11 thg 7, 2021

Na Uy thông qua luật cấm đăng ảnh "lừa tình" lên MXH, sống ảo giờ cũng có nguy cơ ngồi tù

Những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội Na Uy bắt buộc phải có chú thích rõ ràng khi hình ảnh của họ trên mạng xã hội đã được chỉnh sửa.


Đầu tháng 7 mới đây, một đạo luật về hoạt động đăng ảnh trên mạng xã hội đã được quốc hội Na Uy thông qua với 72 phiếu ủng hộ và 15 phiếu chống. Đây được xem là một bước đi mới của Na Uy nhằm quản lý và ngăn chặn các bức ảnh bị chỉnh sửa quá đà và tạo ra vẻ đẹp phi thực tế, khiến nhiều người xem có cảm giác bị mặc cảm với ngoại hình của bản thân.

Theo tờ The Independent, những người có sức ảnh hưởng (influencer) trên mạng xã hội Na Uy bắt buộc phải có chú thích rõ ràng khi hình ảnh của họ trên mạng xã hội đã được chỉnh sửa. Quy định mới này được Bộ Gia đình và Trẻ em Na Uy đưa ra để ngăn chặn các tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế và gia tăng tình trạng mặc cảm ngoại hình.


Khi luật được thực thi, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và đang kiếm tiền từ các bài đăng của họ phải gắn nhãn chú thích nếu hình ảnh đã được chỉnh sửa. Cụ thể, nếu họ dùng công cụ chỉnh ảnh để chỉnh sửa các bộ phận trên cơ thể như: kích thước cơ thể, hình dáng, làn da, môi, bắp tay, chân, vòng eo... thì buộc phải gắn thêm nhãn do chính phủ thiết kế vào ảnh với mục đích thông báo cho người xem rằng ảnh đã qua can thiệp của photoshop.


Luật này sẽ tác động trực tiếp tới những quảng cáo có sự tham gia của người nổi tiếng và người có sức ảnh hưởng đồng thời cũng áp dụng cho các bài đăng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, TikTok, Twitter và Snapchat.

Ngoài ra, influencer và người nổi tiếng đăng bài trên các trang mạng xã hội sẽ có nghĩa vụ tuân thủ luật này nếu họ “nhận được bất kỳ khoản thanh toán hoặc lợi ích nào khác” từ các bài đăng.

Các hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải đối mặt với mức tiền phạt cao, những trường hợp nghiêm trọng có thể phải đối mặt với án tù.


Người ta hy vọng rằng việc gắn nhãn "đã qua chỉnh sửa" sẽ tạo ra sự rõ ràng hơn về nơi hình ảnh cơ thể quảng cáo, thậm chí có thể khiến các nhà quảng cáo và người sáng tạo không còn muốn chỉnh sửa ảnh của họ ngay từ đầu. Tuy nhiên, Bộ Gia đình và Trẻ em Na Uy cũng thừa nhận rằng luật có thể khó thực thi vì không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận biết được một hình ảnh đã được chỉnh sửa hay chưa.

Một vấn đề khác được đưa ra là việc điều chỉnh ánh sáng hoặc độ bão hòa trong ảnh có bị coi là vi phạm luật hay không. Mặc dù cả 2 yếu tố đó đều là kỹ thuật phổ biến được sử dụng trong nhiếp ảnh, nhưng đôi khi chúng có thể được sử dụng để làm sáng tông màu da của người mẫu.

Sau khi được thông qua, thời điểm luật mới có hiệu lực sẽ do Quốc vương Na Uy Harald V quyết định - Ảnh minh họa.

Ngoài ra, luật cũng có những hệ lụy không mong muốn, đó là gây áp lực buộc những người có ảnh hưởng phải phẫu thuật thẩm mỹ để duy trì các tiêu chuẩn sắc đẹp cao mà không cần nhờ tác động của các công cụ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, theo nhật báo Na Uy Verdens Gang, luật này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng người có ảnh hưởng của Na Uy. Một số người còn cho rằng, luật mới nên áp dụng cho tất cả người đăng ảnh đã qua chỉnh sửa, thay vì chỉ có người nổi tiếng.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng việc xem hình ảnh của những cô gái xinh đẹp trên mạng làm tăng mong muốn phẫu thuật thẩm mỹ ở phụ nữ từ 18 đến 29 tuổi.

Ở Na Uy, cuộc tranh luận xung quanh "kroppspress", có nghĩa là "áp lực cơ thể", đã và đang diễn ra.

Trong đề xuất sửa đổi gửi tới quốc hội Na Uy, Bộ Gia đình và Trẻ em cho biết: “Biện pháp này hy vọng sẽ có đóng góp hữu ích và đáng kể để hạn chế tác động tiêu cực mà quảng cáo gây ra, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên".

Năm 2017, trang cơ sở dữ liệu hình ảnh Getty Images tuyên bố sẽ cấm chụp ảnh người mẫu đã qua chỉnh sửa. Cùng năm đó, Pháp đưa ra luật yêu cầu các tạp chí phải có thông báo về những hình ảnh đã được chỉnh sửa.

Nguồn: Independent, Vice

Theo Pháp luật và bạn đọc


0 comments:

Đăng nhận xét