình lừa đảo qua mạng.

Đó là cam kết lợi nhuận cao, rủi ro thấp, không cần làm gì cũng hưởng siêu lợi nhuận; bao lỗ, bao cháy tài khoản; mô hình đầu tư không rõ ràng hoặc mục đích được miêu tả quá phức tạp, khó hiểu.           

Đó là không có giấy tờ pháp lý tin cậy; lợi nhuận gấp 3-4 lần lãi suất ngân hàng; yêu cầu người tiêu dùng truy cập các link lạ, bắt khai báo thông tin, đặc biệt là mã OTP…

Trên thực tế, không ít trường hợp, dù “đánh hơi” thấy yếu tố lừa đảo, nhưng nhiều người vẫn nhắm mắt lao vào vì lợi nhuận quá hấp dẫn. Khi lòng tham che mờ lý trí, tin vào khoản các lợi nhuận kếch xù hứa hẹn, không ít người đã vội vã trao tiền hoặc cung cấp hết thông tin cho người lạ. Có những người chỉ vì món lợi vài trăm ngàn đồng trúng thưởng vẫn ngây thơ cung cấp mọi thông tin cá nhân, kể cả mã OTP của mình.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng mạng Internet và mạng xã hội tăng nhanh nhất trên thế giới. Song người dùng lại thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết khi tham gia mạng xã hội cũng như thiếu kiến thức về tài chính. Điều này đã tạo môi trường lý tưởng cho tội phạm mạng, nhất là tội phạm tài chính hoạt động.

Thời gian qua, Bộ Công an cũng như cơ quan công an nhiều địa phương liên tục cảnh báo người dân về các mô hình lừa đảo qua mạng, nhất là các chiêu thức lừa đảo ngân hàng cũng như các mô hình lừa đảo đa cấp tài chính, đồng thời tích cực truy quét tội phạm công nghệ cao. Mặc dù vậy, do đa phần tội phạm mạng đều sử dụng danh tính “rác”, các trang web lừa đảo đặt máy chủ ở nước ngoài nên việc truy tìm rất khó khăn.

Cách duy nhất để tránh lừa đảo trên mạng là phải tuyệt đối cảnh giác, đồng thời phải coi thông tin cá nhân là tài sản quý, không cung cấp cho bất kỳ ai, đặc biệt là mã OTP.

Nếu mọi người luôn tỉnh táo, biết cảnh giác trước những lời mời gọi đầu tư hấp dẫn, hay những món quà từ trên trời rơi xuống, thì kẻ gian sẽ không có cơ hội trục lợi.

Dù hành lang pháp lý răn đe mạnh đến đâu, dù các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt đến mức nào, thì vẫn không ai có thể bảo vệ những người, vì tham lợi nhuận, mà sẵn sàng cung cấp mọi thông tin bảo mật ngân hàng hoặc rót tiền cho người lạ.

Nguồn Báo Đầu Tư

0 comments:

Đăng nhận xét