Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung bình mỗi tháng cả nước có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đặc biệt trong số đó không chỉ toàn các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mà có cả những doanh nghiệp quy mô lớn.
Cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp hoang mang trước diễn biến của dịch
Hoạt động trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng nhập khẩu tại thị trường Việt Nam đã được hơn 10 năm, tuy vậy chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, anh Lê Việt Anh, đại diện doanh nghiệp cho biết, sau 4 làn sóng dịch Covid-19, doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi lượng hàng tiêu thụ giảm mạnh, doanh thu giảm, nguồn thu không đủ để chi trả tiền thuê mặt bằng và trả lương cho người lao động.
Nhưng điều lo ngại nhất theo anh Lê Việt Anh đó là sự xuất hiện liên tục biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh như hiện nay, thì không biết khi nào dịch kết thúc để có thể hoạt động bình thường trở lại. Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp cũng đã tính đến nhiều phương án trong thời gian tới, trong đó không ngoại trừ phương án phải ngừng hoạt động trong một thời gian.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp hoạt động, cùng với đó là 26.000 hợp tác xã và 5,1 triệu hộ kinh doanh. Quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, còn doanh nghiệp thì quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm 94%, doanh nghiệp quy mô vừa và lớn chiếm khoảng gần 6%.
Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam trở nên sôi động, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã khiến các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đa phần sức cạnh tranh còn thấp, chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên đang đối mặt với khó khăn hơn bao giờ hết.
Tính từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng cả nước có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đáng chú ý trong số đó không chỉ có các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mà còn có cả các doanh nghiệp có quy mô lớn.
Rút ngắn quá trình thực thi chính sách
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước những tác động của dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 tới nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, để tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, thời gian gia hạn từ 3-6 tháng. Như vậy, đây là lần thứ 3 Chính phủ gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết, như: Nghị quyết số 55/NQ-CP vào tháng 6/2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho khách hàng sử dụng điện: Thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 (đợt 3) như đề xuất của Bộ Công Thương tại Báo cáo số 283/BC-BCT ngày 27/5/2021; Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó đưa ra mục tiêu: Sớm kiểm soát dịch Covid-19 để phục hồi lại sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh cả doanh nghiệp, từ đó giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động của dịch Covid-19.
Song song với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp...
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thời gian qua đã góp phần chia sẻ, tháo gỡ một phần khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trước khó khăn của dịch bệnh. Tuy vậy, để chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn.
Bên cạnh kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh cũng là nhiệm vụ đang được Chính phủ và các bộ, ngành tích cực triển khai.
Nguồn Báo Công Thương
0 comments:
Đăng nhận xét