Trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, không ít người dân lo lắng cho sức khỏe đã tìm mua các loại test nhanh Covid-19, hoặc đi xét nghiệm để chủ động phòng ngừa đồng thời làm “giấy thông hành”.
Xếp hàng chờ vào xét nghiệm trước cổng Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TPHCM. Ảnh: MINH NGHĨA
Đổ xô đi xét nghiệm
Việc nhiều địa phương vẫn yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 khi đi qua địa bàn đã gây ra thủ tục rườm rà, mất thời gian và tốn kém chi phí cho người dân. Và giấy thông hành đã tạo cơ hội cho dịch vụ xét nghiệm Covid-19 nở rộ.
Vừa bước ra khỏi Phòng khám đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn (quận Tân Bình), cầm trên tay giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính, anh Nguyễn Quốc Dương (ngụ TPHCM) cho biết: “Tôi là tài xế xe tải chở hàng liên tỉnh nên cần giấy xét nghiệm Covid-19. Từ 7 giờ sáng phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi xét nghiệm. Khi đến Bệnh viện Quân y 7A (quận 5) thì họ thông báo ở đây không có xét nghiệm nhanh và nếu làm nhanh nhất phải ngày hôm sau mới trả kết quả, do đó, tôi tìm đến Phòng khám đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn dù có đi hơi xa”.
Tương tự, anh Nguyễn Tấn Sơn (ngụ TP Thủ Đức) trần tình: “Do một số chốt kiểm soát ở các cửa ngõ yêu cầu giấy xét nghiêm âm tính Covid-19 mới được qua nên tôi đi tìm chỗ xét nghiệm. Tới mấy bệnh viện, nơi yêu cầu phải đặt online trước, chỗ thì lượng người chờ xét nghiệm quá đông”. Mất gần nửa ngày, anh Sơn mới tìm được chỗ xét nghiệm, kịp thời có kết quả để nhận hàng chở đi các tỉnh miền Tây phân phối.
Trước cổng Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TPHCM (quận Tân Bình) là hình ảnh hàng dài người ngồi vật vờ trên ghế đợi vào xét nghiệm nhanh Covid-19. Trong số này có anh Văn Thanh Trương và anh Văn Tấn Bảy (đều ngụ quận 12), đang cần giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Hai anh cho biết đều là thợ xây công trình, công ty yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính thì mới bố trí cho làm việc, ăn ở tại chỗ. “Nhiều thợ xây khác đến đây từ sáng sớm, nhưng phải chờ gần 4 giờ mới được trả kết quả, dù là xét nghiệm nhanh”, anh Trương cho biết. Còn tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5), để tránh tập trung đông người, ai có nhu cầu xét nghiệm buộc phải điện thoại qua đường dây nóng hoặc đăng ký online, sẽ được sắp xếp lịch giờ cụ thể. Tại Trung tâm Y khoa Medic, đường Hòa Hảo (quận 10), nhiều người dân cũng phải chờ đợi xét nghiệm Covid-19, nhân viên của trung tâm liên tục thông báo là đã nhận đủ số lượng, muốn xét nghiệm thì ngày mai quay lại...
Thả nổi giá
Cùng với nhu cầu xét nghiệm lớn, tình trạng giá xét nghiệm cũng “loạn” vì mỗi nơi mỗi khác. Tại Phòng khám đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn có bảng giá dịch vụ test nhanh Covid-19 là 477.000 đồng, xét nghiệm RT-PCR có giá 1.950.000 đồng. Trong khi đó, giá test nhanh tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TPHCM là 320.000 đồng, tại Trung tâm Y khoa Medic và Phòng khám đa khoa quốc tế Việt Healthcare (đều ở quận 10) được báo giá lên tới 500.000 đồng. Còn xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện Quân y 7A có giá 1.216.000 đồng. Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), giá test nhanh là 350.000 đồng và kết quả có sau 3-4 giờ; xét nghiệm RT-PCR giá 734.000 đồng, có kết quả sau một ngày. Trong khi đó, nhân viên Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park (quận Bình Thạnh) tư vấn test nhanh giá 230.000 đồng và đề nghị làm thêm xét nghiệm RT-PCR. Nếu làm cả hai thì tổng giá là 964.000 đồng.
Cùng với việc xét nghiệm tại các bệnh viện, phòng khám, hiện nay nhiều hội nhóm mạng xã hội và một số sàn thương mại điện tử rao bán tràn lan các loại kit test nhanh Covid-19 với nhiều chủng loại, xuất xứ với giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/bộ.
Theo khảo sát, hiện nay các bộ test nhanh Covid-19 bán trên thị trường phần lớn có xuất xứ Hàn Quốc, Trung Quốc. Qua tìm hiểu một đầu mối phân phối tại TPHCM, bộ test xuất xứ Trung Quốc có giá 4.750.000 đồng và bộ test nhanh của Hàn Quốc giá 5 triệu đồng. Mỗi bộ gồm 25 que thử, nếu mua lẻ thì chỉ khoảng 270.000 đồng/que. Tất cả sản phẩm đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hướng dẫn sử dụng và chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành.
Theo các chuyên gia y tế, các bộ test nhanh Covid-19 hiện rao bán tràn lan trên mạng không đảm an toàn, có độ nhạy thấp và cho kết quả thiếu chính xác. Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc rao bán trên mạng để tự xét nghiệm. Trường hợp nghi ngờ tiếp xúc với các ca nhiễm, người dân có thể đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp phép để được hướng dẫn làm test nhanh hoặc xét nghiệm, đảm bảo kết quả chính xác tuyệt đối.
Nguồn SGGP
0 comments:
Đăng nhận xét