Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm và là nhân tố chính đẩy VN-Index đi xuống trong tuần từ 12-16/7. Các cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất thị trường đa phần thuộc diện thanh khoản thấp.
Thêm một tuần giao dịch nữa VN-Index đi xuống, theo đó, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần từ 12-16/7, VN-Index đứng ở mức 1.299,31 điểm, tương ứng giảm 48,83 điểm (-3,55%) so với tuần trước đó. Tương tự, UPCoM-Index cũng giảm 1,75 điểm (-2,01%) xuống 85,33 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng nhẹ trở lại 1,03 điểm (0,34%) lên 307,76 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với tuần trước đó, khối lượng khớp lệnh bình quân phiên chỉ đạt 720 triệu cổ phiếu/phiên (giảm 21%), giá trị khớp lệnh ở mức 20.900 tỷ đồng (giảm 26,5%).
Thị trường đi biến động tiêu cực với đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều giảm. Trong top 30 vốn hóa thị trường chứng khoán chỉ có 5 mã tăng giá là SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB), MSN của Masan (HoSE: MSN), NVL của Novaland (HoSE: NVL), BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) và PLX của Petrolimex (HoSE: PLX). Trong số này, SHB tăng mạnh nhất với 8,1%. SHB cũng là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng giá ở tuần từ 12-16/7. Trong khi đó, 25 cổ phiếu ngân hàng còn lại đều giảm giá bất chấp những thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đợt hai năm 2021 cho các tổ chức tín dụng. Dù vậy, ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với 16 ngân hàng lớn, các ngân hàng này đã đồng thuận sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2021. Việc giảm lãi suất cho vay được cho là sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng.
7 vị trí giảm mạnh nhất trong top 30 vốn hóa toàn thị trường đều thuộc về nhóm ngân hàng, trong đó, VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) giảm mạnh nhất với 14,4%, TCB của Tecombank (HoSE: TCB) giảm 8,8%, CTG của Vietinbank (HoSE: CTG) giảm 7,8%, VCB của Vietcombank (HoSE: VCB) giảm 6,6%.
Tăng giá
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE là SII của Hạ tầng Nước Sài Gòn (HoSE: SII) với 28,8%. Tuy nhiên, cổ phiếu này luôn luôn có thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp kệnh bình quân phiên trong 1 tuần qua chỉ đạt vỏn vẹn 880 đơn vị/phiên.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Cổ phiếu đứng thứ 2 về mức tăng giá sàn HoSE là HCD của SX và Thương mại HCD (HoSE: HCD) với 19%. Mới đây, HĐQT công ty này đã thống nhất thông qua việc thay đổi thời gian trả cổ tức đợt 2 năm 2017 bằng tiền. Theo đó, ngày thanh toán sẽ được đẩy lên sớm hơn là vào 19/8 thay vì 30/9 như thông báo cũ trước đó.
Ở sàn HNX, đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. Cổ phiếu CET của HTC Holding JSC (HNX: CET) có mức tăng mạnh nhất với 23,1%. Bên cạnh đó, sàn HNX còn ghi nhận thêm 2 mã tăng giá trên 20% trong tuần qua là THS của Thanh Hoa Sông Đà (HNX: THS) và MED của Dược Mediplantex (HNX: MED) với mức tăng đều trên 20%.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Tại sàn UPCoM, cổ phiếu HLS của Sứ Hoàng Liên Sơn (UPCoM: HLS) tăng giá mạnh nhất với 60%. Tuy nhiên, thanh khoản của HLS duy trì ở mức rất thấp, tổng khối lượng khớp lệnh bình quân 1 tuần qua chỉ vỏn vẹn 20 đơn vị/phiên. Hầu hết các cổ phiếu tăng giá mạnh sàn này cũng có thanh khoản rất thấp.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Giảm giá
BCM của Becamex IDC (HoSE: BCM) là cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE với 1,9%. Trong tuần, BCM có 2 phiên giảm sàn bất chấp việc không xuất hiện thông tin chính thức nào tiêu cực. Thậm chí đang có những tin hỗ trợ tích cực như việc Becamex vừa phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư. Đây cũng là đợt phát hành trái phiếu thứ hai trong năm của Becamex với tổng giá trị huy động sau 2 đợt là 3.000 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Tiếp sau đó, cổ phiếu MHC của CTCP MHC (HoSE: MHC) giảm 16,8% chỉ sau một tuần giao dịch. Như vậy, MHC vẫn đang trong xu thế giảm giá. Cổ phiếu này chốt phiên 16/7 ở mức 9.320 đồng/cp, giảm đến 43% so với mức đỉnh nửa đầu năm 2021 là 16.300 đồng/cp hôm 4/6.
Trên sàn HNX, cổ phiếu VPG của Cảng Rau Quả (HNX: VGP) giảm giá mạnh nhất với 33,2%. VGP cũng là cổ phiếu duy nhất ở sàn này có mức giảm giá trên 30%. Đà giảm của VGP bất ngờ đến sau khi cổ phiếu này được đưa ra khỏi diện bị cảnh báo hôm 5/7. Kể từ thời điểm này, VGP đã giảm từ 48.300 đồng/cp xuống còn 32.000 đồng/cp, tương ứng mức mất 34% giá trị.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Cổ phiếu VHE của Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam (HNX: VHE) cũng giảm 26%. HĐQT công ty này mới đây thông qua chi tiết phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ. Theo đó, công ty dự kiến phát hành 15,8 triệu cổ phiếu với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Chốt phiên 16/7 giá cổ phiếu VHE là 7.700 đồng/cp.
Sàn UPCoM ghi nhận 2 cổ phiếu giảm giá từ 40% trở lên là BBH của Bao bì Hoàng Thạch (UPCoM: BBH) và VXT của Kho vận và DV Thương mại (UPCoM: VXT). Trong đó, BBH giảm 47% còn VXT giảm 40%. Điểm chung của cả 2 cổ phiếu này là thanh khoản chỉ duy trì ở mức rất thấp.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.
Nguồn NDH
0 comments:
Đăng nhận xét