Lãnh đạo bang Assam và bang lân cận Mizoram ở đông bắc Ấn Độ đổ lỗi cho nhau sau cuộc đấu súng giữa cảnh sát hai bên liên quan đến vụ xung đột biên giới giữa hai bang, làm 6 cảnh sát thiệt mạng.
Thủ hiến bang Assam Himanta Biswa Sarma ngày 27-7 tiễn đưa các sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ đụng độ trước đó một ngày - Ảnh: INDIA TODAY.
Theo Hãng tin AFP, ông Sarma thông báo trên Twitter sáu cảnh sát Assam đã "hy sinh trong khi bảo vệ ranh giới theo hiến pháp của bang chúng tôi".
Trong khi đó, người đồng cấp bang Mizoram - ông Zoramthanga không xác nhận các ca tử vong nói trên, nhưng cho biết súng đã nổ sau khi lực lượng gồm 200 cảnh sát từ Assam cố tình vượt qua một chốt biên phòng.
Ông Zoramthanga cáo buộc cảnh sát Assam đã nổ súng trước, phá hoại xe cộ và tấn công thường dân không vũ trang, trong đó có hai du khách.
Thủ hiến hai bang đều chủ động tuyên truyền lý lẽ của họ về cuộc đụng độ trên mạng xã hội. Họ chia sẻ các video cho thấy dân thường dùng dùi cui đấu với cảnh sát, ôtô và xe tải bị lật ngang và một video chiếu cảnh hai người đang ngồi trong chiếc ôtô có phần kính xe đã vỡ.
Theo Đài Al Jazeera, hơn 50 người bị thương trong vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát hai bang hôm 26-7.
Theo Hãng tin AFP, căng thẳng vốn tồn tại nhiều thập kỷ dọc ranh giới hai bang nói trên đã leo thang kể từ tháng 10-2020 với các vụ đốt nhà cũng như cáo buộc chiếm đất từ cả hai phía.
Tháng trước, giới chức Mizoram cáo buộc cảnh sát Assam chiếm một đồn biên phòng của bang này.
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah đang tìm cách chấm dứt căng thẳng giữa hai bang, kêu gọi hai thủ hiến nỗ lực kiểm soát bạo lực.
Mizoram từng là một phần của bang Assam trước khi được tách ra năm 1972. Mizoram chính thức là một bang của Ấn Độ năm 1986.
Bang Mizoram cho biết người dân của họ đã sống tại khu vực mà bang Assam tuyên bố chủ quyền trong 100 năm qua. Tuy nhiên, bang Assam lại khăng khăng phần đất này đã bị bang Mizoram chiếm đóng.
Vùng đông bắc xa xôi và giàu tài nguyên đã trở thành điểm nóng xung đột sắc tộc kể từ khi Ấn Độ độc lập năm 1947.
Ranh giới giữa bảy bang trong khu vực này không được phân định rõ ràng khiến thường xuyên xảy ra các tranh chấp về tài sản và lãnh thổ giữa các bang nhưng hiếm khi xảy ra đụng độ chết người như vụ việc mới vừa nêu.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét