Các doanh nghiệp siêu nhỏ là đối tượng chịu tổn thương mạnh nhất bởi COVID-19. Trong số 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể kể từ đầu năm có đến 7.153 đơn vị có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Công nhân được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào công ty. (Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)
Đáng chú ý, các doanh nghiệp siêu nhỏ là đối tượng chịu tổn thương mạnh nhất. Trong số 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể kể từ đầu năm (tăng 32,3%) có đến 7.153 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (tăng 31,8%) và chỉ có 86 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng (giảm 1,1%).
Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy (2.941 doanh nghiệp) công nghiệp chế biến, chế tạo (921 doanh nghiệp), xây dựng (724 doanh nghiệp), khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (503 doanh nghiệp), dịch vụ lưu trú và ăn uống (455 doanh nghiệp), kinh doanh bất động sản (412 doanh nghiệp)... Như vậy, trung bình mỗi tháng cả nước có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ngoài ra, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng Năm có tăng 8,1% về số lượng và 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tính chung năm tháng, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78.300 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ và vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.
Theo khu vực kinh tế, từ đầu năm đến nay cả nước có 892 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 12,3%), gần 15.300 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng (tăng 10,2%) và 39.600 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ (tăng 17,6%)./.
Nguồn Vietnam+
0 comments:
Đăng nhận xét