Chế độ của Muammar Gaddafi từ đầu những năm 1970 đã mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Gaddafi đã tiến hành đàm phán với Liên Xô, đưa ra số tiền khổng lồ để chuyển giao công nghệ nguyên tử.
Đại tá Muammar Gaddafi
Đại tá Gaddafi khao khát bom nguyên tử
Chế độ của Muammar Gaddafi từ đầu những năm 1970 đã mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Với mục đích đó, người đứng đầu nhà nước Arab Libya Jamahiria đã tiến hành đàm phán với Liên Xô, đưa ra số tiền khổng lồ để chuyển giao công nghệ nguyên tử.
Đại tá Gaddafi khao khát vị thế dẫn đầu trong các quốc gia Arab và châu Phi, tuy nhiên ở đất nước dân cư ít như Libya không có các lá “át chủ bài” đặc biệt để làm điều này. Một nguyên nhân nữa khiến chính quyền Tripoli quan tâm đến vũ khí hạt nhân nằm trong những lời khoa trương “chống chủ nghĩa đế quốc” của chế độ Libya.
Vì những phát biểu chỉ trích toàn thế giới, Gaddafi đã có nguy cơ bị cô lập chính trị hoàn toàn ở bất cứ thời điểm nào. Trong chính sách đối ngoại, Libya duy trì đường lối đối đầu gay gắt với Israel, truyền thống đối với các quốc gia Arab.
Bởi vậy, khi nước láng giềng Ai Cập ký với nhà nước Do Thái hiệp ước hoà bình, viễn cảnh xung đột “một mất một còn” với Israel đã xuất hiện trước mắt Gaddafi. Trong những điều kiện này, bom nguyên tử là sự đảm bảo an ninh cho nhà lãnh đạo Libya. Thất bại trong ý định mua vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, “lãnh tụ cách mạng” đã đặt hy vọng vào Liên Xô, quốc gia sẵn sàng chia sẻ công nghệ hạt nhân với các đồng minh của mình. Chính nhờ sự trợ giúp của Liên Xô, năm 1957 Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia hạt nhân.
Các cuộc đàm phán để mua lò phản ứng hạt nhân của đại tá Gaddafi với Liên Xô kéo dài nhiều năm nhưng bất thành (Ảnh: Tư liệu).
Đàm phán với Moscow
Các cuộc đàm phán của đại tá Gaddafi với Liên Xô kéo dài nhiều năm. Khác với những năm 1950, tình hình thế giới thay đổi quá nhiều để Liên Xô có thể giao phó vũ khí giết người hàng loạt cho các đồng minh tin cậy nhất về tư tưởng. Libya Xã hội chủ nghĩa Jamahiria rõ ràng không thuộc số các đối tác đáng tin cậy.
Hệ thống thiết chế xã hội nhà nước, do Muammar Gaddafi thành lập, xa cách với chủ nghĩa Mác-Lênin, nó giống với các dự án chủ nghĩa cộng sản vô chính phủ của ông hoàng Kropotkin nhiều hơn. Ngoài ra, năm 1969 Liên Xô đã phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bởi thế, Gaddafi lên kế hoạch không mua chính vũ khí hạt nhân, mà mua những công nghệ chủ chốt cần thiết để chế tạo nó. Vào giữa những năm 1970, ông đề nghị Moscow bán cho ông lò phản ứng nước nặng, có khả năng chế tạo plutonium cho sản xuất vũ khí. Theo một số tài liệu, đại tá sẵn sàng trả 10 tỉ USD cho việc xây dựng chu trình nhiên liệu hạt nhân khép kín. Trong năm 1977 nhân vật thứ hai sau Gaddafi trong ban lãnh đạo Libya, Abdel Sallam Jellud, đã tới Liên Xô để đàm phán.
Như nhà sử học Elena Geleskul khẳng định, hợp đồng hạt nhân với Tripoli đã được các quan chức Bộ chế tạo máy tầm trung (Bộ nguyên tử) và đích thân phó thủ tướng Nicolai Tikhonov tán thành. Tuy nhiên, bộ trưởng ngoại giao Andrei Gromưco đã chặn việc này vì lo ngại rằng khi nhận được vũ khí hạt nhân, Gaddafi sẽ can thiệp vào cuộc phiêu lưu tiếp theo ở Trung Đông.
Muammar Gaddafi tìm kiếm sự ủng hộ của Hoa Kỳ (Ảnh: Tư liệu)
Sự giúp đỡ của Liên Xô
Liên Xô dù sao cũng đồng ý giúp đỡ chương trình hạt nhân “hoà bình” của Libya, dù theo nhận xét của các chuyên viên CIA, người Nga đã đề nghị “giá cắt cổ” cho những dịch vụ của mình.
Trong năm 1977 Liên Xô đồng ý xây dựng, cung cấp và đào tạo nhân lực để quản lý cơ sở trị giá nhiều triệu USD – Trung tâm nghiên cứu hạt nhân ở Tajur, cách Tripoli 30 km; theo báo cáo của tình báo Mỹ năm 1983. Việc xây dựng trung tâm Tajur, trong đó có lò phản ứng nghiên cứu nhỏ do Liên Xô xây dựng với công suất 5- 10 MW, được bắt đầu từ năm 1977, nhưng các yếu tố chính trị đã kìm hãm việc xây dựng trung tâm đến cuối năm 1982.
Lò phản ứng nước nhẹ ở Tajur bắt đầu hoạt động vào năm 1981. Các chuyên gia Liên Xô thường xuyên có mặt tại trung tâm hạt nhân để có khả năng kiểm soát việc sử dụng uranium. Ngoài ra, Moscow còn đòi Libya phê chuẩn hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, dù đối với Gaddafi đó chỉ là bình phong.
Dự án khác của việc hợp tác Liên Xô- Libya - xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở vùng Sirta- đã không thành hiện thực vì việc thay đổi chính sách đối ngoại của Liên Xô trong thời kỳ cải tổ.
Cần thấy rằng, không chỉ Liên Xô giúp đỡ chương trình hạt nhân của Libya. Các nước như Pháp, Bỉ, Phần Lan, Argentina, Ấn Độ đã đồng ý hợp tác với Gaddafi. “Cha đẻ của bom nguyên tử Pakistan” Abdul Qadeer Khan đã giúp đỡ nhiều cho người Libya.
Thế là, sau hơn 30 năm Gaddafi đã không có được bom nguyên tử. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy rằng những lo sợ của nhà độc tài, bắt ông phải tiêu tốn hàng tỷ đô la cho dự án hạt nhân, không phải là vô căn cứ. Sau khi chính thức từ bỏ việc chế tạo vũ khí hạt nhân năm 2003, như đã biết, chế độ Gaddafi còn tiếp tục được 8 năm và kết quả đã bị lật đổ bởi những người nổi dậy được các nước NATO ủng hộ quân sự.
Nguồn Vietnamnet
0 comments:
Đăng nhận xét