23 thg 7, 2021

Bức tranh trái ngược giữa Anh và Indonesia dù cùng có 50.000 ca Covid-19 trong một ngày

Indonesia đã trở thành tâm dịch khi liên tiếp ghi nhận khoảng 50.000 ca mắc mới mắc Covid-19 trong một ngày. Trong khi đó, Anh cũng ghi nhận khoảng 50.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày nhưng lại có một bức tranh hoàn toàn khác.

Indonesia ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Ảnh: New York Times

Sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới giờ đây đi kèm với những câu chuyện đã trở nên quen thuộc đến mức bi thảm. Các bệnh viện đang thiếu nguồn oxy, thuốc men, nhiều người phải chết một mình khi người thân và gia đình không thể ở bên hoặc phải ở đằng sau những tấm chắn bảo vệ. Indonesia hiện ghi nhận khoảng 1.000 ca tử vong mỗi ngày do Covid-19.

Trong khi đó, Anh cũng ghi nhận khoảng 50.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày nhưng lại có một bức tranh hoàn toàn khác. Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế từ ngày 19/7 vừa qua, và được báo chí địa phương gọi là “Ngày Tự do”.

Các hộp đêm trở lại đông đúc lần đầu tiên sau nhiều tháng liền, người dân có thể đi tàu mà không cần đeo khẩu trang, ăn tối ngoài trời mà không bị giới hạn về không gian và chỗ ngồi. Dù số ca mắc tăng mạnh, nhưng số ca tử vong do Covid-19 ở Anh chỉ ở mức 50 trường hợp/ngày.


Yếu tố khác biệt giữa Anh và Indonesia

Vậy sự khác biệt nằm ở đâu? Đó là tiêm chủng vaccine. Hơn một nửa dân số Anh – 55% - đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19, trong đó bao gồm phần lớn những người cao tuổi và những người có nguy cơ cao. Việc tiêm chủng đầy đủ giúp tránh được khả năng mắc Covid-19 nặng và phải nhập viện.

Tại Indonesia, chỉ 6% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh nước này vẫn đang khan hiếm nguồn cung vaccine.

Khi các quốc gia giàu có hơn đang dần trở lại cuộc sống bình thường, tổ chức các liên hoan phim, tuần lễ thời trang và các giải đấu bóng đá, thì cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong một thế hệ lại đang càn quét ở các nước đang phát triển, khiến các nền kinh tế bị tê liệt, nhiều người mất kế sinh nhai.

Đó là những gì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo cách đây nhiều tháng: một “sự thất bại thảm hại về đạo đức” do phân hóa giàu nghèo trong việc tiếp cận vaccine.

Việc thiếu sự bảo vệ ở các nền kinh tế mới nổi như Indonesia và trước đó là Ấn Độ cùng một số khu vực của Mỹ Latin, không chỉ khiến nhiều người chết, gây tàn phá cho các cộng đồng địa phương, mà còn gây nguy hiểm cho thế giới.

Biến thể Delta hiện đã xuất hiện ở nhiều nước trên khắp thế giới. Khả năng lây lan của biến thể Delta là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tăng cao ngay cả ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Mỹ và Anh.

Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ - gã khổng lồ trong sản xuất vaccine. Nhưng những hạn chế về nguồn cung cấp các thành phần quan trọng, cũng như thách thức về hậu cần đã khiến Ấn Độ chậm chạp trong việc đạt được các mục tiêu tiêm chủng.

Đến lúc mức độ nghiêm trọng của làn sóng Covid19 ở Ấn Độ trở nên rõ ràng, thì đã quá muộn. Biến thể Delta đã lây lan rộng tại nước này và hiện đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia khác.

Mối nguy hiểm từ Indonesia và các nước đang phát triển đang chật vật với đợt dịch mới thậm chí còn lớn hơn. Tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến dịch bệnh lây lan rộng hơn và nhanh hơn. Qua thời gian, virus có thể tiếp tục biến đổi và sinh ra những biến thể mới còn nguy hiểm hơn cả biến thể Delta hiện nay.

Ông Marc Baguelin, một giảng viên về dịch tễ học và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London, đồng thời là chuyên gia về mô hình dịch bệnh cho biết, các nước phát triển hiện nay muốn tiêm phòng đầy đủ cho toàn bộ dân số của họ, và thậm chí tính đến cả việc thực hiện mũi tiêm tăng cường.

“Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang thúc đẩy cơ hội xuất hiện các biến thể mới, có thể đe dọa các nước giàu một lần nữa. Nó cho chúng ta thấy tình hình của chúng ta mong manh như thế nào”, ông nói.

Trong khi đó, ở một số nước đang phát triển, đại dịch chưa bao giờ tồi tệ như lúc này.


Cuộc khủng hoảng ở Indonesia

Ông Bayu Soedjarwo, một giám đốc kinh doanh ở Indonesia bắt đầu hoảng sợ khi nhìn thấy, qua Zoom, mẹ ông thở hổn hển trên giường bệnh. Rõ ràng bà cần một máy thở, nhưng không còn máy nào trống tại bệnh viện ở Jakarta, thủ đô Indonesia, nơi bà nhập viện.

Trong 12 giờ sau đó, Soedjarwo liên tục gọi điện và gửi tin nhắn trên khắp các nhóm trò chuyện, Facebook và Instagram, xin được trợ giúp.

Soedjarwo và anh trai đã gọi đến hàng chục bệnh viện và đến 6 bệnh viện, nhưng không tìm được bệnh viện nào gần đó có thể hỗ trợ nhiều hơn. Mẹ ông đã qua đời 3 ngày sau đó.

“Những lúc bình thường, tất cả chúng tôi sẽ ở đó nắm tay bà khi bà ra đi. Chúng tôi cảm thấy thật khủng khiếp”, Soedjarwo nói.

Ngày 23/7, Indonesia ghi nhận thêm 49.509 ca mắc và 1.449 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đã vượt mốc 3 triệu, trong đó có hơn 79 ngàn ca tử vong.

Ông Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học từ Đại học Griffith ở Queensland, Australia, cho biết số ca mắc Covid-19 được ghi nhận ở Indonesia vẫn chưa phản ánh đúng thực tế do khả năng xét nghiệm hạn chế. Số ca mắc Covid-19 trên thực tế có thể cao gấp 4 lần so với con số báo cao hàng ngày, và những ca mắc Covid-19 không được phát hiện lại đang khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan rộng hơn.

Bên cạnh biến thể Delta, việc thiếu vaccine và tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tăng mạnh.

Bằng cách tài trợ phát triển và nhanh chóng phê duyệt, các nước giàu có đã sớm triển khai các hoạt động sản xuất ban đầu. Ngay cả khi sản xuất được đẩy mạnh, nhu cầu tăng vọt từ các nước đang bùng phát dịch bệnh, bao gồm cả Ấn Độ, đã hạn chế nguồn cung sẵn có.

Từ cuối năm 2020, Indonesia cho biết nước này có kế hoạch mua 50 triệu liều vaccine của Pfizer, nhưng cho tới tháng 7 này, hợp đồng vẫn chưa được ký kết.


Bất bình đẳng vaccine đe dọa cả thế giới

Trong khi giãn cách xã hội và các biện pháp hạn chế khác có thể làm chậm sự lây lan của virus, việc vượt qua đại dịch Covid-19 cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc xây dựng khả năng miễn dịch, lý tưởng nhất là thông qua tiêm chủng.

Ông Baguelin tại Đại học Imperial cho biết, có thể trong 5 năm nữa, sẽ có miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu.

“Khi đó, sẽ có một bức tranh hoàn toàn khác. Nhưng ít nhất trong năm tới, vẫn sẽ có những mối đe dọa từ các biến thể mới”, ông Baguelin nói.

Theo ông Baguelin, mục tiêu miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu có thể bị đẩy lùi xa hơn nếu các quốc gia giàu có với sức mua đáng kể quyết định thực hiện mũi tiêm tăng cường trong bối cảnh có nhiều lo ngại về khả năng miễn dịch suy giảm và các biến thể mới nổi, thay vì để điều chỉnh sự mất cân bằng vaccine  hiện có.

Trong khi đó, chương trình Covax gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu do thiếu nguồn cung.

Ông S.V. Mahadevan, giám đốc chương trình Nam Á tại Trung tâm giáo dục và nghiên cứu y tế Châu Á thuộc Trung tâm Y tế Đại học Stanford cho biết, hiện nay các đợt bùng phát dịch bệnh dịch đang chuyển từ châu Á sang châu Phi và đó là hệ quả tất yếu của việc thiếu hụt vaccine trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan rộng.

“Càng nhiều người không được tiêm chủng trong thời gian dài, thì virus càng có cơ hội tái tạo và đột biến và mọi người trên thế giới đều vẫn có nguy cơ mắc bệnh”, ông Mahadevan nói./.


Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)

Theo Bloomberg

0 comments:

Đăng nhận xét