11 thg 7, 2021

“Cha đẻ” Nike: Từ gã nghiện giày đi bán rong đến chủ nhân đế chế tỷ đô và câu nói “con không bao giờ đi giày bố bán” chưa từng nguôi nhói đau

Phía sau cơ ngơi hàng chục tỷ đô mà Phil Knight đã dùng cả đời để gây dựng là nỗi đau thấu tận tâm can vì một điều quý giá mà ông đã vuột mất.


Phil Knight (1938) - người đàn ông với nụ cười thân thiện và là chủ nhân của đế chế tỷ đô Nike, nơi sản xuất những đôi giày được sử dụng nhiều nhất thế giới, được biết đến với câu chuyện khởi nghiệp từ tờ 50 đô la ông vay từ bố mình.

Tuy nhiên, ngoài niềm cảm hứng được lan tỏa bởi câu chuyện thành công từ con số 0, có lẽ ít ai biết đến "nốt trầm" rất buồn trong cuộc đời của cha đẻ Nike bắt nguồn từ chính thương hiệu của ông, và đó vẫn luôn là vết thương lòng khó chữa lành bên trong Phil Knight. Có được tất cả, nhưng dường như cha đẻ Nike lại đánh mất đi thứ quan trọng nhất đối với chính mình.

Phil Knight (1938) là người đồng sáng lập thương hiệu giày Nike.

Từ gã nghiện giày điên rồ đi bán rong đến chủ nhân đế chế tỷ đô

Trước khi trở thành một ông chủ, một tỉ phú giàu có, Phil Knight từng là một cậu thiếu niên đam mê thể thao. Ở trường học, Phil Knight tham gia hầu như tất cả các môn thể thao, nhưng điền kinh lại là môn cho ông niềm thích thú hơn cả. Phil Knight sau đó tham gia lớp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Stanford, và tại đây, vị tỷ phú dần nhận ra sự hứng thú của mình với việc kinh doanh và chắc như đinh đóng cột rằng đó phải là giày thể thao.

Sau khi tận mắt nhìn thấy đôi giày chất lượng và độ bền thì khỏi bàn từng được sử dụng bởi các quân nhân Nhật Bản trong Thế chiến II, Phil Knight ấp ủ về một chuyến thăm đến đất nước Mặt trời mọc để nghiên cứu về giày. Đến tháng 11/1962, ông thực hiện được nguyện vọng của mình. Tại thành phố Kobe, "gã nghiện giày" Phil Knight lập tức hoàn toàn bị  thuyết phục bởi những đôi giày chắc nịch của hãng Onitsuka Tiger. Chúng tốt đến nỗi, Phil Knight quyết định nhập luôn về Mỹ để bán.



Không vốn cũng chẳng có bất kỳ bệ đỡ nào, năm 1963, Phil Knight nhận lô hàng đầu tiên từ Nhật Bản với vỏn vẹn 12 đôi giày. Ông đem đặt chúng ở sau cốp xe ô tô và rồi rong ruổi tới mọi đường đua thể thao để rao bán.

Chán bán rong, Phil Knight tìm đến một người thầy đã từng huấn luyện mình trên đường đua khi còn là sinh viên để gợi ý hợp tác, đó chính là Bowerman - một kẻ rất hiểu biết về những đôi giày chạy và sau này cùng Phil Knight đồng sáng lập thương hiệu Nike. Đúng như dự tính của Phil Knight, Bowerman lập tức đồng ý vì những đôi giày nhập từ Nhật Bản khiến gã phải gật gù công nhận bởi chất lượng quá tốt.

Vào tháng 1/1964, 2 thầy trò đã thành lập nên Blue Ribbon Sports (BRS), tiền thân của Nike với khoản tiền 1.000 USD. Toàn bộ số tiền được sử dụng để đặt mua 300 đôi giày.

Nhờ những mối quan hệ của Bowerman mà chuyến hàng đầu tiên của họ bán hết trong vòng 3 tháng. Ngay năm đầu tiên, BRS đã đạt doanh số 8.000 USD và hãng bắt đầu thuê nhân sự để vận hành. Đến năm 1965, doanh thu của BRS đạt 20.000 USD và bắt đầu mở các chi nhánh bán hàng của mình.

Sau khi kết thúc hợp đồng với phía Nhật Bản, đúng dịp Munich Olympic diễn ra, 2 thầy trò chính thức thiết kế dòng giày riêng của mình và đặt tên nó là Nike - theo tên vị thần chiến thắng của Hy Lạp. Về logo, Knight đến một trường học gần đó và trả 35 USD cho một sinh viên khoa thiết kế mà ông bắt gặp để cho ra hình dấu phẩy ngược như ngày nay.


Tại Nhật Bản, thay vì lặng thầm tìm đối tác, Knight tổ chức tuyển hãng sản xuất trên khắp Nhật Bản để cung ứng giày thiết kế cho Nike. Kể từ đây, hành trình của Nike gần như chỉ có tăng trưởng. Họ biến thành hãng giày thể thao lớn nhất Mỹ vào năm 1989 và thậm chí lan ra toàn cầu nhờ hoạt động marketing thông minh và mô hình thuê ngoài nhằm tận dụng nhân công giá rẻ.


"Con sẽ không bao giờ đi giày bố bán" và nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai.

Trong cuộc đời gã nghiện giày Phil Knight, ông chỉ chung thủy với người phụ nữ duy nhất đó chính là bà Penelope - người vợ hơn 50 năm ông đã gặp tại Đại học Bang Portland khi còn rất trẻ. Phil mời Penny làm thư ký cho ông ở Blue Ribbon. Penelope làm việc chăm chỉ, từ kế toán, quản lý văn phòng, cho đến xếp lịch hẹn, và mọi thứ mà Phil cần. Cuối cùng, sau khi vượt qua mọi thử thách trong mối quan hệ tình cảm, thậm chí đã từng phải yêu xa cả nửa vòng trái đất trong những lần Phil sang Nhật Bản công tác dài ngày, cặp đôi kết hôn tại quê nhà Portland vào tháng 9/1968.

Phil Knight bên người vợ 50 năm của mình.

Năm 1969, 1 năm sau khi kết hôn, bà Penny hạ sinh cậu con trai đầu lòng và đặt tên là Matthew. Đối với Phil, sự ra đời của cậu bé thật sự kỳ diệu. Trong cuốn tự truyện Shoe Dog (Tạm dịch: Gã nghiện giày) của mình, Phil viết: "Tôi nâng niu thằng bé trong vòng tay, cảm giác ôm đứa con cuả mình thật sự tuyệt vời hơn tất thảy". Từ nhỏ, vốn hay bất hòa cùng cha mình, Phil tự hứa với lòng sẽ trở thành người cha tốt của các con.

Tuy nhiên, dù nỗ lực hết mức, Phil dường như bất lực trước gánh nặng cân bằng cả công việc và gia đình. Công ty chỉ mới thành lập, mỗi ngày ông bận rộn đôn đáo tại Nike và về nhà rất muộn. "Matthew ủ rũ, thằng bé học nói rất muộn, ương bướng và bất trị. Tôi tự hỏi nếu mình có thêm thời gian dành cho con, liệu mọi chuyện có bớt đau đầu hơn không", ông trải lòng.

Nike tiếp tục trên đà phát triển, 4 năm sau đó, họ đón thêm cậu con trai thứ hai là Travis. Mỗi khi người đàn ông bước chân về đến cửa, 2 anh em Matthew và Travis sẽ chạy đến tóm lấy chân ông và hỏi dồn dập rằng bố đã đi đâu, ở đâu suốt cả ngày. Đỉnh điểm khi Nike lần đầu tiên tung ra những đôi giày dành cho trẻ em, chính Matthew chứ không phải ai khác đã phản đối gay gắt và tuyên bố "Con sẽ không bao giờ đi giày Nike của bố bán" để thể hiện sự tức giận và thất vọng về sự vắng mặt của bố.

Mặc dù 2 vợ chồng họ cố gắng giải thích cho con hiểu rằng bố vùi đầu ở công ty là để kiếm tiền nuôi sống cả nhà nhưng vì lý do nào đó, cậu bé Matthew bướng bỉnh mặc định không thay đổi suy nghĩ càng không muốn tha thứ cho bố mình.

Năm 1977, khi doanh thu của Nike đạt 70 triệu đô la mỗi năm, gia đình Phil chuyển đến một ngôi nhà mới nằm trong khu đất rộng đến hơn 20.000 mét vuông. Knight nhớ lại lúc đó vợ ông đã đưa ra một nhận xét kỳ lạ: "Tất nhiên chúng tôi rất buồn khi phải rời khỏi ngôi nhà cũ. Cả hai cậu bé đều sinh ra tại đó. Matthew thích nhất cái bể bơi. Nó ngoan hiền hơn hẳn mỗi khi lội tung tăng trong nước. Thằng bé chắc chẳng bao giờ có thể chết đuối", bà Penny lắc đầu và nói.

Phil chụp cùng con trai thứ hai Travis.

Phil cũng bắt đầu thay đổi nhiều hơn. Ông tham dự nhiều trận bóng rổ và bóng đá của Matthew và dành những ngày cuối tuần để dạy cậu bé cách vung gậy bóng chày. Nhưng điều đó dường như chẳng giúp ích được mấy. "Thằng bé chẳng chịu nghe lời, nó tranh cãi với tôi liên tục". Chính khi xem con thi đấu trên sân cỏ, Phil nhận ra sự bất lực xâm chiếm tâm trí ông. Trong phút giác ngộ, ông hiểu rằng Mathew chẳng mấy để tâm đến thể thao còn ông ngồi đó xem con đá bóng cũng chỉ như một trách nhiệm.

"Vào đêm giao thừa năm 1977, tôi đi quanh nhà, tắt đèn, và tôi cảm thấy có một vết nứt sâu trong nền tảng của sự tồn tại của mình," Knight viết. "Cuộc sống của tôi là về thể thao, công việc kinh doanh của tôi là về thể thao, mối quan hệ của tôi với cha là về thể thao, và cả hai con trai của tôi đều không muốn làm gì với thể thao ... tất cả dường như thật bất công."

Năm 2004, Matthew bỏ đại học. Anh chàng kết hôn và có con sau đó. Năm 2004, anh tham gia vào một tổ chức từ thiện xây dựng một trại trẻ mồ côi ở El Salvador. Vào ngày 23 tháng 5 năm 2004, Matthew lái xe cùng hai người bạn đến Ilopango, một hồ nước sâu cách San Salvador 14km về phía Đông, để lặn biển.

"Vì lý do nào đó mà thằng bé quyết định xem mình có thể lặn được sâu đến đâu. Matthew quyết định chấp nhận một rủi ro mà ngay cả người cha nghiện rủi ro của anh ấy cũng sẽ không bao giờ chấp nhận", Knight viết. "Đã xảy ra sự cố. Ở độ sâu 150 feet, con trai tôi bất tỉnh". Ông còn nhớ lúc đó đang ngồi xem phim cùng vợ, Travis gọi họ và báo tin dữ. "Penny ngã xuống sàn. Travis đã giúp bà ấy đứng dậy. Cậu chàng choàng tay qua mẹ còn tôi loạng choạng bước đi, đến cuối hành lang, nước mắt chảy dài".

"Tôi nhớ lại 8 từ kỳ lạ chạy qua đầu tôi, lặp đi lặp lại, giống như một đoạn thơ nào đó: Vì vậy, đây là cách nó kết thúc." Trong cuốn tự truyện của mình, Phil Knight liệt kê những hối tiếc lớn nhất trong sự nghiệp kinh doanh của mình nhưng chia sẻ chúng chẳng còn đủ làm ông bận lòng mỗi khi nhớ đến hình ảnh con trai. Cái chết của Matthew - cậu bé bướng bỉnh ngày nào khiến trái tim một người cha can trường như Phil Knight gần như chết lặng. Có lẽ ngoài một sự nghiệp lừng lẫy được người đời nhắc tên, trong Phil Knight, nó còn là câu nói của đứa con trai đã đi mãi không về khiến ông nhói đau hằng đêm: "Con không bao giờ đi giày bố bán".

Nguồn News Au, Forbes

Theo Danh Nghiệp và Tiếp Thị


0 comments:

Đăng nhận xét