30 thg 7, 2021

Sáng 30-7: Cả nước thêm 4.992 ca mới, F0 nào tại TP.HCM sẽ được chăm sóc tại nhà?

Sáng 30-7, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận thêm 4.992 ca mắc COVID-19, trong đó TP.HCM 2.740 ca. Trong cuộc làm việc với TP.HCM hôm qua 29-7, Bộ Y tế đã điều các bệnh viện hạng đặc biệt thiết lập khẩn cấp 3 trung tâm hồi sức tại TP.HCM.

Tiêm vắc xin Moderna cho người dân trên 65 tuổi tại Bệnh viện quận Tân Bình, TP.HCM sáng 29-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bản tin 6h ngày 30-7 của Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.992 ca mắc mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 4.987 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (2.740), Bình Dương (1.284), Tiền Giang (242), Đồng Nai (203), Đồng Tháp (90), Tây Ninh (88), Bến Tre (79), Khánh Hòa (78), Hà Nội (63), Cần Thơ (23), Long An (21), Phú Yên (17), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Vĩnh Long (15), Thái Nguyên (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (1), trong đó có 987 ca trong cộng đồng.

Tính đến sáng ngày 30-7, Việt Nam có 133.405 ca mắc, trong đó có 2.213 ca nhập cảnh và 131.192 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 129.622 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

Trong ngày 29-7 có trên 208.040 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 5.529.900 liều, trong đó tiêm 1 mũi là gần 4.983.500 liều, tiêm mũi 2 là trên 546.400 liều.

Về vấn đề rất đáng quan tâm là cách ly F0 tại nhà, TP.HCM vừa ban hành "Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc COVID-19 tại nhà". Theo đó, sẽ có 2 trường hợp F0 được chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Bao gồm trường hợp 1 là những F0 không triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp tục.

Trường hợp 2 là những F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Trong cuộc làm việc với Thành ủy, UBND TP.HCM ngày 29-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết cuộc chiến đấu với dịch lần này tại TP.HCM "là cuộc chiến chống dịch nặng nề nhất, chưa có tiền lệ tại Việt Nam". Bộ trưởng Long nói đã giao 10 bệnh viện trung ương thiết lập thêm 2.000 giường hồi sức tại TP.

Bộ Y tế cũng cho biết quan điểm cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng lên mức cao nhất. Tại TP.HCM hiện có 650 đội tiêm, do đang thực hiện giãn cách nên những ngày gần đây tiêm được 70.000 - 80.000 liều tiêm/ngày.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị TP.HCM tổ chức nhiều điểm tiêm nhỏ, tổ chức tiêm chủng cho tất cả những người 18 tuổi trở lên, huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm chủng, mục tiêu cuối tháng 8 tiêm được mũi 1 cho 70% dân số của TP.

8 tỉnh thành ghi nhận thêm 159 ca tử vong do COVID-19 mới trong thời gian từ ngày 27 đến 29-7.

+ Tại TP.HCM từ ngày 27 đến 29-7: 132 ca

+ Tại tỉnh Long An từ ngày 27 đến 29-7: 9 ca

+ Tại tỉnh Đồng Tháp từ ngày 27 đến 28-7: 6 ca

+ Tại TP Đà Nẵng từ ngày 27 đến 28-7: 3 ca

+ Tại TP Hà Nội ngày 28-7: 1 ca

+ Tại tỉnh Khánh Hòa ngày 27-7: 3 ca

+ Tại tỉnh Đồng Nai từ ngày 27 đến 29-7: 4 ca

+ Tại tỉnh Vĩnh Long ngày 27-7: 1 ca

Như vậy, tổng số ca tử vong cả nước từ đầu mùa dịch đến nay là 1.022 người, phần lớn từ đầu tháng 6 đến nay.

Tại các bệnh viện, Bộ Y tế cho biết số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU (hồi sức tích cực) là 346 ca, trong đó có 19 người nguy kịch, đang điều trị ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo).

Đồ họa: NGỌC THÀNH


Lập thêm 3 Trung tâm hồi sức tích cực ở TP.HCM

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 29-7 cho biết sẽ lập 3 Trung tâm hồi sức tích cực ở TP.HCM mới để cứu chữa bệnh nhân COVID-19 nặng.

Theo đó, 3 bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Việt - Đức và Trung ương Huế được giao phối hợp với các bệnh viện trung ương khác đảm nhận thiết lập và vận hành 3 trung tâm này. TP.HCM sẽ đảm trách công tác hậu cần để 3 trung tâm vận hành hiệu quả.

Cụ thể, Bệnh viện Việt Đức được giao phụ trách Bệnh viện hồi sức COVID-19 trên địa bàn TP Thủ Đức với quy mô 500 giường, ngay chiều 28-7 êkip gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt - Đức đã vào TP.HCM, chuẩn bị sẵn 30% nhân lực của bệnh viện sẵn sàng đảm nhiệm nhiệm vụ tại TP.HCM.

Bệnh viện Bạch Mai phụ trách Trung tâm hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 ở quận 7 với quy mô 500 giường, chiều 29-7, đoàn Bệnh viện Bạch Mai gồm 21 chuyên gia hồi sức tích cực, cấp cứu giàu kinh nghiệm đã đến TP.HCM.

Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13 với quy mô 500 giường. Các bệnh viện Lão khoa, E, K, Phổi trung ương được giao nhiệm vụ chung sức sẵn sàng thiết lập thêm 1 trung tâm hồi sức khi cần.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét