Từ một nền tảng chia sẻ video hấp dẫn, đến nay YouTube đã lộ ra nanh vuốt nguy hiểm, khi không ít YouTuber lợi dụng công cụ này để công kích người khác, gây nhiễu xã hội, tuyên truyền phi văn hóa...
Vụ việc gần đây nhất, cơ quan công an đã "mời" (để có hướng xử lý) một số YouTuber đăng hoặc livestream một người mặc áo tu hành nói về chuyện ăn thịt chó. Bên cạnh đó là những clip gây gổ, đòi đánh nhau với người này. Vụ việc mang tính cá nhân nhưng đã sớm tràn lan trên mạng và tạo quan điểm xấu về tín ngưỡng, gây hoang mang dư luận. Hiếu kỳ cũng có, bức xúc cũng có nhưng cũng không thiếu những kẻ nhân cơ hội này dựng clip để thu hút người xem nhằm kiếm tiền.
Vấn đề này ngày càng nghiêm trọng khi không ít người lương thiện đã trở thành "con mồi" cho những kẻ bất hảo. Cách đây vài ngày, gia đình ca sĩ Vân Quang Long gửi đơn đến Công an tỉnh Đồng Tháp đề nghị xử lý những kẻ dùng mạng xã hội vu khống gia đình họ. Vụ việc bắt đầu khi nam ca sĩ qua đời cách nay gần 2 tháng, chẳng bao lâu có người quay phim vợ con và gia đình anh rồi tung lên mạng vu khống đủ điều. Những kẻ này còn hạ nhục bố mẹ anh, chửi mắng vợ anh, mặc sức tung lên mạng. Đến mức con gái anh phải đòi nghỉ học vì những clip bẩn này đã lan cả vào trường học. Gần 2 tháng qua, gia đình cố ca sĩ vô cùng bức xúc nhưng đành bó tay trước những kẻ lợi dụng YouTube để làm điều sai trái.
Cũng như bao nền tảng công nghệ giải trí khác, mục tiêu của nó luôn mang ý nghĩ tốt đẹp nhằm liên kết với mọi người ở mọi vùng địa lý. Sự thuận lợi vượt trội này tiếp tục được sử dụng cho những mục đích tốt đẹp khác như kêu gọi chung tay làm việc thiện, kịp thời giúp đỡ những người cô thế, ứng dụng vào công tác xã hội, thậm chí là hỗ trợ kinh doanh... Nhưng rồi không ít người cũng phát hiện đây là cơ hội kiếm lợi bằng cách tung lên những clip nhảm nhí, phản văn hóa để câu view, câu sub, qua đó được nhà cung cấp dịch vụ trả nhiều tiền. Những người khác lợi dụng công cụ này và giấu mặt để lăng mạ người khác; xúc phạm hoạt động của những tổ chức, cá nhân lành mạnh.
Tác hại của YouTuber bất hảo đã quá rõ ràng. Những quy định về pháp luật để xử lý các hành vi này cũng không thiếu, đặc biệt là từ sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào ngày 1-1-2019. Cụ thể, hành vi "Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác" sẽ phải bồi thường, bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự.
Tình hình đã khá nghiêm trọng nên cách đây chưa lâu, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân quá nhiều trên mạng xã hội.
Truyền thông luôn có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Không dập tắt được những YouTuber độc thì cái giá phải trả cho những tác hại sau này rất lớn. Ngăn chặn hữu hiệu thì không gì tốt hơn là xử lý thật nghiêm những kẻ lợi dụng công nghệ gây nhiễu loạn xã hội và xúc phạm người khác.
Nguồn NLD
0 comments:
Đăng nhận xét