19 thg 4, 2021

Nhà đầu tư F0 đang lo

Trong khi nhiều nhà đầu tư hoang mang thì giới chuyên gia vẫn tự tin thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thăng hoa. Một số ý kiến còn cho rằng VN-Index năm nay lên 1.300-1.400 điểm vẫn chưa tương xứng với mục tiêu kỳ vọng của các doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư vừa trải qua một tuần giao dịch nhiều biến động Ảnh: Hoàng Triều.

Chưa kịp vui mừng vì sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) bất ngờ bớt nghẽn, VN-Index vượt xa ngưỡng 1.200 điểm, thanh khoản cũng liên tục lập kỷ lục mới thì những biến động của thị trường tuần qua đã khiến không ít nhà đầu tư - đặc biệt là những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (F0) - hoang mang.

Ông Hữu Nguyên (quận 10, TP HCM) mới tham gia thị trường, nghe theo một số nhận định của các công ty chứng khoán cho rằng khả năng thị trường lên 1.300 điểm dễ dàng nên đã dốc hết tiền mua một số cổ phiếu ngân hàng và thép ở mức giá khá cao. "Cổ phiếu chưa về tài khoản mà đã mất vài phần trăm. Không biết nó có xuống nữa không vì nhiều người nói thị trường đã chạm đỉnh" - nhà đầu tư này lo lắng.

Trong khi đó, chị Hoàng Lan (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) dù có kinh nghiệm đầu tư nhiều năm nhưng cũng rất "sợ". Theo lời khuyên của môi giới và kinh nghiệm bản thân, chị quyết định bán hết số cổ phiếu vừa mua với giá trị 2 tỉ đồng dù chưa lãi đồng nào vì sợ thị trường "có thể sụp bất cứ lúc nào".

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định có một số dấu hiệu khá tiêu cực trên thị trường trong tuần qua khi dòng tiền tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, nhóm cổ phiếu có thanh khoản cao và mức độ biến động lớn. VN-Index tăng nhưng lại tập trung vào một số nhóm cổ phiếu này và dù tình trạng nghẽn lệnh được khắc phục nhưng dòng tiền lại có dấu hiệu suy yếu thay vì gia tăng thì đó là rủi ro. 

"Động lực của thị trường đang yếu dần chứ không tích cực thể hiện qua chỉ số tăng điểm. Đây là một dấu hiệu rủi ro, cần cẩn trọng. Chưa kể, nhiều cổ phiếu đã tăng nóng thời gian qua có thể sẽ điều chỉnh" - ông Nguyễn Thế Minh nêu.

Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn, chuyên gia tài chính chứng khoán, khẳng định thị trường nhìn chung vẫn rất ổn, việc giảm điểm tuần qua chỉ là ngắn hạn. Giảm vì sau một thời gian dài tăng điểm thì không đáng lo khi mà những thông tin tích cực vẫn còn. Đặc biệt là việc Mỹ vừa loại Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ và các công ty chứng khoán sẽ cấp lại margin trong tuần sau, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định không siết tín dụng vào bất động sản và chứng khoán… sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường thăng hoa.

Một số ý kiến khác thậm chí còn cho rằng VN-Index năm nay lên 1.300-1.400 điểm vẫn chưa tương xứng với mục tiêu kỳ vọng của các doanh nghiệp.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc khách hàng tổ chức Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cũng nhấn mạnh việc thị trường điều chỉnh về vùng kháng cự quanh 1.200-1210 điểm là diễn biến bình thường. Nếu nhìn dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa, cơ hội. Bởi về mặt định giá P/E kỳ vọng năm 2021 của thị trường Việt Nam chỉ khoảng 15,5 lần, trong khi các nước trong khu vực như Malaysia 21 lần, Thái Lan 39 lần, Singapore 41 lần…

Số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản trong tháng 3/2021 cũng tăng kỷ lục, gần gấp 3 lần so với cùng kỳ. Số lượng người có tài khoản chứng khoán ở Việt Nam mới khoảng 3% dân số, Thái Lan 25%-30% và Đài Loan (Trung Quốc) tới 80%. Do đó, trong ngắn hạn, việc thị trường điều chỉnh về quanh mức 1.200 điểm vẫn có thể là cơ hội tốt cho nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu ở vùng giá tốt. 

"Lúc này, nhà đầu tư ngắn hạn có thể chờ thị trường hồi phục để đổ tiền vô thêm, còn nhà đầu tư dài hạn thì không có lý do. Với những nhà đầu tư mới, trong bối cảnh thị trường phân hóa, rung lắc mạnh như hiện nay cần tránh cổ phiếu mang tính đầu cơ, rủi ro cao; tập trung vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc và những đợt điều chỉnh giảm là cơ hội mua vào những cổ phiếu tốt" - ông Trương Quang Bình khuyến cáo.

Không có chuyện sụp thị trường?

Ông Trương Quang Bình khẳng định không thể có câu chuyện thị trường "sụp" như những năm trước, khi những chỉ báo vĩ mô gần đây của Việt Nam từ chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), lượng đơn đặt hàng mới cao nhất trong 2 tháng... đều cho thấy "sức khỏe" của doanh nghiệp và nền kinh tế đang tiếp tục khả quan.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét