12 thg 5, 2021

Lộ diện các khoản lỗ lớn trong quý 1

Bất chấp việc tổng lợi nhuận ròng các công ty tăng trưởng 81% so với cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp vẫn lỗ lớn trong quý 1.


Vị trí quán quân lỗ đang thuộc về Vietnam Airlines (HVN), quý 1 ông lớn hàng không tiếp tục lỗ sau thuế 4.975 tỉ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ, do tình hình dịch bệnh Covid 19 ngày càng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh.

Với kết quả này HVN đã lỗ lũy kế đến 31/3 là 14.219 tỉ đồng. Số lỗ này đã vượt vốn điều lệ và kéo vốn chủ sở hữu của hãng từ hơn 6.000 tỉ đồng xuống còn 1.031 tỉ đồng.

Theo quy định của Luật chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong BCTC kiểm toán gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nên HVN có thể rơi vào trường hợp này nếu không tăng vốn điều lệ 8000 tỉ đồng nữa như kế hoạch đề ra.

Bên cạnh lỗ, hãng còn gánh khoản nợ phải trả gần 60.000 tỉ đồng. Trong số này có 12.690 tỉ đồng là nợ vay ngắn hạn và 21.640 tỉ là nợ vay dài hạn, khiến cho nợ/vốn chủ là 57,7 lần, ở mức rủi ro đặc biệt. Tuy nhiên, tiền mặt của hãng trên tài khoản vẫn duy trì 2.077 tỉ.

Vị trí tiếp theo là khoản lỗ của Vietttel Global (VGI), mặc dù có doanh thu thuần đạt 4.628 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ. Lãi gộp tăng tới 16%, từ 1.635 tỷ lên 1.900 tỷ đồng, đưa biên lãi gộp tăng hơn 3 điểm phần trăm lên 41,1%. Đây là quý thứ 2 trong vòng nhiều năm trở lại đây biên lãi gộp của Viettel Global đạt được mức trên 40%.

Động lực tăng trưởng chính trong quý vừa qua đến thị trường châu Phi khi doanh thu tăng gần 18,5% lên 1.750 tỷ đồng và đạt gần 300 tỷ đồng lợi nhuận – cao nhất trong số 3 thị trường chính. Hiện tại khu vực châu Phi của Viettel Global ghi nhận kết quả kinh doanh từ các nước Tanzania, Mozambique và Burundi.

Tuy vậy, trong khi hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng thuận lợi thì Viettel Global lại gặp sự kiện bất khả kháng liên quan đến những biến động chính trị tại Myanmar. Điều này đã gây tác động rất lớn đến việc quy đổi kết quả kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại đây, trong đó có công ty liên kết của Viettel Global là Mytel. Dù bù đắp bởi sự tăng trưởng của các thị trường khác nhưng sự kiện bất khả kháng này đã dẫn đến lợi nhuận trước thuế trong kỳ rơi xuống -106 tỷ đồng.


Tiếp đó là những khoản lỗ trăm tỷ của MSR, DHB và PVD trong đó Masan High-Tech Materials (MSR) mặc dù có doanh thu thuần gấp 2,8 lần cùng kỳ đạt 2.963 tỷ đồng, phần lớn là doanh thu bán vonfram với tỷ trọng gần 89%. Nhưng giá vốn cũng tăng mạnh và chi phí đồng loạt tăng cao khiến công ty bị lỗ sau thuế 281 tỷ đồng và lỗ ròng 293 tỷ, tăng lỗ so với kết quả cùng kỳ năm 2020.

Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) vẫn trong vòng xoáy thua lỗ khi tiếp tục lỗ thêm 249 tỷ đồng trong quý 1/2021và nâng lỗ luỹ kế vượt mốc 5.000 tỷ đồng. Trước đó, kết thúc năm 2020, DHB lỗ 1.462 tỷ đồng ghi nhận năm thứ 6 liên tiếp, Đạm Hà Bắc kinh doanh thua lỗ, mới đây ĐHĐCĐ đã thông qua con số lỗ dự kiến của năm nay là hơn 981 tỷ đồng.

DHB cho biết trong quý 1 thị trường phân bón có nhiều chuyển biến tích cực giúp doanh thu trong kỳ tăng cao, tuy nhiên tình hình tài chính vẫn chưa được cải thiện, các cơ chế tháo gỡ khó khăn vẫn chưa được giải quyết, chi phí lãi vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn do đó công ty vẫn kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó luật thuế 71 đưa sản phẩm phân bón thành đối tượng không chịu thế GTGT gây bất lợi kép cho công ty do vừa không được hoàn thuế đầu vào vừa giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.

Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) sau khi có KQKD 2020 ấn tượng với lợi nhuận sau thuế đạt 186 tỷ đồng vượt 173% kế hoạch đã quay đầu báo lỗ 110 tỷ đồng trong quý 1/2021 do kinh doanh dưới giá vốn.

Ngành công nghiệp dầu khí vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Nhu cầu dầu thô năm 2021 được dự báo tăng trở lại, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với trước đại dịch Covid-19 do nhu cầu tiêu thụ phục hồi chậm và năm 2021 theo dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành dầu khí. Theo đó PVD mới chỉ đề ra mục tiêu doanh thu đạt 4.400 tỷ đồng và sẽ nỗ lực có lãi trong năm 2021.

Ngoài những khoản lỗ lớn kể trên thị trường còn ghi nhận khoảng 100 doanh nghiệp có LNST âm trong quý 1 trong đó có khoảng hơn 30 doanh nghiệp báo lỗ 2 con số.

Trong đó dẫn đầu là khoản lỗ 77 tỷ đồng của Điện lực Khánh Hòa (KHP) sau khi có quý 4/2020 lãi kỷ lục. Theo giải trình từ phía công ty do tác động của dịch Covid – 19 doanh thu tiền điện 3 tháng đầu năm của công ty giảm 182 tỷ đồng so với cùng kỳ, sản lượng điện thương phẩm giảm 72 triệu kwh, giá bán bình quân giảm 73,42 đồng dẫn đến kết quả kinh doanh quý 1 thua lỗ.

Trong nhóm này tiếp tục có sự góp mặt của những cái tên quen thuộc như Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) và Nosco (NOS) đã thua lỗ suốt từ 2012 đến nay. Fortex (FTM) cũng đã lỗ quý thứ 9 liên tiếp.

Ngoài ra thị trường tiếp tục ghi nhận những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực du lịch, vận tải trong đó Vinasun (VNS) cũng lỗ quý thứ 5 liên tiếp, ước tính sang quý 2 công ty sẽ vẫn tiếp tục lỗ 21 tỷ đồng. năm 2021 VNS lỗ sau thuế 79 tỷ đồng (có cải thiện so với mức lỗ năm trước gần 211 tỷ đồng).

Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) báo lỗ ròng 71,5 tỷ đồng. Trước đó dù chịu áp lực nặng nề từ dịch bệnh, cuối năm 2020 Vietravel (VTR) cũng ghi dấu mạnh mẽ khi chính thức ra mắt hãng hàng không Vietravel Airlines. Đây là hãng hàng không lữ hành cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không và các gói du lịch trong nước, quốc tế.

Nhìn chung tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp trong quý đầu năm nay đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm cho mình các phương án để vượt khó ví dụ như để ứng phó với tình hình, từ năm ngoái Suất ăn Hàng không Nội bài (NCS) đã lên kế hoạch mở rộng thêm một số lĩnh vực phục vụ, ví dụ như đối với khách hàng Non-Airlines. Công ty cũng tăng cường sản phẩm bánh trung thu, thực hiện bán bánh cho Vinschool trong tháng 9/2020, bán cơm văn phòng cho đoàn tiếp viên và các sản phẩm bánh lẻ. Ngoài ra, NCS cũng đẩy mạnh bán các sản phẩm online.

Riêng với mảng truyền thống, Công ty điều chỉnh chính sách thương mại để thu hút một số hãng hàng không đang thực hiện double loading như CI và KE, chủ động bám sát thị trường và thông tin từ khách hàng để có những giải pháp thích hợp.

Vinasun đang dành khoản tiền mặt gần 250 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư xe mới khi tình hình dịch bệnh được khống chế và các điều kiện kinh doanh trở lại bình thường. Đồng thời công ty cũng lên kế hoạch phát triển việc thanh toán online trên Vinasun App kết hợp với các ví điện tử trên thị trường và các Mobile Money App sắp được triển khai và thay thế toàn bộ Pos thanh toán hiện nay bằng SmartPos.

Yeah1 đã công bố hệ sinh thái "Liên minh đột phá" với sứ mệnh nâng tầm nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp sản xuất với kỳ vọng chiếm lĩnh thị trường go-to-market bằng các sản phẩm mang đậm giá trị Việt. Sự hợp tác giữa nền tảng - hệ sinh thái bán hàng - phân phối - truyền thông Giga1 và các doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá trong thị trường tiêu dùng thời gian tới. Riêng năm 2021, Yeah1 đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ, dựa trên sự tăng trưởng Giga1 là chủ yếu.

Gỗ Trường Thành (TTF) dự kiến sẽ đầu tư vào Công ty Natuzzi Singapore Pte.ltd có trụ sở tại Singapore. Giá trị đầu tư do HĐQT quyết định nhưng không vượt quá 20% vốn điều lệ Natuzzi. Trong đó, Natuzzi Singapore là đơn vị trực thuộc Natuzzi S.p.A., được thành lập năm 1959 và cũng là công ty nội thất lớn nhất của Ý cũng như giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp đồ nội thất trên toàn cầu.

Song song, TTF còn lên chiến lược đẩy mạnh mảng xuất khẩu, trong đó tích cực nâng cao hợp đồng dài hạn, tập trung chủ lực vào thị trường Mỹ, Ý, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các kênh bán lẻ. Công ty đang tiếp tục tìm đối tác tiềm năng trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất để liên doanh. Về chỉ tiêu kinh doanh, năm 2021 TTF đặt ra kế hoạch doanh thu tăng 67% lên 2.025 tỷ đồng; lãi trước thuế 59 tỷ đồng, gấp 3,2 lần thực hiện năm trước.

Nguồn Trí thức trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét