Tại thời điểm cuối quý 1, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã vượt vốn điều lệ và vốn chủ cũng chỉ còn 1.000 tỷ đồng - tức nguy cơ âm vốn cận kề nếu không sớm được tăng vốn.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021.
Doanh thu thuần đạt 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Hai tháng đầu năm ngoái, thị trường hàng không vẫn chưa bị ảnh hưởng vì tác động của của đại dịch COVID-19.
Hãng hàng không lỗ gộp 3.869 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp ghi nhận 4.975 tỷ đồng, tăng hơn 90%.
Khoản lỗ khiến cho lỗ lũy kế tính đến 31/3/2021 ghi nhận âm 14.219 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ - tức đứng trước nguy cơ hủy niêm yết nếu không sớm được khắc phục. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm từ 6.072 tỷ đồng xuống còn 1.031 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả là 59.550 tỷ đồng; riêng các khoản nợ vay ngắn hạn 12.694 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 21.640 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 57,7 lần.
Bảng cân đối kế toán của Vietnam Airlines đang trong trạng thái đáng "báo động". Tiền mặt, tiền gửi ngắn hạn của công ty ghi nhận 2.077 tỷ đồng cuối kỳ.
Vietnam Airlines sẽ cần nhanh chóng thực hiện tăng vốn để tránh tình trạng âm vốn chủ, buộc phải hủy niêm yết nếu tình hình lợi nhuận quý 2 không được cải thiện.
Về cơ cấu, Vietnam Airlines thu về 5.141 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không; 1.235 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng; 1.007 tỷ đồng hoạt động phụ trợ vận tải hàng không; và 145 tỷ đồng doanh thu khác.
Chi phí tài chính trong quý 1 giảm mạnh do mức lỗ chênh lệch tỷ giá giảm từ 782 tỷ đồng xuống còn 83 tỷ đồng.
Cuối năm ngoái, ĐHĐCĐ bất thường của Vietnam Airlines đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến nửa đầu năm 2021.
Vietnam Airlines sẽ sử dụng 8.000 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng; không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.
Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm; lãi suất áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Nhịp sống kinh tế
0 comments:
Đăng nhận xét