Đại dịch Covid-19 tiếp tục mang đến một bài học khắc nghiệt. Lạc quan có thể sai, thậm chí mang đến hậu quả khôn lường.
Đầu tháng 3, Ấn Độ hoàn toàn có lý do để có thể lạc quan về diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Số ca nhiễm Covid-19 mới có xu hướng giảm, từ 97.000 ca/ngày ghi nhận trong tháng 9/2020 xuống còn 15.000 ca/ngày trong tháng 2. Các chuyên gia y tế nhận định Ấn Độ đã đạt được “miễn dịch cộng đồng”.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tuyên bố “chúng ta đang dần đi tới hồi kết” của đại dịch, sau khi chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất thế giới được triển khai mạnh mẽ một tháng trước đó.
Nhưng với việc phải đương đầu với một loại virus biến đổi khôn lường như SARS-CoV-2, sự lạc quan có thể là con dao hai lưỡi. 4 tháng sau, Ấn Độ, vốn mới chỉ phần nào vực dậy sau làn sóng Covid-19 “tàn khốc” đầu tiên, vỡ trận ngay sau những phát biểu của Vardhan. Số ca lây nhiễm mới mỗi ngày vượt 400.000 người trong đầu tháng 5, cao kỷ lục ghi nhận trong một ngày trên toàn cầu.
Tính đến ngày 5/7, Ấn Độ có hơn 30,8 triệu ca bệnh, trong đó, trên 407.000 người tử vong trong bối cảnh quốc gia này phát hiện ra biến thể Delta, được cho là có tốc độ lây nhiễm cao gấp 2 lần so với chủng virus trước đó.
Quá trình biến đổi sinh học thông thường của virus kết hợp với một hiện tượng nguy hiểm khác. Đó là sự tự tin thái quá. Nghĩ rằng đã thành công trong phòng chống dịch bệnh, chính quyền một số bang tại Ấn Độ cho phép một số hoạt động chính trị và tín ngưỡng tôn giáo đông người diễn ra. Những sự kiện đó được cho là khiến cho dịch bệnh bùng phát trở lại mạnh hơn.
Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, câu chuyện về Covid-19 cũng không có quá nhiều khác biệt. Dịch bệnh bùng nổ trên quy mô toàn cầu năm 2020, nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trở thành hình mẫu trong kiểm soát dịch bệnh, nhờ kỷ luật và quyết tâm chính trị, dù có ít nguồn lực hơn các quốc gia phương Tây. Các quốc gia này hành động tức thì và có nhiều biện pháp phòng dịch hiệu quả.
Thế nhưng, chỉ một năm sau, sức mạnh ý chí này dường như ngày càng phai nhạt. Sự mệt mỏi do dịch bệnh gây ra bắt đầu xuất hiện, cùng với đó là thái độ tự mãn, lạc quan “thái quá” về tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 và hiệu quả của chúng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vận động cho đảng cầm quyền BJP trước thêm các cuộc bầu cử khu vực. Ảnh: AP.
Tại Thái Lan, Việt Nam và Campuchia - 3 quốc gia Đông Nam Á có số lượng ca nhiễm tương đối thấp tính đến trước đầu năm 2021, số ca nhiễm gần đây đột ngột tăng cao.
Đài Loan, sớm áp dụng các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới, không còn duy trì được sự hiệu quả và đang phải chống chọi lại với một làn sóng lây nhiễm mới.
Tại Nhật Bản, chính phủ quốc gia này có cách tiếp cận “nhẹ nhàng” hơn đối với dịch bệnh, và đã thành công với chiến dịch xét nghiệm và truy vết ca nhiễm mới, đồng thời áp dụng nghiêm chỉnh quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Dù vậy, trong năm 2021, Nhật Bản đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp hai lần.
Chỉ số phục hồi sau đại địch Nikkei Covid-19 Recovery Index cũng cho thấy thực trạng tương tự. Chỉ số này theo dõi nhiều quốc gia trong nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường trước kia, trong đó tính tới các yếu tố như tốc độ thay đổi, số lượng các ca nhiễm, mức độ tự do đi lại và chiến dịch tiêm chủng vaccine. Không bất ngờ, nhiều quốc gia châu Á, vốn vấp phải nhiều khó khăn trước đại dịch, hiện vẫn chưa thể thoát khỏi vòng xoáy đó.
Chỉ số này cũng cho thấy một nghịch lý. Nhiều quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng 6 tháng trước đã “tụt hạng không phanh”, một phần là do các biến chủng mới, và cũng xuất phát từ sự tự mãn và mệt mỏi sau một thời gian dài gồng mình chống dịch.
Không phải ngẫu nhiên các quốc gia với số lượng ca nhiễm thấp, nền kinh tế ít bị ảnh hưởng trong năm 2020, lại có diễn biến dịch bệnh xấu dần đi.
Thay đổi xếp hạng của Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ và Campuchia theo chỉ số Nikkei Covid-19 Recovery Index. Nikkei Covid-19 Recovery Index xếp hạng 120 quốc gia, vùng lãnh thổ theo các tiêu chí như tốc độ thay đổi, số lượng các ca nhiễm, mức độ tự do đi lại và chiến dịch tiêm chủng vaccine.
Ví dụ, Việt Nam, thuộc số ít "ngôi sao sáng" năm 2020, trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất thế giới trong khi vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế 2,9%, đang vấp phải làn sóng lây nhiễm mới tại nhiều khu vực.
Thái Lan, quốc gia không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng suốt nhiều tháng trong năm 2020, cũng đang phải gồng mình chống chọi với Covid-19. Vào ngày 5/7, Thái Lan đứng thứ 2 về số lượng ca nhiễm mới trên bảng xếp hạng toàn cầu của Worldometers khi 6.166 bệnh nhân được xác định dương tính với Covid-19. Số ca nhiễm trong một ngày này thậm chí tương đương với tổng số ca nhiễm của Thái Lan trong cả năm 2020. Trong năm ngoái, Thái Lan ghi nhận 59 trường hợp tử vong, thế nhưng số lượng ca tử vong mỗi ngày thời gian gần đây đã vượt quá con số này. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) quá tải. Nhiều ca nhiễm trong làn sóng dịch bệnh thứ ba này liên quan tới các hộp đêm cao cấp.
Campuchia chỉ ghi nhận 500 ca nhiễm và không trường hợp tử vong nào tính tới tháng 2. Nhưng đó là trước “sự kiện 20/2”, khi hai phụ nữ được phát hiện nhiễm bệnh tại một hộp đêm và phá hủy toàn bộ thành tựu chống dịch của quốc gia này.
Các quán bar và sự buông lỏng công tác cách ly cũng góp phần tạo nên làn sóng dịch tồi tệ nhất tại Đài Loan kể từ khi dịch bệnh bắt đầu vào cuối năm 2019. Làn sóng dịch này bùng phát từ một khách sạn gần sân bay, là nơi ở của nhiều phi công sau khi thời gian cách ly của họ được rút ngắn.
Trong khi đó, Nhật Bản, vốn rất thành công trong kiểm soát dịch bệnh, đang phải đối mặt với nguy cơ kỳ Olympic được khai mạc vào ngày 23/7 sẽ trở thành sự kiện siêu lây nhiễm.
Thế vận hội Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào ngày 23/7, sau khi phải trì hoãn một năm vì Covid-19. Ảnh: Nikkei.
Quá trình phát triển của virus Covid-19 cho thấy những diễn biến không thể lường trước và sự khó khăn trong công tác dự báo. Khi những dự báo tích cực về thành tựu chống dịch khiến cho các chính trị gia, nhà lập pháp và giới khoa học nghĩ tới việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, sự lạc quan sẽ biến thành thảm họa.
Ấn Độ: Các nhà hoạch định chính sách thay đổi hành vi.
Có ba điều gây ra làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Ấn Độ, theo Rajinder K. Dhamija, trưởng khoa thần kinh tại Cao đẳng Y tế Lady Hardinge, thủ đô New Delhi.
"Virus thay đổi hoạt tính và một biến chủng mới (Delta) hình thành", ông cho biết. "Người dân cũng thay đổi hành vi và bắt đầu tụ tập đông người, chú ý rất ít tới các biện pháp giãn cách, đeo khẩu trang. Các nhà hoạch định chính sách cũng có ít nhiều thay đổi bởi họ tin dịch bệnh đã qua, dẫn tới việc nhiều sự kiện tập trung đông người được phép diễn ra".
"Diễn biến của một đại dịch hoặc một căn bệnh có liên quan tới virus không bao giờ chỉ phụ thuộc vào chủng virus đó".
Rất nhiều các sự kiện tập trung đông người đã được tổ chức tại Ấn Độ trong tháng 3 và tháng 4, trong đó bao gồm cả những cuộc tuần hành chính trị với sự tham gia của hàng nghìn người. Bên cạnh đó là lễ hội hành hương Kumbh Mela, nơi hàng triệu người theo đạo Hindu cùng nhau đổ về các khu vực dọc bờ sông Hằng để thực hiện nghi lễ tắm trên dòng sông này. Những sự kiện này tạo điều kiện cho biến chủng Delta "siêu lây nhiễm", lần đầu phát hiện tại Ấn Độ và đã lan ra hơn 80 quốc gia, bắt đầu lan rộng.
Rất nhiều các sự kiện tập trung đông người đã được tổ chức tại Ấn Độ trong tháng 3 và tháng 4. Ảnh: Reuters.
Ấn Độ thực sự trải qua thảm cảnh từ làn sóng lây nhiễm thứ hai trong tháng 4 và tháng 5. Sự hỗn loạn bắt đầu xuất hiện khi người dân tranh giành nhau nguồn cung khí oxy, giường bệnh và thuốc để phục vụ người thân. Các lò hoả táng và nghĩa trang cũng rơi vào tình trạng quá tải. Quá nhiều người tử vong.
Neha Bhatnagar, sinh sống tại thủ đô New Delhi, phải lùng sục nhiều bệnh viện trong thành phố với hy vọng tìm thấy một giường bệnh cho người cô nhiễm Covid-19, trước khi dịch bệnh đạt đỉnh trong tháng 5.
"Không dễ dàng gì để có thể tìm được thuốc chữa bệnh bởi phần lớn các tiệm thuốc đều hết hàng", cô cho biết. "Sự hỗn loạn xảy ra ở khắp nơi".
Ấn Độ rơi vào hỗn loạn trong tháng 4 và 5 khi nguồn cung bình oxy, giường bệnh và thuốc trở nên khan hiếm. Ảnh: Reuters.
Abhishek Kumar Sinha, bác sĩ trung tâm chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại khu vực phía đông bang Bihar, cho biết anh phải làm việc từ sáng sớm tới nửa đêm.
"Tôi phải chăm sóc từ 50 tới 60 bệnh nhân mỗi ngày", anh chia sẻ.
Các chính trị gia phải trả giá cho sự lạc quan sai lầm của họ. Trong khi số lượng ca nhiễm tiếp tục tăng lên, Thủ tướng Narendra Modi vẫn còn vận động ủng hộ cho đảng cầm quyền BJP trước khi các cuộc bầu cử khu vực diễn ra.
Điều này “không được đón nhận bởi nhiều người bởi họ cho rằng ông quan tâm nhiều hơn đến chiến thắng bầu cử hơn là sứ mệnh bảo vệ mạng sống người dân”, theo Sanjay Kumar, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội.
Không giống như làn sóng dịch bệnh đầu tiên, không để lại hậu quả nặng nề nhưng vẫn được ông Modi nhắc tới trong một số bài phát biểu, nhà lãnh đạo Ấn Độ lần này “im lặng” trong suốt thời gian dịch bệnh, khi các sản phẩm như thuốc, bình oxy và giường bệnh thiếu trầm trọng, Kumar cho biết.
Một điều khác đã làm xấu đi hình ảnh của ông Modi đó chính là các lãnh đạo đảng cầm quyền liên tục lên tiếng trấn an dư luận rằng mọi chuyện đều ổn, trong khi sự thật là hỗn loạn tột cùng.
Thái Lan: Không toàn tâm, toàn ý
Dịch bệnh bùng phát từ nhiều góc cạnh trong bức tranh kinh tế xã hội của Thái Lan . Đầu tiên, điểm nóng chính là các khu chợ cá tại tỉnh Samut Sakhon, ngay sát thủ đô Bangkok, nơi làm việc của rất nhiều lao động nước ngoài, phần lớn từ Myanmar. Cũng tại thời điểm đó, các hộp đêm cao cấp tại khu vực Thonglor lân cận lại được cho phép hoạt động trở lại. Nhiều cán bộ chính quyền, chuyên viên ngoại giao và khoảng 20 cảnh sát địa phương, có nhiệm vụ kiểm soát khu vực này đã nhiễm Covid-19.
Kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng đáng kể vì đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Ảnh: AP.
Thái Lan là hình mẫu chống dịch trong năm 2020, với vai trò nổi bật của lực lượng quân đội khi phong tỏa chặt chẽ biên giới, đồng thời đảm nhiệm nhiệm vụ giám sát các khu vực cách ly. Nhưng những biện pháp đó lại gián tiếp gây áp lực cho nền kinh tế Thái Lan. GDP của quốc gia này giảm 6,1% trong năm ngoái, theo văn phòng Ủy Ban phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan.
Dù ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao chưa từng có trong tháng 6, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vẫn tỏ ra lạc quan về tham vọng mở cửa hoàn toàn nền kinh tế Thái Lan trong tháng 10. Sự lạc quan của ông đến từ những đơn hàng vaccine đã được xác nhận, và tỷ lệ người dân dự kiến được tiêm ít nhất một mũi tính tới lúc đó.
Nhưng chiến dịch tiêm phòng vaccine, bắt đầu từ tháng 3, đang diễn ra rất chậm. Tính đến ngày 7/9, mới có khoảng 10,7 triệu liều vaccine đã được tiêm cho môt bộ phận trong tổng số gần 70 triệu dân của quốc gia này.
“Nhiều vấn đề liên quan tới vaccine xuất hiện từ rất sớm, vì chính phủ cũng như các cơ quan trực thuộc không quá 'toàn tâm, toàn ý' đối với dịch bệnh”, theo ghi nhận của Nikkei Asia Review. "Các bác sĩ tỏ ra khá thận trọng. Họ không ký vào các đơn đặt hàng vaccine vì không muốn vướng vào vòng lao lý".
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tỏ ra lạc quan về tham vọng mở cửa hoàn toàn nền kinh tế Thái Lan trong tháng 10. Ảnh: AP.
Sự thành công của chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 phụ thuộc rất lớn vào việc liệu Siam Bioscience, một công ty thuộc sử hữu của Nhà vua Maha Vajiralongkorn, có thể đạt được mục tiêu sản xuất 10 triệu liều vaccine AstraZeneca mỗi tháng tại Thái Lan hay không.
Công ty này cũng phải mang trách nhiệm xuất khẩu. Chỉ có khoảng 5,37 triệu liều vaccine được phân phối trong nước trong tháng 6. Con số này tiếp tục được dự đoán ở mức dưới 6 triệu liều trong tháng 7, theo chia sẻ từ một quan chức có liên quan.
Việc những cá nhân có điều kiện đang tìm mọi cách để được tiêm vaccine sớm đang làm trầm trọng hoá thêm bức tranh xã hội tại một trong những quốc gia sở hữu mức độ bất bình đẳng giàu nghèo lớn nhất thế giới.
"Đã xuất hiện tình trạng các cá nhân sử dụng những mối quan hệ cá nhân để cho bản thân và gia đình được tiêm vaccine trước", theo ghi nhận của Nikkei Asia Review. "Đây không phải chuyện phiếm, nhiều người còn lên Facebook cá nhân để khoe".
Đài Loan: Thiếu hợp tác
Cho tới giữa tháng 5, Đài Loan chỉ có khoảng 1.000 ca nhiễm Covid-19, phần lớn là các ca nhập cảnh. Nhưng chỉ một tháng sau đó, số lượng ca nhiễm đã nhảy vọt lên hơn 14.000 do một đợt bùng phát dịch nhen nhóm từ tháng 4, xuất phát từ các phi công sau đó lan rộng ra cộng đồng.
Các phi công thực hiện quy định cách ly tại toà nhà khách sạn sân bay, vốn chưa được chấp thuận để sử dụng cho mục đích đó. Các nhân viên khách sạn và người thân của họ bị lây Covid-19. Chính quyền Đài Loan quyết định xử phạt hãng hàng không China Airlines và khách sạn Novotel tại sân bay quốc tế Đào Viên vì không tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.
Một số chính trị gia đối lập và chuyên gia y tế cộng đồng đổ lỗi cho chính quyền Đài Loan vì rút ngắn số ngày cách ly của các phi công khi họ chưa được tiêm phòng vaccine từ 5 ngày xuống còn 3 ngày trong tháng 4.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Đài Loan cho biết bắt đầu từ ngày 12/6, số ngày cách ly sẽ được đưa về mức cũ là 5 ngày đối với các thành viên phi hành đoàn. Đến ngày 1/7, con số này tăng lên thành 7 ngày.
Cơ quan này cho biết Đài Loan đang kiểm soát tốt đường biên giới, "nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh".
"Vì dịch bệnh đã được kiểm soát hợp lý trong quá khứ, việc tầm soát virus trên quy mô lớn là điều không cần thiết nữa, do đó hệ thống kiểm soát đã không thể phát hiện ra các ca bệnh không có triệu chứng. Và trên hết, sự tự giác tiêm phòng vaccine trong dân chúng vẫn còn ở mức thấp", CDC Đài Loan chia sẻ.
Yang Sen Hong, chuyên gia y tế cộng đồng tại Đài Loan, cho biết chiến lược kiểm soát dịch bệnh của hòn đảo tương đối hiệu quả, nhưng một bộ phận người dân vẫn không tuân thủ đầy đủ các quy định, trong đó bao gồm các hãng hàng không, khách sạn, và người không khai báo trung thực lịch sử tiếp xúc của họ.
Trong tháng 5, xuất hiện nhiều ca nhiễm có liên quan tới các phòng trà tại quận Vạn Hoa. Những địa điểm này thường mang hình ảnh không mấy tốt đẹp trong mắt nhiều người, do đó, gây khó cho các cán bộ truy vết trong công tác điều tra dịch tễ những ai đã tới đây.
Nhiều ca nhiễm ghi nhận trong tháng 5 có liên quan tới các phòng trà tại quận Vạn Hoa. Ảnh: AFP.
"Phần lớn mọi người đều không muốn tiết lộ việc họ có mối liên hệ đối với các phòng trà này, và mức độ hợp tác của họ với công tác điều tra là không cao, điều đó khiến cho công tác truy vết gặp nhiều khó khăn", CDC Đài Loan cho biết.
Campuchia: Chạm đến giới hạn
Cũng giống như Đài Loan và Thái Lan, dịch bệnh tại Campuchia xảy ra một phần liên quan đến "ngành công nghiệp nhạy cảm", khiến cho công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn.
Trước khi đợt bùng dịch nổ ra và chính thức được công bố vào ngày 20/2, Campuchia chỉ ghi nhận 500 ca nhiễm và không một ca tử vong nào. Nhiều ổ dịch nhỏ, trong đó bao gồm một ổ dịch từng là nơi ghé thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Hungary, nhanh chóng được dập tắt.
Vào ngày 20/2, theo bản tin thời sự của quốc gia này, hai người phụ nữ nhiễm biến chủng Alpha đã tiếp xúc gần với rất nhiều người tại hộp đêm N8, thủ đô Phnom Penh. Cuộc vui này trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm.
Hai người đó là nằm trong số 4 phụ nữ quốc tịch Trung Quốc tới Campuchia từ Dubai, được điều tra xác định là gái mại dâm cao cấp, theo truyền thông địa phương. Nhóm này thừa nhận hối lộ nhân viên bảo vệ tại khách sạn Sokha, Phnom Penh, để họ có thể ra ngoài vào ngày 8/2, trước thời hạn kết thúc 2 tuần cách ly.
4 tháng sau sự việc tại N8, thành công trong công tác chống dịch của Campuchia một lần nữa bị "thổi bay". Quốc gia này ghi nhận 750 ca tử vong có liên quan tới sự kiện ngày 20/2, và hơn 55.000 ca nhiễm được ghi nhận từ các khu chợ, nhà máy may và nhà giam giữ phạm nhân.
Một quan chức y tế gần đây đã đưa ra cảnh báo rằng Campuchia có thể phải đối diện với tình trạng vô cùng khẩn cấp khi số lượng các ca nhiễm không ngừng tăng lên, đồng thời, trong số các lao động nhập cư từ Thái Lan sau khi quay trở lại quốc gia này, nhiều người đã được xét nghiệm dương tính với biến chủng Delta.
Khi các ca nhiễm tăng cao, hệ thống y tế, vốn ít được quan tâm của quốc gia này, có thể sẽ bị đẩy tới giới hạn. Chính phủ Campuchia cho chuyển đổi một trung tâm tiệc cưới lớn thành bệnh viện dã chiến quy mô 1.800 giường. Nhiều cơ sở y tế khác cũng được yêu cầu tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Chính phủ Campuchia cho chuyển đổi một trung tâm tiệc cưới lớn thành bệnh viện dã chiến quy mô 1.800 giường. Ảnh: AFP/Jiji.
Michael Thigpen, chuyên gia dịch tễ học CDC Mỹ đang ở Phnom Penh, cho biết yếu tố then chốt đứng đằng sau làn sóng dịch bệnh này đó chính là chủng virus mới, với tốc độ lây lan nhanh hơn tới 75%.
Campuchia trong tuần trước ghi nhận tới 1.130 ca nhiễm mới chỉ trong một ngày, cao nhất từng được thống kê, và ngày tiếp sau đó có số lượng cao thứ hai. Thigpen cho biết các biện pháp thực hiện bởi chính phủ Campuchia như xét nghiệm diện rộng, truy vết ca nhiễm đã giúp ngăn cản một đợt bùng dịch lớn nổ ra nhưng tình hình hiện tại vẫn khó lường.
"Điểm đáng lưu ý ở đây là chúng ta ghi nhận nhiều ca dương tính tại các khu vực nông thôn", ông cho biết.
Campuchia đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho khoảng 3 triệu người, phần lớn trong số đó là vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine của AstraZeneca, cung cấp theo chương trình hỗ trợ vaccine Liên Hợp Quốc COVAX.
Khoảng 3 triệu người ở Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Ảnh: AFP.
Chiến dịch tiêm chủng của quốc gia này có nhiều điểm đáng khích lệ, Thigpen cho biết. "Đây là điểm thực sự tích cực trong công tác đối phó với dịch bệnh của Campuchia".
Nhật Bản: Không chiến lược
Nhật Bản ban đầu khá thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh thông qua công tác truy vết, nhưng điều đó đi xuống rất nhiều trong nửa cuối năm 2020, theo Kentaro Iwata, giáo sư tại trường Đại học Kobe.
Chính phủ Nhật Bản khởi động nhiều chiến dịch nhằm kích cầu du lịch nội địa, sau đó bị chỉ trích là góp phần khiến dịch bệnh lây lan mạnh hơn.
Thủ đô Tokyo phải ban bố trình trạng khẩn cấp từ ngày 8/1 đến ngày 21/3, và một lần nữa từ ngày 25/4 cho tới ngày 20/6.
"Tình trạng khẩn cấp (được ban bố hồi tháng 1) là quá muộn màng đối với một số khu vực như Tokyo", theo Koji Wada, giáo sư Đại học Quốc tế Y khoa và Phúc lợi Nhật Bản. Giáo sư Iwata cũng bày tỏ quan điểm rằng chính phủ Nhật Bản gỡ bỏ các biện pháp hạn chế quá sớm trong tháng 3, khi số lượng các ca lây nhiễm chưa xuống quá thấp.
"Không có một chiến lược chống dịch nào tại Nhật Bản", bởi quốc gia này chỉ đơn thuần làm những điều mà bất cứ quốc nào cũng làm trước dịch bệnh, Iwata cho biết.
Chính phủ Nhật Bản khởi động nhiều chiến dịch nhằm kích cầu du lịch nội địa, sau đó bị chỉ trích là góp phần khiến dịch bệnh lây lan mạnh hơn. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Trong thời gian tới, mọi người sẽ không tránh khỏi cảm giác lo lắng khi Olympic Tokyo 2020 khai mạc vào ngày 23/7. Việc vẫn tiếp tục tổ chức sự kiện thể thao lớn này vốn không được ủng hộ bởi người dân Nhật Bản với nghi ngại đây sẽ trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm.
Vaccine: Châu Á- Thái Bình Dương 'chót bảng'
Xuyên suốt khu vực châu Á- Thái Bình Dương, các hành động tức thời và quyết đoán đóng vai trò rất lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh từ rất sớm. Điều còn thiếu là chính phủ các quốc gia tại đây chưa thể hiện thực hoá khả năng tiếp cận với lượng lớn vaccine. Thành công, trong nhiều trường hợp, tạo nên tư tưởng chủ quan và ngại rủi ro.
Thành công của Nhật Bản trong giai đoạn đầu chống dịch có thể khiến cho quốc gia này tự mãn khi xem nhẹ vai trò của vaccine. Không giống như tại nhiều quốc gia, vốn đã cấp phép sử dụng khẩn cấp các loại vaccine, hệ thống luật pháp cũng như cơ chế quản lý cứng nhắc tại Nhật Bản khiến cho điều này khó trở thành hiện thực.
Các giai đoạn thử nghiệm vaccine bắt buộc phải được tiến hành tại Nhật Bản, ngay cả đối với các dòng vaccine được sản xuất bởi Pfizer và Moderna, vốn đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
"Họ không sẵn sàng chấp thuận bất cứ một điều gì mới mẻ", theo Ken Ishii, giáo sư khoa học vaccine tại Đại học Tokyo. Những người bị sốt sau khi tiêm vaccine có thể kiện chính phủ hoặc cả những cá nhân có liên quan, ví dụ như các quan chức y tế chuyên trách. Quá trình chấp thuận và phân phối vaccine chắc chắn sẽ có những rủi ro, nhưng không ai muốn bị đổ lỗi cả, Ishii chia sẻ.
Ở một số khu vực khác, chính quyền rất chủ động trong tiếp cận vaccine Covid-19, nhưng người dân lại tỏ ra khá thờ ơ.
Tại Hong Kong, có lẽ là nơi người dân có thể được tiêm vaccine Covid-19 dễ dàng nhất tại châu Á, nhiều người vẫn lưỡng lự có nên tiêm chủng hay không vì họ không tin vào chính quyền, cũng như lo lắng về phản ứng phụ. Một yếu tố cản trở khác là Hong Kong, với dân số 7,5 triệu người, chỉ ghi nhận 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 2 tháng vừa qua.
Tiến sĩ Taweesin Visanuyothin, người phát ngôn của Trung tâm ứng phó dịch bệnh Covid-19 của chính phủ Thái Lan, tháng 2 chia sẻ trong một bản tin ngắn rằng: "Việc vaccine tới sớm hay muộn không có tác động lên cuộc sống của người dân Thái Lan. Vì như chúng ta đã thấy, người dân đã sử dụng khẩu trang, quần áo chống dịch để bảo vệ sức khoẻ của mình".
Thành công của Nhật Bản trong giai đoạn đầu chống dịch có thể khiến cho quốc gia này tự mãn khi xem nhẹ vai trò của vaccine. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Thành công giờ đây còn được quyết định thông qua những nỗ lực mua sắm vaccine từ nước ngoài. Bộ trưởng Tài chính Australia Simon Birmingham hôm 1/7 cho biết nước này phải đối mặt nhiều thử thách về nguồn cung "vì các quốc gia châu Âu và các công ty dược phẩm thường ưu tiên các quốc gia có tỷ lệ ca mắc Covid-19 cao".
Ông kết luận rằng "điều này khiến cho các quốc gia như New Zealand và Australia trở thành các quốc gia cuối cùng nhận được vaccine".
Hiện tại, phần lớn các quốc gia được coi là thành công trong phòng chống dịch bệnh là những quốc gia đi đầu trong tiêm chủng. Tuy nhiên, thành công có thể sản sinh ra sự tự tin thái quá.
Ví dụ, Anh, đứng thứ 48 trên bảng xếp hạng chỉ số hồi phục sau đại dịch Covid-19 của Nikkei COVID-19 Recovery Index, đang phải đối mặt với một làn sóng dịch bệnh mới cho dù đã thành công triển khai chiến dịch tiêm chủng. Nhưng, với tỷ lệ nhập viện thấp, chính phủ Anh tự tin lên kế hoạch gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 vào ngày 19/7, điều mà các chuyên gia y tế lo ngại sẽ khiến số lượng các ca nhiễm bệnh tăng cao.
Đại dịch sẽ vẫn tiếp tục dạy chúng ta một bài học rằng: Lạc quan không phải lúc nào cũng là điều tích cực.
Nguồn NDH Tổng Hợp
0 comments:
Đăng nhận xét