Trong lúc dịch bệnh lan rộng ngoài cộng đồng, nhiều doanh nghiệp chọn mô hình "3 tại chỗ" (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ) để duy trì hoạt động sản xuất. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận phải vừa làm vừa lo bởi khó khăn giăng tứ bề.
Tin liên quan: Đồng Nai gần cán mốc 4.000 ca, 57 công nhân công ty ‘3 tại chỗ’ dương tính ; Nhiều doanh nghiệp '3 tại chỗ' ở Bình Dương dừng hoạt động ;
Công nhân Công ty TNHH VEXOS Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) sản xuất an toàn hơn 20 ngày qua nhờ áp dụng "3 tại chỗ" - Ảnh: CHÂU PHẠM
Lo "thủng lưới" bất cứ lúc nào
Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) có gần 60 DN duy trì sản xuất "3 tại chỗ", hầu hết quy mô lao động ở lại khá lớn với 100 - 300 người mỗi nhà máy. Theo bà N.T.X.T. - đại diện một công ty thành viên, công ty vừa kiểm tra nhanh và có thêm 2 ca F0 nhưng phải chờ đợi nhiều ngày để đưa họ ra khỏi nhà máy đi điều trị vì phải chờ quyết định của ngành y tế.
Công ty TNHH Timberland (thị xã Tân Uyên) duy trì "3 tại chỗ" từ giữa tháng 7 với gần 1.500 người (trong đó có 165 lao động nước ngoài). Sau 10 ngày "3 tại chỗ", kết quả xét nghiệm có 233 trường hợp dương tính nhưng đến ngày 27-7 mới chỉ có một số được đưa đi điều trị, còn hơn 100 người phải ở lại ký túc xá của công ty.
"Công ty chỉ có thể giải quyết nhu cầu ăn cơ bản, không thể điều trị, trong khi nhiều trường hợp đã có biểu hiện phát bệnh" - báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho hay.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), có hơn 1.110 DN trên địa bàn với gần 130.000 lao động thực hiện "3 tại chỗ". Trong đó một số DN đã phát hiện ca mắc COVID-19 qua tự test nhanh. Với số lượng F0, F1 ngày càng tăng, người lao động ngày càng lo lắng và không muốn tiếp tục ở lại DN, yêu cầu DN phải cho về, đã xuất hiện tình trạng kích động, dễ dẫn đến khó kiểm soát.
DIZA có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất các cấp nhanh chóng hỗ trợ khoanh vùng, truy vết, cách ly phù hợp; nhanh chóng đưa F0, F1 ra khỏi phạm vi công ty. Sau khi công ty được khử khuẩn, công nhân có xét nghiệm âm tính sẽ tiếp tục sản xuất. Trường hợp DN không thể tiếp tục để người lao động ở lại công ty thì tổ chức xét nghiệm cho người lao động và đề nghị chính quyền địa phương tiếp nhận người lao động trở về.
Gồng gánh chi phí khổng lồ
Tại Công ty TNHH may mặc Song Ngọc (Q.Bình Tân, TP.HCM), khoảng 250 lao động cũng đã trải qua hơn 1 tháng "3 tại chỗ". Ông Trần Thanh Sơn - chủ tịch công đoàn công ty - cho biết công ty chia công nhân thành 3 nhóm khác nhau, hạn chế tiếp xúc. Trong đó có 1 nhóm ở trong khu vực "trung chuyển".
"Hơn 1 tháng ăn, ở tại nhà máy thì cũng cho phép ra vào để công nhân giải quyết việc gia đình, khi trở lại thì đưa vào nhóm trung chuyển, phải qua nhiều lần test âm tính mới bắt đầu cho vào hai xưởng còn lại" - ông Sơn giải thích. Ông Sơn cho biết theo quy định, công nhân mỗi tuần test nhanh 1 lần.
"Công ty chúng tôi chỉ có khoảng 250 lao động nhưng với giá 390.000 đồng/test thì mỗi đợt lên tới 80 - 90 triệu đồng. Thực hiện "3 tại chỗ" DN đang phải gồng gánh rất nhiều chi phí tăng thêm nên cần được hỗ trợ test" - ông Sơn đề xuất.
Bà Phạm Thị Châu - trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH VEXOS Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) - cho biết vừa qua cần bổ sung 10 công nhân từ bên ngoài vào ăn ở tại chỗ, công ty đã phải xét nghiệm âm tính lần 1, đưa đi khách sạn cách ly và xét nghiệm sau 3 ngày, sau đó mới đưa vào nhà xưởng khác cách ly tại chỗ để xét nghiệm lần 3 sau 7 ngày.
Để hạn chế nguy cơ dịch len lỏi vào nhà máy, công ty đã chỉ định một số nhân sự được tiếp xúc bên ngoài, mang hàng hóa vào phải khử khuẩn, sử dụng bảo hộ và sinh hoạt ở một khu riêng. Công ty cũng sẽ chủ động xét nghiệm mẫu gộp PCR cho toàn bộ nhà xưởng.
Một doanh nghiệp tại TP.HCM bố trí chỗ ngủ cho công nhân "3 tại chỗ" - Ảnh: H.B.A.
Giữ "vùng xanh" cho nhà xưởng
Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm - cho hay các DN trong ngành dù đã rất kỹ lưỡng áp dụng các biện pháp chống dịch khi duy trì "3 tại chỗ" song vẫn phát sinh ca nhiễm, cụ thể là Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã có hàng chục ca F0. Bà Chi cho rằng chính quyền cần phối hợp nhanh với các DN để khi có F0 sớm chuyển người bệnh đi cách ly, chữa trị, giúp ổn định tâm lý cho công nhân, bởi thực tế đã có DN phải chờ vài ngày ca F0 mới được chuyển đi.
Ông Nguyễn Văn Bé - chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) - cho biết có phân nửa DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM đang áp dụng "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm".
Theo ông Bé, việc DN cố gắng duy trì sản xuất không đơn thuần vấn đề kinh tế mà cố gắng giữ đơn hàng, nếu đơn hàng rơi vào tay các quốc gia khác sẽ rất khó lấy lại, kể cả giai đoạn hậu dịch. Do đó ông Bé cho hay rất nhiều DN đã trả lương gấp rưỡi, gấp đôi để kéo công nhân ở lại nhà xưởng.
Ông Bé cho rằng các DN phải áp dụng quy trình phòng dịch nghiêm ngặt và chủ động hơn. Lấy dẫn chứng Công ty TNHH Saigon Precision tại Khu chế xuất Linh Trung 1, ông Bé cho biết DN FDI này đã áp dụng "3 tại chỗ" cho 800 người, hiện nay muốn tuyển thêm 800 người nữa để sản xuất linh kiện robot xuất khẩu.
Để tuyển thêm công nhân, DN này đã thuê 4 khách sạn lớn cho công nhân lưu trú sau khi đã xét nghiệm lần 1, sau 3 ngày tiếp tục xét nghiệm lần 2 và đến ngày thứ 7 tiếp tục xét nghiệm lần 3 mới đưa công nhân vào nhà xưởng.
Theo ông Bé, việc xét nghiệm dày đặc như vậy rất tốn kém nhưng phải áp dụng để không đưa F0 vào nhà xưởng. Ông Bé cũng cho biết các DN đã thuê lại các nhà xưởng của DN đóng cửa để cho công nhân lưu trú, giúp giãn cách số lượng người trong một DN cũng là một biện pháp phòng dịch tốt.
"Hiện nay các DN cũng đã chủ động nhiều phương án khi có F0, trong đó có DN đã chuẩn bị hàng loạt container làm nơi cách ly tạm thời, khi có F0 thì phải cách ly ngay cũng như cho F1, F2 lưu trú tạm thời để không gây lây lan dịch, giữ "vùng xanh" cho nhà xưởng" - ông Bé nói.
Tiền Giang tạm ngừng sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp
UBND tỉnh Tiền Giang ngày 29-7 đã có văn bản yêu cầu các DN trong khu, cụm công nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất từ ngày 5-8 để ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng.
Văn bản nêu rõ, từ ngày 29-7 đến 4-8 các DN trong khu, cụm công nghiệp khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu hoạt động của DN, tổ chức xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp RT-PCR cho toàn thể công nhân và người quản lý trước khi tạm dừng hoạt động.
UBND tỉnh yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền, giải thích cho DN, người lao động về chủ trương của tỉnh trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời giao UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, quản lý và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đối với công nhân tại các khu, cụm công nghiệp khi trở về địa phương.
MẬU TRƯỜNG
Kiến nghị tập trung hơn nữa tiêm vắc xin cho công nhân
Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 27-7, 4 hiệp hội Da giày - túi xách, Điện tử, Dệt may, Mỹ nghệ và chế biến gỗ cho rằng việc DN có quy mô quá lớn, không đủ năng lực triển khai "3 tại chỗ" nên trên 90% DN đều phải chấp nhận dừng sản xuất làm ảnh hưởng đứt gãy phần cung toàn cầu.
Các DN đề nghị trong tình hình cấp bách này, Chính phủ cần tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất (trong cuối tháng 7, đầu tháng 8) lượng vắc xin để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch, cũng như hỗ trợ các hiệp hội được mua vắc xin từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động.
Ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch thường trực Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho biết hiện chỉ mới có khoảng 25% DN thành viên của hội tiêm được vắc xin cho công nhân.
"Nếu nguồn cung vắc xin đầy đủ, DN có thể chủ động phương thức tiêm cho người lao động một cách nhanh nhất, kể cả phương án thuê dịch vụ tiêm đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế yêu cầu. Chỉ có như vậy thì phương án sản xuất "3 tại chỗ" mới thật sự an toàn trong bối cảnh hiện nay" - ông Việt nói.
NGỌC AN - TRẦN VŨ NGHI
Kinh nghiệm từ Bắc Giang
Ông Mai Sơn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - cho hay việc thực hiện phương châm "3 tại chỗ" (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ) giúp việc sản xuất không bị đình trệ. Đến ngày 28-7, trên 130.000 công nhân toàn tỉnh đã trở lại làm việc, trong khi chỉ tiêu ban đầu sẽ đưa 30.000 công nhân trở lại nhà máy cuối tháng 7 và hơn 120.000 vào cuối năm 2021.
Theo ông Mai Sơn, kinh nghiệm thực hiện "3 tại chỗ" của Bắc Giang bắt đầu với việc lãnh đạo tỉnh thuyết phục doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền chống dịch qua những hành động cụ thể:
* Ưu tiên dành 180.000/280.000 liều vắc xin được phân bổ để tiêm cho công nhân, bố trí xe đưa đón công nhân, cho phép doanh nghiệp xét nghiệm mẫu gộp, yêu cầu đơn vị xét nghiệm giảm 50% chi phí tiền công xét nghiệm...
* Hỗ trợ doanh nghiệp phân tách, chia nhỏ các nhóm công nhân theo tổ, đội, dây chuyền, phân xưởng... gắn với tổ phòng dịch COVID-19 tại nhà máy. Nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh thì lực lượng y tế nhanh chóng khoanh vùng cách ly theo phương án đã tập huấn.
* Hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng nhà kho, khoảng trống trong nhà máy, khu nhà ăn, nhà để xe... để bố trí nơi lưu trú cho người lao động.
* Với doanh nghiệp khó khăn, tỉnh hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nơi ở tập trung tạm thời cho công nhân trong nhà máy, khu vực sản xuất. Doanh nghiệp không đủ diện tích thì được giới thiệu thuê khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ để công nhân lưu trú. Cán bộ địa phương tuyên truyền từng chủ nhà trọ hy sinh lợi ích ban đầu và để họ hiểu "nếu không hợp tác với chính quyền thì người thiệt là chính mình".
* Thắt chặt quản lý công nhân đi làm trở lại song song với việc giải tỏa và làm sạch dần các khu cách ly tập trung, tạo nhiều "vùng xanh" ngoài khu công nghiệp.
Tuy nhiên, ông Mai Sơn lưu ý mô hình "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp ngắn hạn duy trì sản xuất trong lúc triển khai quyết liệt các biện pháp khác để dập dịch, không phải phương án sản xuất lâu dài.
HÀ QUÂN
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét