Đó là tình cảnh diễn ra ở nhiều sàn môi giới bất động sản tại TP.HCM, khi mà tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng. Thậm chí, nhiều sàn môi giới buộc phải đóng cửa vì không còn biết bấu víu vào đâu.
Môi giới bất động sản từng được xem là nghề hái ra tiền bởi đây là dòng sản phẩm có giá trị lớn, hoa hồng luôn ở mức cao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho mỗi sản phẩm bán được. Do đó, có những môi giới chỉ cần trong vài tháng bán được 1-2 sản phẩm cũng có thể đủ tiêu xài cho nửa năm.
Cũng vì sức hút của nghề này mà đông đảo bạn trẻ sau thời gian lăn lộn với đủ thứ nghề, lại quyết định chọn nghề môi giới bất động sản. Thậm chí, không ít cử nhân khi tốt nghiệp Đại Học ra trường vẫn chọn làm sales bất động sản để có nguồn thu nhập cao hơn.
Vì lẽ đó, trong vài năm gần đây khi thi trường bất động sản nóng lên, nghề môi giới trở nên thịnh hành và được xã hội nhìn nhận để thay thế cho cụm từ "cò đất". Theo thống kê của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay có khoảng 300.000 người làm nghề môi giới, chủ yếu tập trung ở hai thị trường là Hà Nội và Tp.HCM (Hà Nội có gần 60.000 người, Tp.HCM gần 100.000 người). Các môi giới hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc tự hoạt động cá nhân. Trong đó số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề khoảng chỉ khoảng 35.000 (tương đương 12%).
Tuy nhiên, kể từ năm 2019 trở lại đây, khi mà thị trường ngày càng khó khăn thì nghề môi giới lại càng trở nên khó nhằn hơn rất nhiều. Cú sốc đầu tiên với hàng trăm ngàn môi giới là lúc thị trường bắt đầu bị siết chặt pháp lý, nguồn cung hạn chế, sức mua và cả nguồn hạng cũng cạn dần khiến cho nhiều người lao đao vì không thể bán được sản phẩm trong thời gian dài. Tính đến đầu năm 2020, có khoảng 1/3 môi giới bất động sản đã phải chuyển nghề vì không thể trụ nổi.
Tuy nhiên, đó chưa phải là thử thách lớn nhất của nghề này. Khi dịch Covid-19 ập đến, nghề môi giới càng ngày càng phải đối mặt với hàng trăm ngàn khó khăn. Tính đến tháng 7/2021, khi mà đại dịch quay trở lại lần thứ 4 với tình hình trở nên căng thẳng và diễn biến khó lường, khoảng hơn 80% môi giới rơi vào tình trạng "ngồi chơi xơi nước", trong khi cả nửa năm không có lấy 1 đồng thu nhập nào. Thậm chí, nhiều sales bị nợ phí, nợ lương, phải đi vay mượn bạn bè, gia đình để cầm cự qua mùa dịch. Không ít người phải chấp nhận vay nóng để lo cho gia đình trong cơn biến cố.
Tình cảnh này cũng xảy ra tương tự đối với hàng trăm sàn môi giới ở Tp.HCM. Giám đốc của một sàn môi giới tại Tp.HCM (đề nghị dấu tên) tiết lộ, hiện nay rất nhiều sàn môi giới đang trong tình trạng "hấp hối" vì dịch bệnh ngày càng phức tạp. Khó khăn do dịch bệnh, cộng với việc bị đối tác nợ tiền hoa hồng, hàng tháng phải gồng gánh hàng trăm khoản chi phí khác khiến nhiều sàn kiệt sức, đứng trước bờ vực phá sản.
"Nhiều người thấy môi giới ăn mặc đẹp đẽ, sáng sủa là vậy nhưng không ít người thực chất đang là con nợ. Riêng sàn của tôi từ đầu năm đến nay phải gồng lỗ hơn 3 tỷ đồng. Một mặt là bị đối tác nợ tiền phí sau khi bán dự án, một mặt là phải gồng để trả lương cơ bản cho nhân viên, tiền mặt bằng, tiền điện nước và rất nhiều khoản chi phí khác. Mỗi tháng, cứ mỗi sàn có khoảng 20 - 30 sales thì khoản phí phải chi không dưới 300 triệu đồng, nhưng lại không có lấy một đồng thu nào", vị đại diện sàn môi giới cho hay.
Cũng theo người này tiết lộ, hiện rất nhiều sàn môi giới rơi vào tình cảnh éo le vì nợ lương, nợ mặt bằng, nợ cả tiền điện nước. Nhiều người lãnh đạo sàn phải cầm cố nhà cửa, vay nóng, vay nguội tứ phía để chống đỡ giữa mùa dịch.
"Nếu dịch bệnh càng phức tạp nữa thì có nguy cơ sàn chúng tôi sẽ phải đóng cửa mà phải kèm theo một núi nợ. Hiện tại, không ít chủ sàn và sales đã phải tắt điện thoại, không dám đọc tin nhắn hay nghe máy vì sợ bị chủ nợ đòi. Tình cảnh rất khủng khiếp mà chưa bao giờ những người làm nghề môi giới như chúng tôi phải đối mặt. Thật sự là đã quá kiệt sức, tôi không biết sẽ có thể trụ lại thêm bao lâu với nghề", anh này cho biết.
Môi giới bất động sản từng được xem là nghề thu hút nhất, nhưng có lẽ sau đợt dịch Covid-19 đi qua nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại về nghề này. Khi mà thị trường đang khó khăn, không chỉ hiếm nguồn cung mà còn phải cạnh tranh về đất sống, các môi giới sẽ phải ngẫm lại về bản chất thật sự của nghề.
Bên cạnh dịch gây tác động mạnh, nút thắt về pháp lý đang khiến nguồn cung trở nên khan hiếm tại TP.HCM– Hà Nội là áp lực rất lớn cho những công ty phân phối bất động sản và những người hành nghề môi giới bất động sản. Và có lẽ, nếu có thể chuyển được nghề thì mỗi môi giới cũng cần tự tính toán cho mình hướng đi thích hợp hơn.
Nguồn TPO
0 comments:
Đăng nhận xét