18 thg 7, 2021

Mang danh làm thầy mà gian dối như bà Hằng là nỗi đau cho ngành giáo dục

Chỉ chưa đầy 1 tháng, 2 lãnh đạo ngành giáo dục ở Thanh Hóa, Quảng Ninh đã vướng vòng lao lý.

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa - bà Phạm Thị Hằng (áo vàng) và bà Vũ Liên Oanh (áo sáng) - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh vướng vòng lao lý. Ảnh: Tổng hợp từ Cổng thông tin Bộ Công an và Báo Quảng Ninh.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 16/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 9 đối tượng có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá.

Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh và hồ sơ, tài liệu thu thập được xác định: bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa (nhà thầu) và Công ty Thẩm định giá BTC VALUE thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa trúng 02 gói thầu cung cấp đồ dùng dạy học lớp 1 năm 2020-2021, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Bà Hằng và nhiều cán bộ khác đã bị bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học.

Trong số các bị can có Vũ Liên Oanh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cùng các đồng phạm.

Như vậy, trong thời gian chưa đầy 1 tháng đã có 2 người đã từng đứng đầu ngành giáo dục địa phương và thuộc cấp bị khởi tố, bắt tạm giam.

Thời gian qua, bên cạnh những cán bộ tận tuỵ với công việc, dồn hết tâm trí cho sự phát triển của địa phương thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ ở cơ sở có biểu hiện thoái hoá, biến chất, làm mất niềm tin trong nhân dân và khiến dư luận bất bình.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các thầy cô giáo: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”. (1)

Trong bất kỳ xã hội nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý, được xã hội tôn kính, ngưỡng mộ, biết ơn. Nhưng cũng vô cùng đáng giận nếu những người làm giáo dục không giữ được phẩm giá của mình, vì những đồng tiền, lợi ích vật chất làm tha hóa, biến chất.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Những cán bộ từng đứng đầu ngành giáo dục mà bị bắt vì tiêu cực, trục lợi trong khi công tác là những điều hết sức đau lòng.

Sinh thời, Tổng bí thư Lê Duẩn rất coi trọng nghề dạy học và luôn quan tâm đến xây dựng đội ngũ nhà giáo, khẳng định: 'Quần chúng rất quý trọng giáo giới, coi họ là tinh hoa của dân tộc'.

Những sự việc như ở Quảng Ninh, Thanh Hóa hết sức đau xót, đồng thời cũng là sự cảnh tỉnh cho các địa phương khác.

Như tôi đã phát biểu nhiều lần, trong giai đoạn hiện nay, thách thức lớn nhất, khó khăn lớn nhất là bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân.

Cán bộ đảng viên hư hỏng để nhân dân mất niềm tin thì làm sao mà đoàn kết nhân dân được.

Sẽ càng nguy hiểm hơn khi những người làm nghề giáo những nghề được xã hội trọng vọng lại tự tha hóa, biến chất để tư lợi cá nhân.

Xã hội sẽ có cái nhìn khó có thể thiện cảm được. Các ngành khác tham nhũng, tư lợi, cán bộ thoái hóa đã đáng lên án rồi, cán bộ ngành giáo dục càng đáng lên án hơn.

Bởi giáo dục là giáo dục con người, tư cách, đạo đức của người thầy ảnh hưởng tới nhiều thế hệ học trò, nhiều lớp người khác nhau. Do vậy, đã chọn nghề giáo là phải phấn đấu, rèn luyện không ngừng tư cách phẩm chất đạo đức.

Chính vì thế, sự việc ở Quảng Ninh, Thanh Hóa lại càng hết sức đáng buồn”.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Kinh tế đô thị

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng: “Qua những sự việc tại Thanh Hóa, Quảng Ninh cũng cần phải nhìn nhận về công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ. Khi bổ nhiệm những đồng chí ấy cần có công tác bồi dưỡng, giám sát chặt chẽ, giúp đỡ các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ.

Khi có những biểu hiện lệch lạc cần kịp thời điều chỉnh và có cơ chế điều chỉnh để các đồng chí không sa ngã, không đi quá xa để rồi tạo những hệ lụy đáng buồn trong dư luận như vừa qua.

Thời gian tới, tôi cho rằng cần tiếp tục có sự rà soát và làm nghiêm những vấn đề tương tự như Thanh Hóa, Quảng Ninh để trả lại sự trong sạch hoàn toàn cho ngành giáo dục".

* Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2011, tr.77 - 78.

Nguồn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam


0 comments:

Đăng nhận xét