7 thg 5, 2021

Khách hàng có cần mua 'bảo hiểm khoản vay'?

Bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm tín dụng... thực chất là một dạng bảo hiểm nhân thọ có bên thụ hưởng là ngân hàng. Bên bảo hiểm sẽ trả toàn bộ dư nợ của khách hàng cho ngân hàng trong trường hợp người đi vay tử vong hoặc mất khả năng chi trả (do thương tật, mất khả năng lao động...). 


Bộ Tài chính vừa yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, sau khi có tình trạng một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, được báo chí dư luận xã hội, quan tâm.

Thực tế, khi khách hàng đến vay vốn hiện nay, đều được các nhân viên tín dụng hoặc nhân viên bảo hiểm liên kết tại các ngân hàng giới thiệu về các gói bảo hiểm. Bên cạnh gói bảo hiểm nhân thọ - có thể phù hợp với nhu cầu của một số người, khách hàng có thể được chào thêm một gói khác với nhiều tên gọi như bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm bảo an tín dụng, bảo hiểm tín dụng… 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng tiếp nhận đề nghị từ khách hàng vay vốn tại một số tổ chức tín dụng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm khoản vay đi kèm hợp đồng tín dụng. NHNN đề cập việc mua bảo hiểm này là thỏa thuận của tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm và khách hàng vay vốn. Tuy nhiên, không ít trường hợp khách hàng dừng đóng bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm bảo an tín dụng sau 1-2 tháng thực hiện khi thấy không phù hợp... Sau đó, tổ chức tín dụng và khách hàng phải làm việc lại, để tiếp tục thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. 

Thông thường, với các khoản vay thế chấp, khi người vay gặp rủi ro (tử vong, hoặc không có khả năng chi trả), ngân hàng sẽ xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi giá trị cho vay. Tuy nhiên với các khoản vay tín chấp, ngân hàng sẽ không thể xử lý theo hướng trên. Do đó, các loại bảo hiểm này thường được các ngân hàng cung cấp khoản vay tín chấp hoặc một số ngân hàng tư nhân (với mục đích tăng doanh số bảo hiểm) liên kết công ty bảo hiểm giới thiệu cho khách hàng.

Đơn cử, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) có gói Bảo an Tín dụng, trong trường hợp khách hàng tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn do tai nạn, bên bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ dư nợ khoản vay cho ngân hàng (không bao gồm các khoản trả nợ vay hàng tháng, khoản lãi, phạt chậm trả). Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AVIVA Việt Nam, một đơn vị bảo hiểm ngoại cũng cung cấp gói bảo hiểm tương tự. Đơn vị này sẽ trả toàn bộ khoản dư nợ và khách hàng được bảo toàn các tài sản vay thế chấp (nếu có). Hay như, NCB giới thiệu gói bảo hiểm tín dụng Khang an Bảo Tín có quyền lợi gần tương tự. 

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, bản chất “bảo hiểm khoản vay” là bảo hiểm nhân thọ với người thụ hưởng là phía ngân hàng. Bảo hiểm sẽ trả cho ngân hàng khoản dư nợ của khách hàng trong trường hợp người đi vay tử vong hoặc không có khả năng chi trả. Trong điều kiện thường, trách nhiệm trả nợ vẫn thuộc về khách hàng, bên bảo hiểm không có nghĩa vụ trả nợ. 

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: LGland.

Ông Hiếu cho biết ngân hàng được phép giới thiệu gói bảo hiểm cho khách hàng nhưng việc mua sẽ hoàn toàn tự nguyện và nhân viên tư vấn cần chỉ rõ các quyền lợi, nghĩa vụ và nội dung bảo hiểm. Ở Mỹ, một số ngân hàng cũng yêu cầu phải có bảo hiểm đó nhưng họ nói rõ là bảo hiểm nhân thọ, không phải bảo hiểm tín dụng. 

Vị chuyên gia đề cập rằng cần phân chia rõ hai dạng bảo hiểm khi khách hàng đi vay được giới thiệu là bảo hiểm nhân thọ với người thụ hưởng là bản thân và người thân, một loại bảo hiểm nhân thọ khác với người thụ thưởng là phía ngân hàng bổ trợ cho tín dụng. 

Thời gian qua, các ngân hàng liên tục ký hợp tác bancassurance độc quyền với công ty bảo hiểm như MSB và Prudential, ACB và Sun Life, Vietcombank với FWD..., kỳ vọng sẽ đóng góp vào nguồn thu dịch vụ trong tương lai. Với mỗi hợp đồng độc quyền ký kết, ngân hàng cũng có KPI (chỉ số đo lường hiệu quả) riêng với công ty bảo hiểm. Nếu công ty bảo hiểm hợp tác theo dạng giới thiệu, tận dụng mạng lưới chi nhánh của ngân hàng, nhân viên tín dụng ngân hàng sẽ ít áp lực hơn. Trường hợp các ngân hàng hợp tác với công ty bảo hiểm và sử dụng nhân sự trực tiếp bán sản phẩm, áp lực của nhân viên tín dụng sẽ tăng lên.

Theo Bộ Tài chính, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm. Điều này nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không quy định cụ thể hoặc giới hạn về các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng.   

Sau khi nhận được thông tin phản ánh của một số cơ quan thông tấn báo chí về tình trạng một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.

NHNN cũng từng yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm. Cơ quan này nhấn mạnh các nhà băng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng, tương đương việc "ép" khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn. 

Nguồn NDH


0 comments:

Đăng nhận xét