Trung Quốc thu hút dòng tiền nhờ nền kinh tế mạnh, có thay đổi về chính sách. Kết quả khảo sát từ Credit Suisse cho thấy lực cầu ròng đối với châu Á cao gấp hai lần Mỹ.
GameStop là tiêu điểm cuộc đối đầu giữa nhà đầu tư cá nhân với quỹ phòng hộ bán khống cổ phiếu công ty bán lẻ trò chơi điện tử này. Họ cùng nhau mua vào, đẩy giá cổ phiếu GameStop khiến giới bán khống lỗ đáng kể.
Kết quả khảo sát của Credit Suisse với hơn 200 nhà đầu tư tổ chức với 812 tỷ USD tài sản phòng hộ cho thấy châu Á – Thái Bình Dương là khu vực được tìm kiếm nhiều nhất với lực cầu ròng là 55%, mức độ quan tâm cao nhất hơn thập kỷ. Trong khi đó, lực cầu ròng với Bắc Mỹ chỉ 20%.
Lực cầu ròng được đo bằng tỷ lệ nhà đầu tư muốn tăng tỷ trọng trừ đi số có ý định giảm tỷ trọng.
“Năm nay, chúng ta sẽ ghi nhận dòng vốn vào mạnh”, Richard Johnston, trưởng bộ phận châu Á tại Albourne Partners, Hong Kong, nói. “Những khu vực ghi nhận nhu cầu đầu tư mạnh là thị trường cổ phiếu Trung Quốc, tín dụng tư nhân…”.
Sự thay đổi đầu tư này có thể thúc đẩy tăng trưởng ngành quỹ phòng hộ nhỏ ở châu Á, tập trung chủ yếu ở Hong Kong và Singapore. Nhà đầu tư trên thế giới đang tìm cách sinh lời nhờ tăng trưởng kinh tế tại châu Á, các quỹ phòng hộ châu Á diễn biến vượt trội so với đối thủ trên thế giới.
Theo Johnston, chuyên tư vấn về các khoản đầu tư thay thế, một số tổ chức đang tăng tỷ lệ phân bổ đầu tư vào Trung Quốc lên 15 – 20% tổng tiền đầu tư.
Tổng giá trị tài sản được quản lý bởi các quỹ phòng hộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng 20% trong năm 2020 lên 155,6 tỷ USD, theo số liệu từ Preqin. Những công ty như Dymon Asia dự báo ghi nhận thêm dòng tiền vào năm nay.
“Một khi giai đoạn phong tỏa kết thúc, có thể vào cuối năm nay, tôi nghĩ ngành quỹ phòng hộ nói chung ở châu Á sẽ rất tốt”, Danny Yong, đối tác sáng lập Dymon Asia, Singapore, quản lý khoảng 5 tỷ USD, cho biết.
Sự gia tăng các gói kích thích tiền tệ và tài khóa tại Bắc Mỹ, châu Âu có thể thúc đẩy một số nhà đầu tư chuyển tiền về châu Á, bỏ qua thị trường Mỹ “quá nóng”, các nhà quản lý quỹ cho biết. Những thay đổi về quy định giúp quỹ phòng hộ dễ dàng đầu tư hơn vào Trung Quốc cũng thúc đẩy nhu cầu.
“Tôi tin năm 2021 có thể là năm châu Á vượt trội đáng kể”, Yong nói.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc diễn biến vượt trội hơn so với S&P 500 của Mỹ trong hai năm qua và kể từ đầu năm 2021 cho đến khi bị điều chỉnh gần đây. Kể từ đầu năm, CSI 300 hiện giảm 3,9% còn S&P 500 tăng 4,2%.
‘Tị nạn GameStop’
Kok Hoi Wong, giám đốc đầu tư APS Asset Management – quản lý khoảng 3 tỷ USD, dự báo một số nhà đầu tư tổ chức chịu thiệt hại do hậu thuẫn các quỹ phòng hộ bán khống cổ phiếu GameStop và AMC Entertainment Holdings, sẽ rút một phần tiền về và tái phân bổ sang châu Á. Châu Á không có nhiều diễn đàn cho nhà đầu tư bán lẻ như WallStreetBets hay nền tảng như Robinhood Markets, đồng nghĩa kịch bản GameStop khó xảy ra ở khu vực này hơn.
“Xu hướng này có thể bắt đầu trong quý II hoặc quý III”, Kok Hoi Wong nói. “Nhưng bất kể đầu tư ở châu Á, Mỹ hay bất kỳ đâu trên thế giới, bạn cần đảm bảo quản trị rủi ro đủ tốt để ngăn rơi vào rắc rối”.
APS tránh các vị thế quá phổ biến – còn gọi là giao dịch đám đông – và chỉ bán khống những công ty có vốn hóa thị trường lớn để tránh nhà đầu tư cá nhân trừng phạt như trường hợp AMC và GameStop.
Yong của Dymon cảnh báo những sự kiện bóp nghẹt bán khống do nhà đầu tư cá nhân có thể “tìm đến” châu Á. Lớp bảo vệ đầu tiên là triển khai một quỹ đa chiến lược có mối tương quan thấp với các chỉ số chứng khoán. Chiến lược thứ hai là nên có 1.000 vị thế bán và 1.000 vị thế mua – không quá 1% giá trị thị trường một công ty – để hạ rủi ro tiềm ẩn từ một sự kiện lớn bất ngờ.
Nguồn NDH
0 comments:
Đăng nhận xét