Sáng nay 29-7, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận thêm 2.821 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM 1.715 ca. Vài ngày gần đây, tiến độ tiêm chủng có tăng hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Tiêm vắc xin Moderna cho người dân trên 65 tuổi tại Viện Y dược học dân tộc, quận Phú Nhuận, TP.HCM chiều 28-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo đó, tại TP.HCM ghi nhận 1.715 ca, Bình Dương (406), Long An (179), Đồng Nai (159), Tây Ninh (139), Bà Rịa - Vũng Tàu (52), Đắk Lắk (37), Vĩnh Long (31), Khánh Hòa (18), Kiên Giang (18), Phú Yên (15), Đồng Tháp (15), An Giang (10), Hậu Giang (8 ), Cần Thơ (6), Nghệ An (4), Bình Định (3), Bạc Liêu (2), Đắk Nông (2), Lạng Sơn (1), Hà Nội (1), trong đó có 587 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng 29-7, Việt Nam có 123.640 ca mắc, trong đó có 2.207 ca nhập cảnh và 121.433 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 119.863 ca, trong đó có 24.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 5/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.
Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Ngày 28-7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn đầu kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Tại Đồng Nai, ông Thuấn đã yêu cầu tuân thủ chiến lược điều trị "tháp 3 tầng", phân loại người bệnh nặng - nhẹ theo các tầng tương ứng. Đồng Nai hiện có 4.280 giường điều trị bệnh nhân COVID-19, sắp triển khai thêm 2.000 giường, trong khi đã có trên 3.000 ca mắc.
Tại TP.HCM thành lập thêm 4 bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, với tổng số 10.400 giường.
Đến nay, toàn thành phố hiện có 37 bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với công suất khoảng 55.000 giường bệnh được chia thành 5 tầng tháp với vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Ngày 28-7, Bệnh viện dã chiến số 16 của TP chính thức đi vào hoạt động với quy mô gần 3.000 giường sau 20 ngày xây dựng.
Trong ngày đầu tiên, bệnh viện có gần 700 giường, hai ngày tới sẽ nhận bàn giao tiếp 500 giường, số giường còn lại hoàn thành vào đầu tháng 8-2021.
Trong ngày 28-7 có trên 307.270 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 5.321.840 liều, trong đó tiêm 1 mũi là gần 4.825.210 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều.
Đây là ngày có số người được tiêm chủng lớn nhất kể từ đầu tháng 7 và một trong số ngày có số người được tiêm lớn nhất kể từ tháng 3-2021 khi Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Cập nhật mới nhất về số liệu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khắp thế giới cho thấy số đã tiêm tại Việt Nam đạt hơn 5,5% dân số, chỉ cao hơn các quốc gia châu Phi, Afghanistan, Bangladesh... So với các quốc gia lân cận, tỉ lệ người dân đã tiêm ở Việt Nam thấp hơn Campuchia (hiện hơn 40%), Thái Lan (hơn 17%), Indonesia (gần 17%)...
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, TP sẽ triển khai tiêm vắc xin cho người dân sau 18h, đơn giản hóa quy trình cũng như lực lượng tham gia đội hình tiêm vắc xin.
Theo đó, mỗi phường sẽ tổ chức 2 điểm tiêm cho người dân, trường hợp những người lớn tuổi sẽ được tiêm tại bệnh viện. Đồng thời, TP sẽ quy định về đặc điểm nhận diện của người đi tiêm và lực lượng tham gia tiêm vắc xin để các lực lượng trực chốt có thể kiểm soát.
Ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đến 16h chiều 28-7, TP đã tiêm vắc xin cho 300.000 người trong đợt tiêm chủng đang tiến hành. Tốc độ tiêm vắc xin đã dần nâng lên, ngày 28-7 đã tiêm được 70.000 người/ngày. Với tốc độ này, việc tiêm chủng dự kiến hoàn thành trong 2-3 tuần.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét