Động lực là tâm điểm của sáng tạo, năng suất làm việc, và hạnh phúc. Nhưng không may, khi sợ hãi, thách thức hay gặp bất cứ lý do khả dĩ nào khác, bạn đều có thể dễ dàng mất đi động lực. Vậy đâu là những lý do thật sự khiến bạn mất động lực? Và làm cách nào để vượt qua chúng?
Dù đó là sợ hãi, thách thức hay bất cứ lý do khả dĩ nào khác, chúng ta đều có thể bị mất động lực. Productive Flourishing đã chia sẻ cho chúng tôi bài viết này của Cath Duncan, tác giả của Remembering For Good. Dưới đây, Cath sẽ bàn luận về 10 lí do khiến bạn mất động lực và cách để vượt qua chúng.
Động lực là tâm điểm của sáng tạo, năng suất làm việc, và hạnh phúc. Động lực thôi thúc chúng ta hành động, và khi hành động, chúng ta làm nên sự vận động, phát triển và thay đổi; chúng ta cảm thấy mình có ích, có tài và quan trọng; chúng ta cảm thấy mình mạnh mẽ khi trải nghiệm cách chúng ta có thể thay đổi thế giới; chúng ta tạo dựng nên nhiều điều chúng ta yêu quý hơn cho đời. Và tất cả những điều này sẽ đem lại mục đích và hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta.
Mất động cơ cũng thành như băng tuyết
Người ta bảo rằng người Eskimo có rất nhiều từ ngữ để chỉ tuyết, vì tuyết quá quen thuộc với cuộc sống của họ nên họ rất tôn trọng sự khác biệt dù là nhỏ nhất giữa các loại tuyết khác nhau. Những đặc tính này khiến họ ứng xử với từng loại tuyết khác nhau, tùy vào những thử thách và cơ hội mà chúng mang đến.
Hầu hết chúng ta đều chỉ có một dấu hiệu đặc biệt cho sự mất động lực, điều này có nghĩa là bạn có thể giả định rằng mình đang phải đấu tranh với cùng một vấn đề mỗi khi bạn cảm thấy mất động lực. Trong khi đó, thật ra việc mất động lực bao gồm rất nhiều vấn đề với rất nhiều chủng loại khác nhau. Khi bạn chỉ mắc phải một trong những chủng loại này, bạn sẽ chỉ biết vận dụng những chiến thuật cũ để đối phó mỗi khi bạn cảm thấy mình bị mất động lực. Với nhiều người, đó là: đặt ra mục tiêu, cố gắng thật nhiều, kiểm tra để tự đốc thúc mình, và điều hành cuộc sống bằng phương pháp GTD và những danh sách cần làm dài ngoẵng. Thường thì những chiến thuật này bất lực với hầu hết những đặc trưng của việc mất động lực, và trong một số trường hợp, chúng còn khiến bạn cảm thấy nản lòng hơn nữa.
Về bản chất, việc mất động lực là khi bạn không đủ quyết tâm để hành động, và có khá nhiều lí do dẫn đến tình trạng ấy. Biết được nhiều đặc tính của việc mất động lực sẽ giúp bạn xác định được nguyên cớ đích thực của việc bạn không muốn làm việc, khi đó bạn sẽ chọn được công cụ và chiến thuật tốt nhất để tìm lại động lực cho mình.
Sau đây là 10 kiểu khác nhau của chứng mất động lực và những chiến thuật sẽ giúp bạn tìm lại động lực:
1. Mất động lực do sợ hãi
Khi bạn sợ hãi, kể cả khi bạn đang bước vào một lãnh địa do chính bạn chọn, một phần của con người bạn vẫn quyết tâm tránh né việc tiến về phía trước. Nỗi sợ hãi làm bạn chậm lại, khiến bạn do dự và thận trọng, điều này có thể có lợi, nhưng đôi khi những nỗi sợ của bạn chỉ do tường tượng hơn là những đánh giá chính xác về rủi ro trong thực tế. Nếu nỗi sợ đủ lớn, thì cho dù chính bạn cũng hăm hở với việc tiến về phía trước, một phần con người bạn, cái phần muốn giữ bạn an toàn vẫn có thể thành công trong việc ngăn cản bạn tiến về phía trước, bước vào lãnh địa vừa mơ ước vừa an toàn.
Cách lấy lại động lực: để tìm lại động lực, bạn phải đối mặt với những nỗi sợ của mình. Hãy bắt đầu bằng việc gọi tên chúng, để chúng không thể ẩn náu nữa. Hãy nhớ nói lời cảm ơn dịu dàng đến chúng - vì dù sao chúng cũng đang cố gắng bảo vệ bạn mà. Và hỏi chúng: "Tại sao tôi lại sợ tất cả những điều đó xảy ra chứ?" "Xác suất để việc đó thực sự xảy ra là bao nhiêu?" Khi đó, một vài nỗi sợ sẽ biến mất ngay.
Giờ hãy nhìn vào những nỗi sợ vẫn còn cứng đầu ở lại. Chúng đang nói gì với bạn về nghiên cứu bạn phải thực hiện, những chỗ trống cần điền, những kế hoạch quản lí rủi ro bạn phải tiến hành? Hãy tôn trọng những lời khuyên đó của chúng bằng cách đưa những điều ấy vào kế hoạch của bạn. Cuối cùng, hãy xem xét việc chia nhỏ những thay đổi bạn muốn thực hiện thành những bước nhỏ hơn và hãy chỉ tập trung vào những bước nhỏ này - điều này sẽ trấn an những nỗi sợ của bạn.
2. Mất động lực do đặt mục tiêu sai lầm
Martha Beck có một mô hình tuyệt vời để hiểu về động lực. Bà giải thích rằng mỗi chúng ta đều có một Phần Thiết yếu và Phần Xã hội. Phần Thiết yếu là một phần của con người bạn, đầy ngẫu hứng, sáng tạo và nghịch ngợm, phần ý thức được điều gì quan trọng nhất với bản thân bạn. Phần Xã hội là một phần khác được phát triển từ ngày bạn sinh ra, học tập những luật lệ của cộng đồng và cố gắng rất nhiều để đảm bảo sự an toàn cho bạn, bằng cách ép bạn đi theo những khuôn khổ chung.
Chúng ta bị bao bọc bởi quá nhiều những thông điệp được ghi sâu vào Phần Xã hội của chúng ta và chúng ta luôn hăm hở muốn làm hài lòng số đông. Khi bạn cảm thấy mất động lực, là khi bạn đang đặt ra những mục tiêu chỉ dựa trên những điều Phần Xã hội muốn, và điều này kéo bạn rời xa dần lộ trình mà Phần Thiết yếu muốn bạn theo đuổi. Phần Thiết yếu khiến bạn mất động lực như một cách để làm bạn phải chậm lại, chúng muốn bạn mất hứng thú với những mục tiêu độc hại bạn đã đặt ra.
Cách lấy lại động lực: Dành thời gian để cân nhắc các mục tiêu của bạn. Vì Phần Thiết yếu không bao giờ lên tiếng, bạn có thể dễ dàng liên hệ với chúng qua cơ thể mình. Hãy để ý đến việc cơ thể bạn phản ứng thế nào khi bạn nghĩ về từng mục tiêu bạn đang cố gắng đạt được. Khi cơ thể bạn (nhất là hơi thở) bắt đầu tỏ ra những dấu hiệu của sự căng thẳng, đó là một tín hiệu chỉ rõ nhất rằng bạn đang theo đuổi những mục tiêu tệ hại đấy. Nếu bạn lâm vào trạng thái phản ứng dữ dội, hãy vứt cái mục tiêu bạn đang theo đuổi đi, và tự chất vấn lại tất cả những chuyện bạn vẫn nghĩ bạn "nên" làm với cuộc đời mình. Hãy để ý nhận ra những điều khiến bạn mỉm cười ngẫu hứng hoặc làm đến quên cả thời gian và thay vào đó, hãy đặt mục tiêu vào chúng.
3. Mất động lực vì không biết chính xác mình muốn gì
Khi bạn chưa nhận thức và ý thức rõ bạn muốn điều gì, bức tranh tương lai của bạn sẽ trông thật mù mờ. Chúng ta thích những gì quen thuộc, và do đó, từ chối những gì xa lạ, mập mờ, thay vào đó, chúng ta quay về và tái lập lại những gì quen thuộc. Nếu bạn không rõ ràng về điều bạn muốn tạo dựng, thì việc bạn thiếu động lực để hành động cũng dễ hiểu thôi, vì bạn thà ở với thực tế quen thuộc hiện giờ còn hơn.
Cách lấy lại động lực: Nếu bạn muốn tạo ra một cái gì khác biệt so với những gì bạn đã và đang trải nghiệm, việc chỉ biết bạn không muốn gì thôi là không đủ. Thay vào đó, bạn cần phải biết bạn muốn gì, và bạn cần phải hoạch định rõ ràng và cụ thể một phiên bản của điều bạn muốn tạo dựng, để bạn có thể trở nên quen thuộc và cảm thấy thoải mái khi bước về phía chúng. Hãy dành thời gian để làm rõ những gì bạn muốn và tại sao bạn lại mong muốn những điều đó.
4. Mất động lực do xung đột các giá trị
Những giá trị là những điều quan trọng với bạn trong cuộc sống. Nếu bạn gặp phải cuộc xung đột của các giá trị, nghĩa là có hai hoặc nhiều hơn các giá trị quan trọng với bạn nhưng bạn cảm thấy mình không thể thỏa mãn tất cả chúng trong một trường hợp nào đó. Điều này khiến bạn cảm thấy xung đột và bị giằng xé giữa nhiều con đường khác nhau khi bạn đang cố gắng tìm cách đạt được những gì quan trọng với mình. Bạn có thể có những cơn nổi hứng bất chợt về một điều gì đó, và rồi bạn mất động lực và bắt đầu bắt tay vào làm một việc hoàn toàn khác, hoặc là động lực của bạn đã hoàn toàn cạn kiệt vì năng lượng tiêu tốn cho việc giải quyết những xung đột bên trong này sẽ nhanh chóng làm bạn cảm thấy mệt mỏi, bào mòn động cơ của bạn.
Cách lấy lại động lực: Bạn cần phải gỡ rối xung đột và đóng vai trò điều phối giữa các bên để đưa những phần khác nhau trong con người bạn đang ủng hộ các giá trị khác nhau về lại cùng một đội. Hãy bắt đầu bằng việc nhìn nhận xung đột nội tại này. Hãy lấy một tờ giấy, viết một đường thẳng ở giữa để chia làm hai cột. Viết về hai chiều hướng khác nhau mà bạn đang bị lôi cuốn vào, và tóm tắt chúng bằng một câu biểu hiện mong muốn của từng bên. Bây giờ hãy chọn một bên và bắt đầu: "Tại sao phần này lại muốn điều này? Kết quả mong đợi đạt được là gì?" Cứ tiếp tục hỏi và ghi lại câu trả lời vào cột cho đến khi bạn cảm thấy đã chạm đến kết quả cuối cùng - là điều quan trọng nhất mà phần này muốn. Giờ thì hãy làm giống vậy với phần còn lại và để ý khi bạn chạm đến câu trả lời mà cả hai bên cùng mong muốn.
Cuối cùng khi bạn tổng kết lại thì tất cả các phần của con người bạn cũng luôn chỉ muốn một điều mà thôi, vì dù gì chúng cũng là bạn. Giờ khi bạn đã biết mình thực sự muốn gì, bạn có thể xem xét những chiến thuật mà từng bên ủng hộ và quyết định xem cái nào sẽ có hiệu quả nhất.
Thường thì khi bạn đã biết rõ mình muốn gì, bạn sẽ tìm ra được những phương cách mới để đạt được. Đôi khi rèn luyện việc này sẽ giúp bạn tìm thấy cách thỏa mãn tất cả các giá trị, nhưng đôi khi thì không. Nếu bạn đã dành thời gian để nghĩ về các giá trị ấy và đã tự chọn được một vài giá trị đáng được ưu tiên hơn cho một thời gian nào đó, thì việc xác định này sẽ xoa dịu những xung đột bên trong và động lực sẽ quay về với bạn.
5. Mất động lực vì mất quyền tự quyết
Chúng ta phát triển nhờ quyền tự quyết. Não của ai cũng có một trung tâm thần kinh đóng vai trò đưa ra quyết định, và nó cần phải được rèn luyện. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bằng cách luyện tập sử dụng vùng não này để đưa ra các quyết định, những cơn buồn phiền thường sẽ qua đi.
Trong cuốn sách Drive của mình, Daniel Pink viết về những nghiên cứu cho thấy rằng khi làm những công việc sáng tạo, có quyền tự do đưa ra quyết định mình sẽ làm gì, bao giờ làm, làm thế nào và làm với ai là cốt lõi của việc tạo ra và duy trì động lực, óc sáng tạo và năng suất làm việc.
Cách lấy lại động lực: Hãy xem bạn có được bao nhiêu quyền tự quyết liên quan đến mục tiêu mình đang cố gắng theo đuổi. Có những lĩnh vực nào khiến bạn cảm thấy bị bó buộc và kiểm soát không? Hãy xem bạn có thể làm cách nào để dần có nhiều quyền tự quyết hơn trong công việc, thời gian, kĩ thuật, địa điểm và với những đồng nghiệp của mình, và nếu bạn đi làm, hãy bàn luận với quản lí của bạn, xin có thêm nhiều quyền tự quyết hơn ở một số lĩnh vực chuyên môn nhất định mà bạn có ưu thế.
6. Mất động lực vì thiếu thách thức
Thách thức là một trong những nhân tố quan trọng để có động lực mà những tác giả như Daniel Pinkand Mihaly Csikszentmihalyi, tác giả của “Flow: The Psychology of Optimal Experience,” đã đề cao. Khi bạn phải đối diện với thách thức, đó cũng là một điểm tuyệt vời. Nhưng một thách thức quá lớn có thể làm lung lay động lực của bạn (xem mục 1) và nếu nó quá vặt vãnh, chúng ta sẽ nhanh chóng chán và phải cố gắng lắm mới giữ được động lực. Chúng ta được sinh ra để sống, phát triển và chúng ta cần những thách thức và cơ hội liên tục để học những kĩ năng mới. Không có thách thức, Phần Thiết yếu sẽ nhảy vào và làm chúng ta mất đi động lực, như một cách cảnh báo rằng chúng ta đã đi lạc khỏi con đường đúng.
Cách lấy lại động lực: Hãy xem xét lại những mục tiêu và dự án của bạn. Chúng có đủ thách thức với bạn không? Chúng có đòi hỏi bạn phải phát trển để đạt được không hay bạn chỉ như con vịt nghịch nước trong cái ao thoải mái của mình, làm những việc bạn thừa biết mình làm được. Hãy thử thay đổi mục tiêu của bạn, làm chúng thách thức hơn, nhận những dự án đòi hỏi bạn phải phát triển và tìm tòi cái mới, hoặc tự học cách kích thích chính bạn.
7. Mất động lực vì buồn phiền
Khi mọi thay đổi bắt đầu, chúng ta đều trải qua một phen thắc mắc băn khoăn liệu chúng ta có nên hay có thể để mọi việc như cũ được không, và khóc than cho những điều chúng ta sẽ mất đi khi thực hiện những thay đổi đáng kể này. Bối rối, ngờ vực, kém lòng tin vào thế giới và cảm thấy lạc lối là những dấu hiệu phổ biến, và thay đổi càng lớn hơn, thì triệu chứng này càng nghiêm trọng hơn. Đôi khi thậm chí ta còn rơi vào một ít trầm cảm và xa lánh mọi người. Martha Beck gọi điều này là thời kì "Chết đi và Hồi sinh" trong quyển sách Finding Your Own North Star của bà. Với tất cả cảm xúc muộn phiền, sợ hãi và lạc lối trong giai đoạn này, chuyện bạn cạn kiệt động lực cũng bình thường thôi.
Cách lấy lại động lực: Nếu bạn vừa phải trải qua mất mát hay đau khổ, hoặc trải qua một thay đổi lớn và thấy rằng có những ngày bạn thê thảm với giai đoạn "Chết đi và Hồi sinh" này, đừng cố gắng làm mình có động lực và xông xáo làm gì. Bạn không thể vộ vã bỏ qua việc khóc than và rũ bỏ cuộc sống cũ, cách nghĩ cũ, và bạn không thể đốt cháy giai đoạn của thời kỳ "Chết đi và Hồi sinh" này để đi thẳng đến "Mơ ước và Lên kế hoạch" đâu.
Bạn cần dành cho mình nhiều không gian để nuôi dưỡng và suy ngẫm. Hãy chăm sóc bản thân với những món ăn ngon, nghỉ ngơi và rèn luyện. Hãy bộc lộ nỗi buồn, sự bối rối, những sợ hãi của bạn với những người có thể lắng nghe. Hãy dành thời gian với thiên nhiên, và ở bên những người bình thản, biết yêu thương. Hãy chấp nhận mọi cảm xúc và ý nghĩ bạn có, chúng đều bình thường và an toàn cả. Hãy thử mỗi ngày một chút và thoải mái với mình. Sự bối rối, đãng trí và hậu đậu là bình thường khi ở giai đoạn này. Nỗi buồn sẽ qua đi khi nó sẵn sàng và nếu bạn thư giãn, thổ lộ nỗi buồn của mình, sớm hơn bình thường.
8. Mất động lực vì cô đơn
Đây là một điều cực kì quan trọng với những ai làm việc một mình xa nhà. Bạn biết đó, có những ngày bất chợt cảm thấy bực bội trong người, đơn giản là không muốn làm việc, và thà ra ngoài chơi, uống nước với bạn bè hay chơi đá banh thì hơn. Có lẽ điều này là do chúng ta là những sinh vật xã hội và thỉnh thoảng Phần thiết yếu của con người bạn chỉ muốn một chút kết nối với người khác, nên nó nhảy vào, uy hiếp động lực của bạn để bạn có thể ngừng làm việc một chút, rồi ra ngoài, dành thời gian với người khác, cho nó điều nó cần.
Cách lấy lại động lực: ngừng làm việc một chút, ra ngoài, dành thời gian với ai đó bạn mến. Bạn sẽ ngạc nhiên vì tác động của việc này lên động lực của bạn đấy và bạn sẽ thấy mình minh mẫn và năng suất hơn khi trở lại với công việc. Đồng thời hãy tìm những phương pháp để bắt đầu kết nối nhiều hơn và cùng hợp tác trong công việc.
9. Mất động lực vì mệt mỏi
Vì tôi luôn thu hút những người nhóm máu A - những người luôn muốn đạt được nhiều thành tích và bản thân tôi cũng là người nhóm A, nên tôi hiểu rằng đôi khi chúng ta luôn cố muốn trội hơn, mong mỏi làm được nhiều việc hơn ngay cả khi chúng ta đã vượt quá giới hạn của những gì có thể duy trì. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi mọi lúc mọi nơi, không còn nguồn năng lượng để giao tiếp và ý tưởng về việc ngủ nướng nghe có vẻ hấp dẫn hơn mọi điều trước đây bạn quan tâm, thì có lẽ bạn đã thúc ép bản thân quá lâu rồi và chắc chắn bạn đã cạn kiệt năng lượng.
Phần Thiết yếu sẽ luôn cố gắng để lôi kéo bạn về những điều bạn cần nhất, đồng thời cũng tránh xa những mục tiêu, dự án và cách làm việc khiến bạn không thể làm những điều Phần thiết yếu muốn. Vì vậy nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và cần ngủ, thì nó sẽ ngay lập tức làm lung lay động lực của bạn khỏi những điều bình thường vẫn làm bạn phấn khởi - chỉ để bạn đáp ứng lại đủ những nhu cầu cơ bản của mình.
Cách lấy lại động lực: Ngủ. Và khi đã ngủ đủ, trí tuệ minh mẫn trở lại, hãy nói chuyện lại với phần Thiết yếu xem đâu là điều quan trọng nhất với bạn, lê la trên blog này của Charlie, đọc The Dojo và bắt đầu xây dựng những cách để làm được nhiều hơn.
10. Mất động lục vì không biết làm gì tiếp theo
Mục tiêu cuối cùng của bạn có thể thật tốt đẹp và rõ ràng nhưng nếu bạn đã không dành thời gian để chia nhỏ mục tiêu cuối cùng ấy thành các mục tiêu nhỏ hơn, bạn sẽ bị bế tắc, bối rối, và mất động lực khi cần phải hành động. Một vài dự án quá nhỏ và quen thuộc đến nỗi không cần phải lên kế hoạch, nhưng nếu bạn luôn lo lắng vì bạn không biết phải làm gì tiếp theo và bạn không có kế hoạch rõ ràng thì điều này có thể là nguyên nhân khiến bạn mất động lực đấy.
Cách lấy lại động lực: Nếu bạn muốn giữ vững động lực, hãy chú trọng tuân theo mọi giai đoạn của kế hoạch, dành thời gian để lên những kế hoạch rõ ràng và sắp xếp thời gian ấy vào thời gian biểu của bạn.
Hãy dùng nỗi sợ hãi để định hướng những nguy cơ tiềm ẩn bạn cần phải xoay sở trong kế hoạch. Viết lại tất cả những mối quan tâm "tôi-không-biết-phải-làm-thế-nào" và biến chúng thành những câu hỏi để nghiên cứu. Phần đầu tiên của việc lên bất cứ kế hoạch nào bao giờ cũng là nghiên cứu. Và bạn sẽ tìm ra những câu hỏi cần nghiên cứu mới dọc đường, nên hãy nhớ, nghiên cứu luôn luôn là một phần của kế hoạch ở mọi giai đoạn. Cuối cùng, hãy tự hỏi bản thân những mục tiêu nhỏ hơn nào cần phải đạt được để đi đến mục tiêu cuối cùng và tự đặt ra thời hạn cho mình.
Đặt ra mục tiêu và tự ép buộc mình thường không phải là câu trả lời
Đặt ra mục tiêu, lên kế hoạch, tổ chức và kiểm chứng thường được chào mời là giải pháp lớn lao để giải quyết việc mất động lức, là viên đạn bạc để giúp bạn có lại sự sáng tạo và năng suất như trước đó. Nhưng bạn hãy hiểu rằng chiến thuật ấy chỉ có ích đối với một số chủng loại nhất định thôi, còn với rất rất nhiều chủng loại khác của chứng mất động lực, thì việc đặt ra mục tiêu, lên kế hoạch, tổ chức và kiểm chứng sẽ chỉ làm vấn đề của bạn tồi tệ hơn thôi.
Tùy vào bạn...
Bạn đã tìm ra được đâu là chủng loại của chứng mất động lực của bạn chưa?
Bây giờ liệu bạn có đang mắc kẹt với nó không?
Bạn cần gì và chiến thuật nào sẽ giúp bạn làm được điều đó?
Đôi nét về Tác giả: Cath đồng sáng lập Chương trình chứng nhận huấn luyện sáng tạo về nỗi đau, nơi cô và Kara Jones đào tạo những nhân viên xã hội, chuyên gia trị liệu, huấn luyện viên cuộc sống và y tá sử dụng những sự sáng tạo và nghệ thuật trong đàm thoại để hỗ trợ những người mất đi người thân tiếp tục sống hết lòng sau những mất mát đau thương. Cath cũng là tác giả của cuốn sách "Remembering For Good Grief" và hàng loạt các bài báo về những nỗi đau trên trang RememberingForGood.com.
Nguồn Tại Đây
0 comments:
Đăng nhận xét