Không ít người cho rằng trở ngại chỉ bắt nguồn từ các tác động ngoại cảnh, nhưng trên thực tế, chính những rào cản xuất phát từ trong mỗi chúng ta mới thực sự nguy hiểm. Cụ thể, có 8 trở ngại lớn nhất mà bạn cần phải vượt qua nếu muốn thành công trong cuộc sống.
Sự hoàn hảo
Thực tế cho thấy những người tôn thờ chủ nghĩa hoàn hảo rất khó đạt được mục tiêu cá nhân vì chính khao khát mọi thứ phải hoàn hảo đó sẽ giết chết sự sáng tạo trong họ. Cụ thể, có rất nhiều điều tuyệt vời đang chờ chúng ta khám phá và bằng cách học hỏi từ chính những sai lầm của bản thân mà bạn sẽ dần trưởng thành hơn.
Dĩ nhiên để xóa bỏ chủ nghĩa hoàn hảo đã tồn tại bấy lâu trong nhận thức sẽ tốn khá nhiều thời gian. Vậy hãy bắt đầu từ những bước đơn giản như:
Gạt bỏ bớt kỳ vọng ở bản thân.
Thử sức ở nhiều lĩnh vực mới.
Hoàn thành công việc theo thứ tự ưu tiên thay vì cố gắng ôm đồm hết mọi thứ.
Nỗi sợ hãi
Con người thường cảm thấy sợ hãi khi có suy nghĩ rằng bản thân hoặc cuộc sống xung quanh không được an toàn. Đây cũng là một cơ chế bảo vệ để chúng ta luôn nhận thức và cảnh giác trước những mối đe dọa tiềm ẩn. Tuy nhiên, nếu chìm quá sâu trong sự sợ hãi thì rất khó để bạn tập trung làm việc, từ đó bỏ lỡ mục tiêu lâu dài của mình.
Tương tự như sự hoàn hảo, để vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân cũng cần nhiều thời gian để đối phó với chúng. Cụ thể:
Viết ra những nỗi sợ mà bạn không muốn sẽ xảy ra với mình
Hình dung bản thân đang phải trải qua nỗi sợ lớn nhất. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu chúng biến thành sự thật?
Nhớ lại liệu bản thân đã từng cảm thấy như vậy hay chưa. Nếu có, bạn đã đối phó với chúng bằng cách nào?
Thiếu mục tiêu cụ thể
Hy vọng có được một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc nhưng lại thiếu đi mục tiêu cụ thể cũng chẳng khác nào mò kim đáy bể.
Đặc biệt nếu bạn đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, để xác định tốt mục tiêu chiến lược của bản thân thì cần bắt đầu với lý do vì sao mình muốn làm công việc này. Sau đó mới là bước tìm ra cách thức để biến ước mơ thành sự thật.
Mọi quyết định trong cuộc sống đều được đưa ra vì một mục đích nào đó. Thử lấy ví dụ về việc đi du lịch sau thời gian dài làm việc căng thẳng. Bởi lý do cốt lõi ở đây là nghỉ ngơi, thư giãn, tránh sự xô bồ nên bạn dễ dàng chọn lựa được một số điểm đến lý tưởng như resort, spa, v.v.
So sánh quá nhiều
Xu hướng so sánh bản thân với những người xung quanh là điều hoàn toàn dễ hiểu. Việc này giúp chúng ta nhận thức được vị trí của mình và tiếp tục cải thiện, hướng đến phiên bản tốt hơn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ lại dẫn đến cảm giác thất vọng, tự ti vì suy nghĩ mình quá kém cỏi.
Dưới đây là một số gợi ý để bạn loại bỏ thói quen tự so sánh bản thân với người khác:
Khi so sánh, bạn thường cảm thấy như thế nào?
Liệu việc so sánh này rút ra cho bạn những thông tin có lợi gì?
Giữ lại phần thông tin hữu ích để cải thiện bản thân và bỏ qua mọi cảm xúc tiêu cực khác.
Chưa "tâm sự" với chính mình
Bạn có thường xuyên tự khích lệ và động viên bản thân không? Hay bạn luôn giữ suy nghĩ tiêu cực và tự trách mình mỗi khi gặp khó khăn? Thiếu đi những cuộc độc thoại nội tâm để "xốc" lại tinh thần chính là một trở ngại rất lớn trên con đường gặt hái thành công.
Tuy nhiên, bạn cũng cần kiểm soát tốt giọng nói trong đầu để chúng trở thành động lực thúc đẩy bản thân thay vì tự chì chiết mình. Thậm chí nhiều nghiên cứu còn cho thấy lợi ích của thói quen này bao gồm giảm trầm cảm, giải tỏa căng thẳng và nâng cao hệ miễn dịch.
Không có ranh giới rõ ràng
Thiết lập ranh giới rõ ràng với những người xung quanh là yếu tố đặc biệt quan trọng để bạn kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình. Cụ thể thì ranh giới ở đây là nói "không" khi cần thiết và tách bản thân ra khỏi những người có ảnh hưởng tiêu cực. Bởi lẽ nhiều người có xu hướng luôn để cho người khác đưa ra quyết định để tránh xung đột nhưng trên thực tế, chính việc này sẽ gây nên rào cản khiến bạn không có lập trường vững vàng.
Đặt ra kỳ vọng không phù hợp
Chúng ta thường được khuyến khích là nên mơ lớn vì sẽ dễ dàng tiếp cận được nguồn cảm hứng cũng như những ý tưởng lớn lao. Tuy nhiên, nếu ước mơ không dựa trên nguồn lực thực tế thì rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với nỗi thất vọng cùng cực, hoặc thậm chí là từ bỏ mục tiêu của mình.
Điểm mấu chốt ở đây là đặt ra những kỳ vọng phù hợp với bản thân – không quá cao mà cũng không quá thấp. Để làm tốt điều này, nguyên tắc SMART sẽ là công cụ trợ giúp đắc lực dành cho bạn.
Định nghĩa sai về thành công
Đối với bạn thế nào là thành công? Hay nói cách khác, bạn đang tìm kiếm thành công từ góc độ nào? Nhiều người cho rằng chỉ khi đạt được toàn bộ các dự định đã đề ra thì mới được coi là thành công. Nhưng trên thực tế, đây là cách nghĩ hoàn toàn sai lầm, khiến bạn bỏ lỡ nhiều cơ hội để phấn đấu trong sự nghiệp.
Hãy tập nghĩ thoáng hơn, ngay cả khi không đạt được mục tiêu ngắn hạn nào đó thì bạn vẫn học hỏi được nhiều điều để trưởng thành hơn. Cũng chính bằng cách này, con đường dẫn đến thành công cũng dễ dàng hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ trước đây.
Để thành công cần phải vượt qua rất nhiều trở ngại, và nhiều người sẽ thất bại ở một thời điểm nào đó. Điều quan trọng là giải quyết những trở ngại này từng bước một. Theo lời của Nhà tâm lý học Joyce Brothers, "Thành công là một trạng thái của tâm trí. Nếu bạn muốn thành công, hãy bắt đầu nghĩ mình là người thành công ".
Nguồn Doanh Nghiệp và Tiếp Thị
0 comments:
Đăng nhận xét