Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp của VN-Index dự báo khoảng 20 - 25% trong năm 2022. Muốn thị trường đạt được đỉnh mới thì bắt buộc ngành ngân hàng, một phần của ngành vật liệu xây dựng và bất động sản phải dẫn dắt.
Tại hội thảo trực tuyến "Thị trường chứng khoán: Cơ hội và rủi ro ở vùng đỉnh lịch sử", ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Dragon Capital và ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc SGI Capital đều cho rằng định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam không đắt và mốc 1.400 điểm của VN-Index hoàn toàn sẽ bị vượt qua trong thời gian tới.
Theo ông Lê Anh Tuấn, thị trường chứng khoán nếu hiệu chỉnh theo freefloat năm 2021 được định giá khoảng 12,6 lần P/E. Nếu tăng trưởng lợi nhuận năm nay khoảng 40-45%, còn năm 2022 khoảng 20 -25% thì P/E khoảng hơn 10 lần. Mức định giá trên thấp hơn nhiều so với quá khứ nên về mặt định giá thì 1.420 điểm không phải là điểm cuối.
Ông Tuấn cho rằng nhìn cần nhìn mức định giá trong dài hạn. Rủi ro ở hệ thống giao dịch đã xử lý được khoảng 80%, rủi ro về ký quỹ (margin) không còn do các CTCK đã tăng vốn. Nếu dùng hết margin hiện tại thì VN-Index thậm chí có thể lên 1.600 điểm. Trong khi đó, tỷ lệ margin sau đợt thị trường điều chỉnh vừa qua đã giảm từ 15 – 17%.
Tổng giám đốc SGI Capital đánh giá những rủi ro lớn của thị trường đã thể hiện đầy đủ và rõ nét thời gian qua như VN-Index đã tăng 40% từ tháng 1 và dịch bệnh Covid-19 lan rộng. Thị trường chứng khoán đã điều chỉnh khoảng 13% từ đỉnh và rủi ro được phản ánh vào giá.
Chuyên gia đến từ SGI Capital cho rằng định thị trường chứng khoán không có bong bóng. Nếu nhìn 6 tháng hoặc xa hơn là 12 tháng thì định giá còn rẻ. Trong 3 – 6 tháng tới được cho là là giai đoạn hấp dẫn và có nhiều cơ hội, mốc 1.400 sớm muộn cũng sẽ bị vượt qua.
Sự kiện trực tuyến "Thị trường chứng khoán: Cơ hội và rủi ro ở vùng đỉnh lịch sử". Ảnh chụp màn hình.
Đánh giá thêm về dòng vốn ngoại thời gian qua, ông Phúc cho rằng không chỉ riêng Việt Nam mà các thị trường mới nổi nhỏ đều bị rút ròng trong những tháng đầu năm. Việt Nam bị coi như là thị trường rủi ro và khi rủi ro lên cao thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ bán mạnh. Tuy nhiên, khi kinh tế vào chu kỳ phục hồi rõ nét thì tiền sẽ đi tìm khẩu vị rủi ro và đổ vào các thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam.
Thực tế cho thấy, các thị trường chứng khoán khác bắt đầu được mua ròng lại. Ông Phúc nhận định nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bán ròng mạnh mẽ như đợt trước và khẩu vị rủi ro đã thay đổi. Khối ngoại đã bán 4 tỷ USD nên kỳ vọng họp sẽ mua ròng trở lại 4 tỷ USD thậm chí nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Xét về ngành, chuyên gia đến từ Dragon Captial cho biết lợi nhuận nhóm ngân hàng, chiếm 50% VN-Index, tăng trưởng lợi nhuận khoảng 60% trong nửa đầu nă. Ngành vật liệu xây dựng tăng trưởng lợi nhuận gần 240% trong nửa đầu năm, kỳ vọng tăng thêm 100% trong nửa còn lại của năm. Chu kỳ vật liệu xây dựng hoàn toàn khác với chu kỳ 10 năm qua, có thể có sự thay đổi về mặt cơ cấu ngành.
Cả 2 chuyên gia đều cho rằng muốn thị trường đạt được đỉnh mới thì bắt buộc ngành ngân hàng, một phần của ngành vật liệu xây dựng và bất động sản phải dẫn dắt. "Nếu những ngành này không dẫn dắt được thì sẽ là cuộc đua của các cổ phiếu vừa nhỏ và đây là lúc chúng ta nên chia tay thị trường", ông Tuấn nhận định.
Ông Phúc cho biết thêm, nhịp điều chỉnh của thị trường vừa qua là phản ánh lo ngại lợi nhuận các nhóm ngành đã đạt đỉnh vào quý II. Tuy nhiên, những lo ngại này đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Nhà đầu tư cần phải nhìn xa hơn (trước 6 tháng) và câu chuyện không còn là tăng trưởng lợi nhuận quý III mà sẽ là mặt bằng lợi nhuận của giai đoạn này trở đi và câu chuyện của 2022. Khả năng tăng trưởng 20% lợi nhuận của các doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi.
Nguồn NDH
0 comments:
Đăng nhận xét