Tính chung liên quan đến nguồn lây từ bệnh viện, đã có ít nhất 52 ca bệnh COVID-19 ở 15 tỉnh thành. Trong bối cảnh đó, chống dịch tại các bệnh viện như thế nào để giữ yên được tuyến đầu?
Binh chủng hóa học - Bộ Quốc phòng phun hóa chất khử trùng tại khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 vào chiều 6-5 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông HOÀNG ĐỨC HẠNH (phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội)
Nếu dịch bệnh bùng phát tại bệnh viện thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng gấp nhiều lần. Những diễn biến liên tiếp trong ngày 6-5 cho thấy đã có ít nhất 52 ca bệnh ở 15 tỉnh thành liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Con số này còn có thể tăng.
Tại cuộc họp, thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội cho biết đến 14h ngày 6-5, trong tổng số 827 người là nhân viên y tế, bệnh nhân đang ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, sau xét nghiệm có 41 trường hợp dương tính, còn lại âm tính, trong đó có 8 ca dương tính ở Hà Nội, cộng thêm 1 bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương được phát hiện dương tính trước đó, tại ổ dịch này đã có 42 ca dương tính với COVID-19.
Các bệnh viện ráo riết chống dịch
Ông Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ bệnh viện đã xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ hơn 4.000 nhân viên y tế, hơn 5.000 học viên, hơn 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, kết quả đều âm tính. Đồng thời đang xét nghiệm tiếp cho toàn bộ bệnh nhân nội trú và người chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện.
"Chi phí xét nghiệm có tốn kém, nhưng chúng tôi vẫn làm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân và nhân viên y tế, đồng thời đảm bảo cho họ được an tâm khi đi khám chữa bệnh và làm việc tại Bạch Mai. Chúng tôi cũng triển khai 5K tại khu bệnh phòng, không gian mở tại bệnh viện.
Để chia lửa cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang cách ly y tế, từ ngày 6-5 Bạch Mai đã tiếp nhận 50 bệnh nhân F0 có kết quả âm tính và 40 F1 có liên quan đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ở tỉnh Hà Nam. Đây là biện pháp giảm áp lực cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và cũng là giữ yên cho Hà Nội" - ông Tuấn chia sẻ.
Bệnh viện K cũng đang triển khai rất nhiều hoạt động chống dịch. Trong 2 ngày 5 và 6-5, bệnh viện đã phối hợp với cơ quan công an xử phạt 5 người không đeo khẩu trang trong khuôn viên bệnh viện (mức phạt 2 triệu đồng/người).
"Bệnh viện sẽ lấy mẫu xét nghiệm PCR cho trên 1.900 cán bộ, nhân viên từ 6-5 đến 8-5, tái khởi động hàng loạt giải pháp chống dịch tại bệnh viện" - đại diện Bệnh viện K cho biết.
Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết Hà Nội vừa xét nghiệm cho hơn 25.000 nhân viên y tế, trên 10.000 bệnh nhân, tất cả đều âm tính.
Hà Nội có hơn 2.600 người đến và rời Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương
Chiều 6-5, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết bước đầu đã rà soát được hơn 2.600 người đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương từ ngày 14-4 đến 5-5.
Theo bà Hà, đây là số người đến khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Con số này còn có thể tăng khi các quận huyện tiếp tục rà soát, điều tra hết số người đã rời bệnh viện từ thời điểm 14-4 đến 5-5.
Nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19, bà Hà cho rằng đây là đợt dịch có rất nhiều khó khăn, phức tạp, rất nhiều nơi có F0, trong đó có những ca F0 chưa rõ nguồn lây. Bà Hà đề nghị người dân tự giác trong khai báo y tế để các lực lượng có thông tin triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Với các ca F0 được phát hiện, bà Hà đề nghị các quận huyện khẩn trương trong thực hiện khoanh vùng, truy vết, không bỏ lọt F1, F2.
Xét nghiệm, cách ly tại nhà những trường hợp liên quan bệnh viện
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu những trường hợp có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương từ 14-4 đến 5-5, xét nghiệm và thực hiện cách ly tại nhà. Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu người đứng đầu các bệnh viện siết chặt công tác phòng chống dịch tại bệnh viện, không để xảy ra lây lan dịch bệnh trong cơ sở y tế.
"Ban quản lý các khu công nghiệp phải đánh giá lại công tác phòng dịch, nếu có yếu tố dịch tễ phải tạm dừng sản xuất, tránh trường hợp để xảy ra ổ dịch trong khu công nghiệp, rất khó khăn trong dập dịch" - ông Dũng yêu cầu.
Nhân viên y tế vận chuyển hàng hóa, thiết bị trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, sau khi có quyết định cách ly y tế - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Xử lý nhanh chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương
Ngày 6-5, Binh chủng hóa học đã đến phun khử khuẩn tại cơ sở 2 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Đồng thời sau 1 ngày khoanh vùng, xử lý, cơ sở 1 của bệnh viện tại Phương Mai, Hà Nội đã mở cửa trở lại.
Cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) sẽ còn cách ly y tế đến 19-5, nhưng các bệnh viện lân cận đang hỗ trợ để giảm tải bệnh nhân cho khu vực này, nhất là trong điều kiện khối hành chính của bệnh viện cũng phải cách ly tập trung.
Trao đổi với báo chí ngày 6-5, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vẫn tiếp nhận bệnh nhân nặng ở các tỉnh phía Bắc chuyển đến.
"Sự cố hiện nay tại bệnh viện là không mong muốn, các bệnh viện phải tập trung kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra lây chéo" - ông Khuê nói.
Ông Khuê cũng đề nghị trong điều kiện hiện nay cần thực hiện "4 tại chỗ", trong đó có điều trị tại chỗ. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang cách ly y tế, nhưng còn nhiều khu vực khác có thể tiếp nhận bệnh nhân, chưa kể các bệnh viện dã chiến. Các phương án chuẩn bị đều đã có.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM có kháng thể đạt mức bảo vệ
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiêm vắcxin COVID-19 cho nhân viên y tế - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là số ít cơ sở y tế tiếp nhận cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở miền Nam, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19 nặng.
TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết bệnh viện siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng COVID-19 ngay tại cổng bệnh viện như khai báo y tế điện tử theo phần mềm của Sở Y tế TP.HCM, đo thân nhiệt, rửa tay bằng sát khuẩn.
Đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch là các bác sĩ, điều dưỡng khoa nhiễm, khoa hồi sức tích cực, bệnh viện triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng này, cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn, tuyệt đối không để lây nhiễm.
Bên cạnh đó, bệnh viện đã triển khai tiêm vắcxin mũi thứ 2 cho hầu hết nhân viên y tế trước lễ 30-4 và 1-5. Hiện bệnh viện đang tiêm vét cho những nhân viên y tế còn lại vì một số có lý do cá nhân mà chưa được tiêm, đồng thời tiêm cho các nhân viên đang công tác tại bệnh viện của các đơn vị đối tác như vệ sinh công nghiệp, nhân viên giữ xe, căngtin...
TS Châu cho biết bệnh viện định kỳ thực hiện xét nghiệm sàng lọc PCR mẫu mũi họng của các nhân viên y tế. Hiện tại, sau khi chủng ngừa, bệnh viện đã tiến hành khảo sát đáp ứng kháng thể trung hòa sau tiêm vắcxin. Kết quả sơ bộ cho thấy sau 4 tuần tiêm mũi 1 có khoảng 80% nhân viên y tế đã có kháng thể đạt mức bảo vệ.
Khảo sát này đang tiếp tục tiến hành sau mũi tiêm thứ 2 và sẽ báo cáo khi hoàn tất.
XUÂN MAI
Cắm trại 100% quân số tại Bệnh viện Quân y 7A
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 6-5 phát thông báo khẩn đề nghị người đã đến Ngân hàng Shinhan Việt Nam, phòng giao dịch Tân Bình (113-115 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình) vào 16h ngày 27-4 khẩn trương liên hệ cơ quan y tế.
Địa điểm này được xác định là nơi mà bệnh nhân L.K.L. (30 tuổi, ngụ đường Trần Quý, phường 4, quận 11), người vừa có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 tại Campuchia, từng đến.
Ngoài địa điểm này, HCDC xác định bệnh nhân này từng đến Bệnh viện Quân y 7A thăm khám, điều trị 5 lần. Sau sự việc, bệnh viện khẩn trương truy vết được 2 F1 và 29 F2, kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 6-5 đều âm tính. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, từ 16h ngày 5-5 bệnh viện cũng quyết định cắm trại 100% quân số tại bệnh viện cho đến khi có thông báo mới, đồng thời khử khuẩn toàn bộ bệnh viện.
Liên quan hai trường hợp quê Thạch Hà, Hà Tĩnh tái dương tính sau điều trị, cách ly tập trung ở Tây Ninh và TP.HCM, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh chỉ đạo khẩn cho HCDC phối hợp CDC Hà Tĩnh nắm lịch trình di chuyển của các bệnh nhân để nhanh chóng khoanh vùng, truy vết.
HOÀNG LỘC
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét