19 thg 7, 2021

Đau đầu chống tin giả

Trong khi dịch bệnh căng thẳng khiến cả nước lo lắng, hàng loạt tin giả liên quan tới dịch COVID-19 vừa qua nổi lên càng khiến cộng đồng hoang mang. Một lần nữa vấn đề chống tin giả lại được đặt ra.



Giả mạo cả Bộ Y tế

Trong khi chính quyền và người dân TP.HCM đang căng mình chống dịch với bao vất vả, lo lắng từ sinh kế cho người lao động tự do, người nghèo tới sức khỏe, tính mạng con người, hàng loạt tin giả lan truyền trên mạng xã hội càng khiến lòng người rối bời như tin đồn về số ca nhiễm, số người chết vì COVID-19 tại TP.HCM...

Chưa hết, ngày 15-7 Bộ Y tế phải lên tiếng bác bỏ thông tin sai sự thật về đại dịch gắn mác "Bộ Y tế" được phát tán trên mạng xã hội. 

Trước đó, mạng xã hội lan truyền đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore cho rằng COVID-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Bộ Thông tin và truyền thông), các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây.

Trong vài tháng qua, hàng loạt vụ tung tin giả liên quan dịch COVID-19 đã bị cơ quan chức năng ở nhiều địa phương từ Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP.HCM, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau xử lý. 

Mới nhất, ngày 14-7 Công an TP Cần Thơ và Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP Cần Thơ đã xử phạt hai phụ nữ tung tin giả tiểu thương bán bún nhiễm COVID-19 tại chợ Tân An tử vong và dịch lây lan tại khu công nghiệp.

Ngày 12-7, chánh Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Cà Mau ký quyết định xử phạt hành chính Hồ Minh Giáp (huyện Phú Tân) 7,5 triệu đồng vì tung tin bịa đặt việc phong tỏa toàn tỉnh và bệnh nhân dương tính với COVID-19 gây hoang mang trong nhân dân.


Mạng xã hội phải chịu trách nhiệm

Theo nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn - chuyên gia nghiên cứu truyền thông và quản trị khủng hoảng (hiện ở Đức), hiện tượng tin giả lan truyền trên mạng không chỉ là chuyện đau đầu ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, kể cả các nước tiên tiến. Đây là bài toán về quản trị xã hội và dù sớm hay muộn các chính quyền cũng phải giải quyết nó.

Nhưng giải quyết theo hướng nào thì trên thế giới hiện có hai luồng quan điểm chính. Luồng thứ nhất coi mạng xã hội là công cụ cung cấp phương tiện đảm bảo quyền tự do ngôn luận cho người dân. Hiện đã có nhiều luật quản lý hành vi của người dùng nên không nhất thiết phải quản lý mạng xã hội, trong đó có việc xử lý tin giả.

Ngược lại, luồng thứ hai cho rằng cần quản lý mạng xã hội bởi không gian này đang đặt ra những thách thức mới, đặc biệt trong những tình huống khủng hoảng khẩn cấp hiện nay. Theo quan điểm này, các công ty mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trên nền tảng của họ trong đó có tin giả.

Quan điểm của ông Sơn là ủng hộ phương án cần quản lý các mạng xã hội. Ông nhấn mạnh là quản lý chứ không phải cấm đoán, kiểm duyệt.

Theo ông Sơn, thật vô lý khi mỗi tháng Facebook thu được hàng triệu USD tiền quảng cáo bằng cách tìm hiểu hành vi người dùng nhưng lại không chịu trách nhiệm khi nền tảng của họ gây hại cho xã hội. Các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội thu lợi trên đó thì cũng cần phải chịu trách nhiệm với nó.

Ông Sơn cho hay Facebook đã phải thỏa hiệp với một số nước châu Âu. Ở Đức, Facebook thỏa hiệp với chính phủ để có thể xây dựng một đơn vị độc lập thứ ba nhằm kiểm chứng về sự xác tín của thông tin. Bên thứ ba được mời để kiểm chứng thông tin là những đơn vị cung cấp thông tin uy tín như Hãng tin AP, Đài ABC News.

Đức cũng có luật phạt tù với người tung tin giả gây nguy hại lớn cho cộng đồng. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng đã thành lập liên minh chống tin giả. Theo luật Đức, sau khi có phản ánh tin giả, ngay lập tức nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải có phản ứng, nếu phản ứng chậm có thể bị phạt 500.000 euro cho một tin giả.

Đối với Việt Nam, theo ông Sơn, để hạn chế tin giả cần có nhiều tin thật, tạo môi trường minh bạch thông tin và quản lý các mạng xã hội trên nền tảng một nhà nước pháp quyền. 

Về giải pháp kỹ thuật, truyền thông, ông cho rằng Việt Nam cần bộ máy về truyền thông chính phủ mạnh, có kỹ thuật, kỹ năng tốt để có thể cung cấp ngay lập tức những thông tin khẩn cấp cho người dân, giúp họ tránh bị điều hướng bởi thông tin giả, độc hại. 

Giống như các nước, Việt Nam cũng cần có chế tài mạnh với các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội, ngoài ra cũng cần bên thứ ba kiểm chứng thông tin hoặc thậm chí dán nhãn tin giả.


Tăng cường năng lực báo chí chính thống và kỹ năng số của người dân

Trong báo cáo thảo luận chính sách gần đây về an toàn số trong Chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) khuyến nghị 4 giải pháp chính sách để nâng cao vấn đề an toàn trên môi trường số nói chung và ứng phó tin giả nói riêng.

Thứ nhất, tăng cường năng lực báo chí chính thống để cung cấp thông tin kịp thời, lấy "tin thật" đẩy lùi tin giả. Một thị trường báo chí lành mạnh, tin cậy kết hợp với tốc độ cung cấp thông tin chính thống nhanh từ toàn bộ hệ thống công quyền sẽ kéo người dân từ mạng xã hội qua báo chí chính thống.

Thứ hai là kỹ năng số của người dân, bao gồm: biết cách tránh bẫy thông tin, biết tìm kiếm thông tin từ nguồn chính thống, phân biệt "thật - giả" là "gốc rễ" để giải quyết vấn đề trong dài hạn.

Điều này cần bắt nguồn từ giáo dục kỹ năng số, kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho trẻ em ngay từ tiểu học. Trong thời đại số, học sinh không thể chỉ đơn thuần học "tin học" mà cần có kỹ năng số toàn diện trong đó gồm kỹ năng an toàn thông tin.

Thứ ba, trong khi nhóm giải pháp thứ nhất và thứ hai cần thời gian dài hơn để thực thi, trước mắt cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp khởi kiện khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm vì tin giả.

Hệ thống tòa án cần được gấp rút tăng cường năng lực thụ lý và xử lý nhanh các vụ kiện như thế. Các vụ việc xử phạt hành chính chỉ nên nhắm vào các cá nhân, tổ chức tung tin giả có tác động xấu đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. Không nên lạm dụng xử phạt hành chính bởi cũng có rủi ro xâm phạm đến quyền ngôn luận của người dân.

Thứ tư, thành lập các trung tâm chống tin giả với nhiệm vụ cung cấp thông tin nhanh, chính thức, chuẩn xác từ chính quyền. Thời buổi thông tin nhanh như hiện nay mà chờ họp báo thì quá chậm. Trung tâm chống tin giả vừa giúp kiểm chứng nguồn tin, vừa giúp thông tin nhanh.

Nghị định 15 năm 2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có 3 điều (khoản 3, điều 100; khoản 1, điều 101 và khoản 3, điều 102) liên quan tới xử phạt hành chính liên quan đến tin giả, với các mức phạt dao động từ 10 - 70 triệu đồng.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét