Mỗi vận động viên của các đội tuyển quốc gia dự Olympic nhận mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng chưa kể tiền ăn.
Hiện nay, các vận động viên và huấn luyện viên đang nhận chế độ tiền công theo nghị định 152 của Chính phủ. Cụ thể, huấn luyện viên trưởng các đội tuyển quốc gia nhận lương 505.000 đồng/người/ngày, huấn luyện viên là 375.000 đồng/người/ngày. Các vận động viên đội tuyển quốc gia nhận 270.000 đồng/người/ngày, còn đội tuyển trẻ quốc gia nhận 215.000 đồng/người/ngày.
Theo thông tư 86 của Bộ Tài chính, từ 1.1.2021, tiền ăn của các vận động viên đội tuyển quốc gia và đội trẻ quốc gia được hưởng là 320.000 đồng/người/ngày. Với các vận động viên được ngành thể thao đầu tư trọng điểm, số tiền ăn và tiền công có thể tăng lên đến khoảng 1 triệu đồng/người/ngày.
Tay vợt Thuỳ Linh nhận thưởng “nóng” ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: VPF
Thực tế, vận động viên chỉ nhận tiền công tập, còn số tiền ăn đã trừ vào các suất ăn hàng ngày của mỗi vận động viên. Vì thế, số tiền lương mà mỗi vận động viên nhận được là khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Để các vận động viên có thêm chế độ, họ phải trông chờ vào tiền thưởng khi có thành tích ở các giải đấu quốc tế. Theo Nghị định 152 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 24.12.2018, vận động viên giành Olympic được thưởng tối đa lên tới 490 triệu đồng (trong số này có 350 triệu đồng cho huy chương vàng và 140 triệu đồng cho thành tích phá kỷ lục Thế vận hội). Vận động viên giành huy chương bạc Olympic nhận thưởng 220 triệu đồng và huy chương đồng là 140 triệu đồng.
Tại đấu trường ASIAD, vận động viên giành huy chương vàng nhận 140 triệu đồng, huy chương bạc nhận 80 triệu đồng và huy chương đồng nhận 55 triệu đồng. Còn tại SEA Games, mỗi huy chương vàng được thưởng 45 triệu đồng, huy chương bạc là 25 triệu đồng và huy chương đồng là 20 triệu đồng.
Ngoài ra, các vận động viên có thành tích ở mỗi giải quốc tế có thể được nhận thêm các các khoản thưởng "nóng" bằng tiền và hiện vật đến từ các nhà tài trợ. Bên cạnh đó, các vận động viên có thành tích sẽ kiếm được những bản hợp đồng quảng cáo giá trị. Tuy nhiên, nếu không có thành tích thì các vận động viên cũng thất thu.
Bên cạnh việc trông chờ vào thành tích, các vận động viên có thể nhận thêm chế độ ở mỗi liên đoàn, bộ môn nếu như việc kêu gọi tài trợ và huy động nguồn lực đầu tư xã hội hoá tốt. Hiện tại, ngành thể thao mới chỉ có Liên đoàn bóng đá Việt Nam đang huy động các nguồn lực xã hội hoá tốt nhất. Lợi thế chính là việc bóng đá là môn thể thao nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội.
Thậm chí, đơn vị này còn huy động cả nguồn lực xã hội trả những mức lương khổng lồ cho huấn luyện viên Park Hang-seo và đội ngũ trợ lý người Hàn Quốc.
Hoàng Thị Duyên là vận động tiên xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: AFP
Đoàn thể thao Việt Nam đang đứng trước một kỳ Olympic không huy chương. Một số vận động viên vẫn được nhận các khoản thưởng "nóng" từ nhà tài trợ khi có những chiến thắng. Dù mức thưởng không quá cao nhưng đó là nguồn động viên lớn.
Những vận động viên lần lượt chia tay Olympic Tokyo với những thành tích không như kỳ vọng. Bản thân họ đã nỗ lực hết sức, thế nhưng sân chơi Olympic vẫn là khoảng cách mênh mông với thể thao Việt Nam.
Những vận động viên Việt Nam lúc này cần nhiều hơn những sự sẻ chia thay vì chỉ trích, bởi thất bại ở Olympic không phải điều bất ngờ.
Mỗi vận động viên thể thao thành tích cao với họ cũng là việc lựa chọn một nghề nghiệp mà bản thân cũng phải trả giá bằng cả mồ hôi, nước mắt và những chấn thương luôn rình rập.
Một bức tranh chung của thể thao Việt Nam, đa phần những vận động viên đều có xuất thân từ nông thôn, miền núi, từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đó là chưa kể, sau khi giải nghệ, nhiều người còn không thể tìm kiếm được nghề nghiệp ổn định để mưu sinh.
Với mức lương 7 triệu đồng/tháng, nếu các vận động viên không có các nguồn thu khác, sẽ khó có thể duy trì được sự nghiệp đỉnh cao.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét