Hãng hàng không quốc gia dự kiến phát hành 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong quý III-IV. 8.000 tỷ đồng huy động dự kiến dùng 2.050 tỷ đồng để trả nợ vay đến hạn cho các ngân hàng; 3.950 tỷ đồng thanh toán cho các đối tác và nhà cung cấp; còn lại để bổ sung vốn lưu động.
Vietnam Airlines (HoSE: HVN) dự kiến chào bán 800 triệu cổ phần HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong quý III-IV năm nay.
Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu HVN theo phương thức chuyển giao quyền mua. Cổ đông được chuyển nhượng quyền mua 1 lần và chỉ được chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân trong nước.
Với 8.000 tỷ đồng huy động từ đợt chào bán này, hãng hàng không dự kiến dùng 2.050 tỷ đồng trong năm nay để trả nợ vay đến hạn cho các tổ chức tín dụng; 3.950 tỷ đồng để thanh toán nợ quá hạn và nợ đến hạn cho các đối tác và nhà cung cấp vào quý IV và năm 2022 theo tiến độ thanh toán. Phần tiền còn lại là 2.000 tỷ đồng dự kiến bổ sung vốn lưu động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như trả lương, thuế, hoàn vé, các khoản thanh toán không vay được ngân hàng, các khoản trả nợ vay đến hạn trong năm 2022.
Tính đến 30/6, tổng vay nợ tài chính của Vietnam Airlines là gần 30.063 tỷ đồng, trong đó ngắn hạn là 14.031 tỷ đồng, dài hạn là 26.032 tỷ đồng. Vietcombank là đối tác tín dụng lớn nhất, với 3.087 tỷ đồng cho vay ngắn hạn và 4.770 tỷ đồng cho vay dài hạn; tiếp theo là ING và Citibank cung cấp các khoản nợ thuê tài chính dài hạn với lần lượt là 7.447 tỷ đồng và 5.689 tỷ đồng.
Vietnam Airlines không có nợ vay quá hạn tại các tổ chức tín dụng. Các khoản nợ đến hạn của Vietnam Airlines tại 7 ngân hàng có tổng giá trị 2.053 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là các khoản vay nội tệ tại Vietcombank (1.128 tỷ đồng), BIDV (236 tỷ đồng), SeABank (400 tỷ đồng), bên cạnh các khoản nợ thuê tài chính USD tại JP Morgan, Citibank và ING.
Danh sách các khoản nợ đến hạn. Nguồn: HVN
Tuy nhiên, các khoản công nợ quá hạn của các đối tác, nhà cung cấp là 13.337,7 tỷ đồng. Riêng tiền thuê máy bay đã chiếm hơn 53%, ở mức 7.099,4 tỷ đồng. Nhiên liệu, sửa chữa bảo dưỡng động cơ, phụ tùng vật tư là gần 4.022 tỷ đồng; dịch vụ chuyến bay, dịch vụ hàng không 1.848 tỷ đồng; còn lại gần 369 tỷ đồng công nợ các dịch vụ khác.
Danh sách các khoản công nợ quá hạn. Nguồn: HVN.
Tổng số nợ quá hạn này bao gồm nợ quá hạn của các hóa đơn từ 1 – trên 12 tháng (phát sinh từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19 trong năm 2020), tỷ trọng nợ quá hạn chủ yếu nằm trong nhóm nợ từ 1-6 tháng (chiếm 75% tổng số nợ quá hạn).
Vietnam Airlines cho biết giãn hoãn 12.135,5 tỷ đồng và đàm phán, thỏa thuận giãn hoãn 1.202,2 tỷ đồng. Hãng cho biết hiện đang tiếp tục đàm phán tăng tỷ lệ giãn hoãn đối với các đối tác, đồng thời cân đối từ các nguồn để thanh toán số nợ chủ động với nguyên tắc thanh toán dần các khoản nợ cũ để rút ngắn thời gian nợ với các đối tác.
Như vậy, tổng nợ vay các tổ chức tín dụng, các đối tác và nhà cung cấp đến và quá hạn lên đến 15.390,7 tỷ đồng. Trong trường hợp không thu đủ số tiền theo dự kiến, Vietnam Airlines sẽ tìm kiếm các nguồn bổ sung khác để đảm bảo huy động đủ vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh kế hoạch tăng vốn 8.000 tỷ đồng, đầu tháng 7 vừa qua, hãng hàng không đã ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Việc cho vay tái cấp vốn và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020, giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng.
Trong năm nay, Vietnam Airlines cũng tiếp tục đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng tiếp các chính sách về khấu hao tài sản và phân bổ chi phí theo đề xuất. Tổng công ty cũng đặt mục tiêu tiết kiệm 6.800 tỷ đồng từ các giải pháp tự thân, trong đó lớn nhất đến từ kế hoạch đàm phán với các nhà cung ứng, các đối tác cho thuê tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng… Qua đó, chi phí cắt giảm kỳ vọng đạt trên 10.000 - 10.800 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm 11,6% so với thực hiện năm trước. Lỗ sau thuế là 14.526 tỷ đồng, trong đó phần lỗ thuộc về cổ công ty mẹ là 12.908 tỷ đồng.
Mục tiêu này được xây dựng trên giả định: Bán 11 tàu A321; Chính phủ cho phép triển khai mở cửa cho khách du lịch đến Phú Quốc, áp dụng thí điểm hộ chiếu vaccine; Cải thiện doanh thu trung bình trên các chuyến bay nội địa; Khai thác chuyến bay hàng hóa, hồi hương, bán combo cách ly tự nguyện; Hoàn thành mục tiêu đàm phán đối tác thuê mua tàu bay, cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng (SCBD) tàu bay, động cơ, các giải pháp cắt giảm chi phí tự thân năm 2021; Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về chi phí hạ cất cánh, điều hành bay, thuế bảo vệ môi trường, điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo đề xuất, các loại thuế phí khác; Hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Nguồn NDH
0 comments:
Đăng nhận xét