Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình kế hoạch giảm ngập nước cho TP giai đoạn 2021 - 2025: TP.HCM cần khoảng 101.000 tỉ đồng (tương đương 4,3 tỉ USD) để cải tạo hệ thống thoát nước.
Ngập tại đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp - Ảnh: CHÂU TUẤN
12 dự án khởi công trong năm 2021
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ nay đến cuối năm sẽ có 12 dự án chống ngập được TP.HCM thực hiện. 11 dự án trong số đó là xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường.
Tại TP Thủ Đức có 3 dự án lớn được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 455 tỉ đồng.
Các dự án gồm: lắp đặt cống thoát nước, tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường tại đường số 8 (phường Phước Bình) với tổng vốn 120 tỉ đồng; lắp đặt cống, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường Nguyễn Duy Trinh khoảng 300 tỉ đồng và dự án cải tạo cống thoát nước, giảm ngập đường Lã Xuân Oai với mức đầu tư 35 tỉ đồng.
Tại quận 11 sẽ triển khai hai dự án gồm dự án đường Hàn Hải Nguyên, dự án rạch Đầm Sen với tổng mức đầu tư 100 tỉ đồng.
Quận 6 có dự án đường Lý Chiêu Hoàng mức đầu tư 100 tỉ đồng. Quận 5 khởi công dự án đường Triệu Quang Phục, dự án này lắp đặt cống hộp và thảm nhựa mặt đường với mức đầu tư gần 61 tỉ đồng.
Quận 12 có dự án đường Tô Ký mức đầu tư gần 78 tỉ đồng. Các huyện vùng ven như Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi mỗi huyện sẽ có một dự án.
Đặc biệt, ngoài 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, TP sẽ khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè trị giá 307 triệu USD.
Đây là gói thầu quan trọng nhất của dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2) giúp hoàn thành quy trình khép kín việc xử lý nước thải cho 7 quận ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Sau khi hoàn thành, nước thải sẽ được xử lý thay vì bơm ra sông Sài Gòn như hiện tại.
Còn tổng thể trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng nhận định TP.HCM cần khoảng 101.000 tỉ đồng (khoảng 4,3 tỉ USD) để triển khai thực hiện các dự án.
Số tiền này sẽ đầu tư vào các dự án thuộc quy hoạch 752 (về tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đến năm 2020) hơn 38.100 tỉ đồng.
Các dự án thuộc quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM) hơn 20.600 tỉ đồng. Các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải 41.000 tỉ đồng. Và các công trình khác hơn 1.700 tỉ đồng.
Đầu tư chống ngập cần lưu ý gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Hồ Long Phi - nguyên viện trưởng Viện nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng có chủ trương đầu tư thì phải làm nhanh để tránh quy hoạch bị lỗi thời.
Ông Phi đưa ra dẫn chứng: quy hoạch thoát nước 650km2 cũ đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn triển khai chậm, mới chỉ hơn 200km2 hoàn thành thì quy hoạch đã lỗi thời.
"TP phải triển khai có lộ trình giải quyết ngập nơi nào trước, khu vực nào trước và tiến độ trong bao lâu. TP nên giao hẳn cho một đơn vị trực tiếp quản lý quá trình triển khai quy hoạch từng giai đoạn ra sao, bố trí vốn thế nào, cam kết hoàn thành đúng tiến độ và không thực hiện được thì xử lý ra sao. Tuyệt đối không để quy hoạch chỉ nằm trên giấy từ năm này sang năm khác, tình trạng ngập càng lúc càng nghiêm trọng hơn" - ông Phi nói.
Đối với nguồn vốn cần dùng cho chống ngập trong giai đoạn 2021 - 2025 lên đến 4,3 tỉ USD, ông Phi đặt vấn đề số tiền sẽ lấy từ đâu ra, nếu có thì có giải ngân nổi hay không?
Cũng theo ông Phi, trong trường hợp TP có được tiền để đầu tư thì chú ý tính kết nối phải đồng bộ. Yếu tố biến đổi khí hậu như triều cường, mưa cực đoan cũng cần lưu ý.
Hệ thống thoát nước tại TP nên làm hở, không làm ngầm vì sau này mở rộng, nâng cấp sẽ khó khăn.
Ngoài ra, khi làm các giải pháp công trình cần tăng cường khả năng điều tiết, có chỗ trữ nước, thay vì để nước chảy trên đường thì dành không gian trữ nước lại đợi mưa xong điều tiết ra cống sẽ giảm ngập (các giải pháp này có thể kể đến hồ điều tiết, mảng xanh...).
Đồng thời phải chừa không gian cho triều và lũ, tránh việc xâm chiếm ven sông, các vùng chứa nước.
Khó kêu gọi đầu tư
Theo PGS.TS Hồ Long Phi, chi phí cho chống ngập rất cao nhưng vốn không có, không hấp dẫn nhà đầu tư. Tiền thu phí nước thải thì chưa đủ duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước.
Các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, nước sạch... đều đã xã hội hóa nên thu chi cân đối được. Riêng thoát nước thì chưa làm được do người dân vẫn xem đây là chuyện của chính quyền. Tâm lý này là vấn nạn chung của nhiều nước chứ không riêng gì nước ta.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét