Sáng nay 24-7, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 3.991 ca mắc COVID-19 mới. Đáng chú ý, tổng số ca được điều trị khỏi đến nay đã là 15.530 ca. Từ 6h sáng nay 24-7, toàn TP Hà Nội thực hiện giãn cách theo nguyên tắc chỉ thị 16.
Người cao tuổi được các bác sĩ khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG
Cũng trong bản tin sáng nay, Sở Y tế tỉnh Long An đăng ký bổ sung 1.288 ca bệnh trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19. Đây là các ca bệnh đã được phát hiện từ ngày 14 đến 22-7 tại các khu cách ly và khu phong tỏa.
Tính đến sáng 24-7, Việt Nam có tổng cộng 86.957 ca mắc, trong đó có 2.145 ca nhập cảnh và 84.812 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 83.242 ca, trong đó có 12.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Trong ngày có trên 67.170 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 4.478.760 liều, trong đó tiêm 1 mũi là gần 4.125.160 liều, tiêm mũi 2 là trên 353.600 liều.
Bộ Y tế cho biết ngày 23-7 đã tiếp nhận 150.000 hộp thuốc từ Công ty AstraZeneca nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm trong dịch COVID-19.
Bộ Y tế cũng có công văn gửi các sở y tế về việc sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn cần rà soát, củng cố lại các điều kiện về nhân lực, thuốc, thiết bị y tế, cơ sở vật chất để phòng chống dịch COVID-19.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tháng 8 nộp hồ sơ đăng ký Nano Covax
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng COVID-19, đã chủ trì cuộc họp rà soát các hồ sơ, dữ liệu, kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và xem xét đề xuất của nhà sản xuất đối với vắc xin Nano Covax phòng COVID-19.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Công ty Nanogen cho hay đến nay, vắc xin Nano Covax đã tiêm thử nghiệm lâm sàng trên 13.620 tình nguyện viên. Trong đó, 60 người thuộc giai đoạn 1; 560 người thuộc giai đoạn 2 và 13.000 người giai đoạn 3.
Trong giai đoạn 3, có 1.004 người tiêm đủ 2 liều. Ngày 23-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin nội địa.
Tại đây, Bộ Y tế cho biết đã chỉ đạo và cử nhóm chuyên gia trong nước kết hợp cùng chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới - WHO - đến hỗ trợ cho nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng Nano Covax (Viện Pasteur TPHCM - Học viện Quân y) hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các kết quả xét nghiệm tính sinh miễn dịch, hoàn thiện hồ sơ báo cáo và hồ sơ đăng ký để đệ trình các hội đồng xem xét thẩm định.
Dự kiến tháng 8 tới sẽ có kết quả ban đầu của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và đệ trình hồ sơ đăng ký lên Bộ Y tế.
Trước đó, tối muộn 23-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ra chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP để phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24-7 trên phạm vi toàn TP theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; TP cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Chợ và siêu thị vẫn hoạt động, Hà Nội cho biết cũng đã chuẩn bị sẵn để đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân trong 15 ngày giãn cách xã hội.
Tại TP.HCM, từ ngày 23-7, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM phối hợp Sở Y tế triển khai "Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống bệnh COVID-19" thông qua cổng thông tin 1022 (nhấn phím 3), thời gian: tất cả các ngày trong tuần, sáng từ 8-10h, chiều từ 14-16h, tối từ 19-21h.
Tổng đài này sẽ tư vấn, giải đáp các thắc mắc của người dân về cách xử trí khi bản thân hoặc người nhà mắc COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; cách chăm sóc sức khỏe khi mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với F0.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi di chuyển về nhà cho người dân sau khi kết thúc cách ly hoặc xuất viện sau khi điều trị COVID-19, TP đã đề xuất 2 phương án vận chuyển do người dân tự chi trả phí, một là vận chuyển bằng taxi, hai là xe hợp đồng do Bộ tư lệnh TP và các địa phương làm đầu mối ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP sẽ cấp phép hoạt động cho phương tiện (mã nhận diện) theo đề nghị của các đơn vị vận tải có xác nhận của đầu mối ký hợp đồng.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét