31 thg 7, 2021

Phiếu đi chợ thực tế không đơn giản, nhiều người rối

Trong ngày 30-7, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi rơi vào tình trạng quầy kệ trống hàng sớm, đặc biệt là các mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm, hải sản… Nhiều nơi khách xếp hàng chờ 2-3 tiếng vẫn chưa được vào mua sắm.

Cửa hàng Vinmart+ tại quận Bình Thạnh tăng lượng nhập hàng để phục vụ người dân - Ảnh: NG.TRÍ

Nhiều quận huyện trên địa bàn TP.HCM vừa đồng loạt phát phiếu cho người dân đi mua thực phẩm theo ngày chẵn - lẻ, mua sắm theo khung giờ tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... để hạn chế số lượng, tần suất đi lại của người dân.

Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy có tình trạng "chỗ thiếu chỗ thừa" thực phẩm, người dân gặp khó khi đi chợ theo phường, quận.


Nơi hàng hết sớm, nơi dồi dào

Không chỉ hết hàng sớm, thậm chí siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức) còn bất ngờ đóng cửa sớm do lượng người mua sắm quá đông, hàng không đổ về kịp. 

Chị Dương (phường Thạnh Mỹ Lợi) cho biết thẻ đi chợ của khu vực nhà chị chỉ được 2 tiếng (sáng hoặc chiều) vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần. Trong ngày thứ sáu (30-7), do các điểm bán gần nhà đều đông, chị phải sắp hàng mất đến… 2 giờ, nhưng lúc vào được bên trong thì hàng gần như sạch trơn.

"Trong khi đó, phía bên kia đường cùng nằm trên tuyến đường này, các siêu thị có tần suất dày đặc hơn nhưng khách vắng hơn. Tuy nhiên giữa ngã tư của con đường có chốt chặn nên dù cùng phường mà người dân không thể sang bên kia mua sắm", chị Dương cho biết.

Tương tự, bà N.T.Nga cho biết dù đã chạy đến nhiều cửa hàng trong khu vực phường 26, quận Bình Thạnh nhưng vẫn không mua được thịt heo và một số món khác dù vài ngày trước đó nhiều cửa hàng còn thịt ngay cả buổi chiều. "Nếu sang phường khác, có thể mua được thịt heo nhưng do được phát phiếu mua sắm theo phường nên không đi được, đành phải chờ lần đi chợ kế tiếp", bà Nga nói.

Dù không phải điểm bán nào cũng kiểm phiếu đi chợ để đảm bảo người đến mua sắm đúng địa bàn nhưng do có quá nhiều chốt kiểm soát nên người dân mua hàng gặp khó. Các nhà bán lẻ cũng bị quá tải ở những nơi dân cư đông đúc. Một số cửa hàng cho biết đã áp dụng quy định chỉ bán hàng theo từng địa bàn dựa vào phiếu mua hàng do thông báo từ chính quyền nhằm giãn cách.

Theo ghi nhận, nhiều điểm mua sắm như cửa hàng Vissan, siêu thị Co.opmart… đã áp dụng quy định chỉ bán hàng cho người dân đi đúng địa bàn phường yêu cầu trên phiếu. Trong khi đó, việc một số phường, quận chưa thống nhất dùng chung một mẫu phiếu, có địa phương áp dụng tới 4-5 mẫu phiếu khác nhau, khiến các nhà bán lẻ cũng bị rối theo. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng chưa thống nhất với nhau về cách chia ngày giờ hợp lý dẫn đến nhiều thời điểm người dân đổ đi mua sắm cùng một lúc, gây nên tình trạng đông đúc.

Người dân phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức được phát phiếu đi chợ 2 lần/tuần tại điểm siêu thị cố định - Ảnh: HOÀNG AN


Gặp khó do kiểm soát cứng nhắc

Giám đốc kinh doanh một hệ thống bán lẻ thừa nhận đang có những bất cập trong phân chia khu vực cho người dân mua sắm. Có những con đường nằm trên hai địa bàn phường hay quận nhưng người dân sinh hoạt theo thói quen, nơi nào gần hơn sẽ đến mua sắm nơi đó. 

"Các phường, quận nên làm việc với nhau, làm việc với siêu thị để chia lại ngày, giờ đi mua sắm theo phiếu và cấp lại ngày, giờ này cho người dân để đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và nguồn cung hàng hóa", vị này đề xuất.

Nhiều người dân tại quận 11 cho biết được phát phiếu đi chợ nhưng không giới hạn phạm vi mua mà chỉ giới hạn mua theo ngày. Theo một cán bộ Phòng kinh tế quận 11, nếu áp dụng cứng nhắc quy định về phạm vi mua hàng rất dễ xảy ra tình trạng có chỗ thừa nhưng có nơi thiếu thực phẩm, do không phải khu vực nào cũng có chợ hay siêu thị đang hoạt động. 

"Nếu các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn áp dụng quy định chỉ bán cho người dân có phiếu mua hàng theo đúng phạm vi địa lý, chúng tôi sẽ can thiệp giải quyết thỏa đáng", vị này nói.

Đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết đơn vị chủ yếu áp dụng phiếu của chính quyền, còn lại hạn chế việc tự phát phiếu, nếu có chỉ một vài điểm siêu thị phát phiếu để giãn cách khi khách quá đông, còn ổn định sẽ ngưng phát. Về nguyên tắc, hệ thống này không phân biệt đối xử người dân khác phường, khác quận. Những mẫu phiếu được cung cấp chính thức từ quận thường sẽ ưu tiên hơn do phổ biến, có thể truy xuất thông tin khách hàng...

Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết việc tổ chức phát phiếu đi chợ cho người dân nhằm kiểm soát, điều phối số lượng người đến mua sắm theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách vào điểm bán phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng. 

"Tuy nhiên, không nên cứng nhắc trong thực hiện. Nếu cần thiết, cơ quan quản lý địa phương có thể cân nhắc mở rộng khu vực người dân mua hàng trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý về mật độ dân cư, số lượng, năng lực cung ứng của điểm bán, có sự linh động trong lựa chọn các điểm bán tại khu vực cư trú tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm", ông Phương nói.


Sẽ có phiếu mua hàng thiết yếu in mã QR

Sở Công thương TP.HCM vừa có hướng dẫn mới về "phiếu mua hàng thiết yếu" gửi đến UBND các quận huyện, siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống trên địa bàn yêu cầu rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực tại các khu vực. Trên cơ sở đó, chủ động làm việc với siêu thị, cửa hàng để đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng.

Ngoài ra, cần có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân được thuận lợi. Bên cạnh việc phân chia lượt đi chợ cho mỗi hộ dân 2-3 lần trong một tuần, trên phiếu mua hàng thiết yếu cần thực hiện tích hợp mã QR để phục vụ khai báo y tế đối với khách hàng và những người ra vào điểm bán. Trường hợp điểm bán vẫn còn dư thừa năng lực cung ứng, khả năng phục vụ tại địa phương, có thể nghiên cứu, đề xuất cách thức tổ chức phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại khu vực phường hoặc quận lân cận.


Người ở trọ gặp khó với phiếu đi chợ

Nhiều người ở trọ cho biết chưa nhận được phiếu đi chợ hoặc khu trọ có hàng chục, hàng trăm người nhưng chỉ nhận được vài phiếu. Anh Xuân Trường (quê Quảng Bình) cho biết khu trọ tại phường An Phú Đông (quận 12) có gần 100 phòng trọ, nhưng chỉ được phát 5 phiếu. Sau khi đi mua hàng, phiếu bị thu giữ nên nhiều người muốn đi chợ cũng không được.

Sau khi phản hồi, chủ trọ cho biết phường chỉ phát số lượng phiếu như vậy nên người thuê trọ đành phải chấp nhận, san sẻ lương thực cho nhau. "Những phòng không có phiếu đành đi mua mì gói hoặc nhu yếu phẩm gần nhà, không thể ra chợ hay các siêu thị", anh Trường nói.

Cùng ngụ phường An Phú Đông, anh Trần Nhật Linh (quê Gia Lai) cho biết dãy trọ 20 phòng nhưng chỉ nhận được 2 phiếu mua thực phẩm. Anh Linh đã sử dụng một phiếu đi mua thực phẩm và đã bị siêu thị thu lại, cả dãy trọ chỉ còn một phiếu cho khoảng 40 nhân khẩu. Sau khi liên lạc với đường dây nóng của phường, anh được hướng dẫn liên hệ với tổ dân phố nhưng vẫn chưa được bổ sung phiếu.

Trong khi đó, sinh viên Nguyễn Hoàng An (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) cho biết đến ngày 29-7 nữ sinh này vẫn chưa nhận được phiếu đi mua thực phẩm, chủ nhà trọ cũng đã về quê tránh dịch nên người thuê trọ tự... kiếm cách xoay xở. Tương tự, nữ sinh Lê Ngọc Thùy Linh (phường 3, Gò Vấp) cũng chưa nhận được phiếu đi chợ nên không thể ra ngoài mua thực phẩm.

N.HIỂN

Nguồn TTO


0 comments:

Đăng nhận xét