Tài liệu nội bộ của Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đánh giá biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây mạnh hơn virus cúm mùa và có độc lực cao hơn chủng ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Sự xuất hiện của Delta đã phá vỡ mọi kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường trên thế giới - Ảnh: Meridian Health.
Cụ thể, các chuyên gia Mỹ đánh giá Delta có mức độ lây tương đương với virus gây bệnh thủy đậu (varicella) - một trong những virus hiện nay có mức độ truyền nhiễm cao nhất, đồng thời lây nhanh hơn virus cúm thông thường, virus cúm Tây Ban Nha (gây đại dịch năm 1918) và virus đậu mùa.
Ngoài khả năng lây lan gia tăng, độc lực của Delta "có vẻ như mạnh hơn chủng gốc" - một trang tài liệu viết.
Trong phần tóm tắt, nhóm tác giả khuyến cáo do sự xuất hiện của Delta, CDC cần phải nhìn nhận rằng "cuộc chiến đã thay đổi", và cần thông tin nhiều hơn để công chúng hiểu vắc xin là cách duy nhất giảm nguy cơ tử vong và bệnh nặng.
Hiện nay đa số ca COVID-19 mới ở Mỹ đều nằm trong nhóm người chưa tiêm vắc xin, nhưng CDC ước tính khoảng 35.000 người Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vắc xin - trên tổng số hơn 162 triệu người - có thể mắc bệnh mỗi tuần.
Các trường hợp đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc COVID-19 như vậy được gọi là các "ca nhiễm đột phá" (breakthrough infection), tuy nhiên chỉ số ít trong những ca này bị bệnh nặng hoặc tử vong.
Dữ liệu về ổ dịch ở Cape Cod, bang Massachusetts, ngày 4-7 dường như là nguyên nhân khiến giám đốc CDC Rochelle Walensky đầu tuần này khuyến cáo người đã tiêm vắc xin vẫn nên đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng, nếu khu vực đó có mức độ lây nhiễm từ mức "đáng kể" đến "cao".
CDC Mỹ cam kết sẽ sớm cung cấp thêm dữ liệu chi tiết về ổ dịch Cape Cod trong thời gian tới.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét