Không chỉ những người có thu nhập thấp, kinh tế khó khăn mà nhiều "đại gia" trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng rơi vào vòng xoáy tín dụng đen, dính vào lao lý khi thị trường bất động sản tại Đà Nẵng đóng băng kéo dài.
Cơ quan CSĐT khám xét nhà Lê Trọng Phương. Phương cho "đại gia" Lệ vay 2 tỉ, lãi suất 0,3%/ngày, thu lời bất chính gần 1 tỉ đồng - Ảnh: Đ.C.
Nhiều "đại gia" bị khởi tố
Cuối tháng 8-2020, thị trường bất động sản Đà Nẵng đã rúng động khi "đại gia" Đào Thị Như Lệ, người sở hữu nhiều nhà hàng, khách sạn và hàng chục lô đất vàng tại quận Sơn Trà, Hải Châu với tổng giá trị tài sản ước tính lên đến hàng nghìn tỉ đồng bị Công an TP Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án chiếm đoạt sổ đỏ.
"Nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tính chất hết sức phức tạp, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều hành vi phạm tội khác nhau, trong đó bao gồm cả người chuyên cho vay lãi nặng, đang được dư luận xã hội quan tâm nên lãnh đạo Công an TP chỉ đạo Phòng cảnh sát kinh tế xác lập chuyên án truy xét bí số SV20 để tập trung điều tra" - đại diện Phòng cảnh sát kinh tế cho biết.
Kết thúc điều tra giai đoạn 1, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can: Dương Thị Ngọc Anh, cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Như Lệ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (đồng phạm với Anh).
Ngoài ra, còn có "đại gia" Phạm Thanh, người cho Lệ vay theo hình thức nặng lãi, về tội cưỡng đoạt tài sản. Giai đoạn 2 đã khởi tố vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Bước đầu khởi tố, bắt tạm giam Trần Thu Hà (trú huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), Lê Trọng Phương (trú Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Hà đã thỏa thuận cho Lệ vay gần 10 tỉ đồng, lãi suất 1%/ngày, thu lời bất chính hơn 1,2 tỉ đồng; Phương cho Lệ vay 2 tỉ, lãi suất 0,3%/ngày, thu lời bất chính gần 1 tỉ đồng.
"Đại gia" đi vay nặng lãi và đường vào lao lý
Trước đó, do ảnh hưởng của COVID-19, giá đất trên địa bàn TP Đà Nẵng có thời điểm sụt giảm 30-35%, nhưng không dễ ra hàng. Do không bán được đất để cắt lỗ, không có dòng tiền để kinh doanh cũng như trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng, bà Lệ đã tìm đến các đối tượng cho vay lãi nặng để "bốc nóng" nhằm trả lãi ngân hàng cho các khoản nợ lên tới hơn 500 tỉ đồng vay kinh doanh bất động sản.
Biết "đại gia" này có nhiều đất đai, nhà hàng và khách sạn nên một số người đã cho Lệ vay tiền tỉ với lãi suất từ 0,2-0,8%/ngày, cá biệt có những khoản vay với lãi suất lên đến 1%/ngày. Nếu không trả đúng hẹn, tiền lãi được cộng vào tiền gốc rồi tiếp tục tính lãi. Cứ như vậy trong thời gian ngắn, "đại gia" này đã gánh món nợ hàng ngàn tỉ đồng của hàng chục chủ nợ và cũng mất khả năng thanh toán.
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đóng băng kéo dài, không xoay xở ra tiền để trả nợ và lãi, bà Lệ bị chủ nợ đe dọa, chửi bới hoặc đánh đập để ép bán tài sản hoặc viết giấy vay tiền. Túng quẫn, Lệ đã móc nối với Dương Thị Ngọc Anh - cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà - lấy 22 sổ đỏ của người dân đang làm thủ tục tại đây để đưa cho các chủ nợ nhằm giãn nợ hoặc sử dụng để lừa đảo.
Cũng liên quan đến bà Lệ là "đại gia" Phạm Thanh, người đã nhiều lần cho Lệ vay mượn tiền trả lãi hằng tháng, thu lãi trước 30 ngày và giao dịch đặt cọc mua bán 1 lô đất trên đường Hoàng Kế Viêm (Đà Nẵng) với số tiền giao dịch 72 tỉ đồng.
Thanh cũng yêu cầu Lệ viết giấy tờ mượn tiền và giấy bán tài sản là các lô đất đang thế chấp vay tiền tại ngân hàng để đảm bảo việc thanh toán nợ gốc, lãi. Sau đó, theo hồ sơ điều tra, Lệ đã bị Thanh gọi đến nhà riêng rồi đánh đập, chửi mắng và buộc phải ký nhận nợ 122 tỉ đồng.
"Tảng băng chìm" vay nợ đầu tư bất động sản
Theo tìm hiểu, hoạt động cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng, đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng tồn tại như "tảng băng chìm". Dưới dạng "góp tiền" làm đất, đáo hạn ngân hàng, giữa 2 bên ký giấy vay mượn tiền nhưng không thể hiện lãi suất, mà tự hiểu với nhau.
Bà P.Y. (Sơn Trà, Đà Nẵng) từng đi kêu cứu vì "góp tiền" 18 tỉ đồng cho 1 "đại gia" bất động sản nhưng sau đó giá đất đóng băng, "đại gia" cũng không quay vòng được để trả nợ. Bà P.Y. cho biết lúc đầu khi "góp tiền" thì họ trả đều đặn lãi suất 3%/tháng.
Thấy "dễ ăn", bà P.Y. huy động của người thân góp đến 18 tỉ đồng. Tuy nhiên, thị trường bất động sản ảm đạm, con nợ không thể xoay xở để trả lãi và gốc nên bà P.Y. cùng hàng chục nạn nhân khác đã viết đơn tố cáo vì con nợ bể nợ hàng trăm tỉ đồng.
Khó phát hiện
Theo luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), với những trường hợp cho vay lãi nặng thu lợi bất chính hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, mức xử phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi theo quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khá thấp, chưa đủ sức răn đe.
Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý loại tội phạm này rất khó vì khi cho vay các bên giao dịch với nhau âm thầm không ai biết, chỉ khi có sự việc vỡ nợ mới tố nhau tới cơ quan chức năng...
Ngoài ra, khi vay tiền các bên không ghi mức lãi suất vào văn bản vay nợ, nên khi xác định hành vi vi phạm rất khó vì không chứng minh các bên vay theo lãi suất bao nhiêu, có vượt quá quy định của pháp luật hay không.
Nếu có ghi lãi trong các hợp đồng hay văn bản vay tiền, thường chỉ ghi mức lãi suất dưới mức bị chịu trách nhiệm hình sự, nhưng quy ước ngầm với nhau để vẫn tính lấy lãi nặng hằng ngày...
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét