Anh ngày 10-8 ghi nhận 146 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất từ giữa tháng 3, trong bối cảnh nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Một số hành khách đeo khẩu trang khi đi trên tàu điện ngầm ở thủ đô London, Anh ngày 9-8 - Ảnh: AFP
Đây là mức tăng số ca tử vong theo ngày cao nhất từ 12-3, thời điểm Anh ghi nhận tới 175 ca tử vong một ngày.
Số ca bệnh mới tại Anh đang bắt đầu tăng lại, với 196.047 ca trong tuần qua, tăng 7% so với tuần trước đó. Anh cũng ghi nhận 622 ca tử vong trong bảy ngày qua, tăng 15% so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, theo Reuters, số ca bệnh và ca tử vong ở Anh hiện nay vẫn thấp hơn các con số đã ghi nhận trong những tháng trước.
Cụ thể, số ca tử vong hiện nay thấp hơn mức trên 8.000 ca tử vong theo tuần hồi đầu năm 2021, và số ca bệnh theo ngày trong tháng 8 thấp hơn nửa so với kỷ lục 54.674 ca hôm 17-7.
Cho đến nay, 75% người trưởng thành ở Anh đã tiêm đủ vắc xin COVID-19, và 89% đã tiêm ít nhất một liều.
Chính phủ Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch khi cho rằng chiến dịch tiêm chủng thành công đã cắt đứt mối liên hệ giữa số ca mắc mới với số ca nhập viện và tử vong sau đó.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết chương trình tiêm liều vắc xin COVID-19 tăng cường ở nước này sẽ bắt đầu vào đầu tháng 9, trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan (lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ) đã trở thành biến thể thống trị ở Anh.
Trong khi đó, ông Andrew Pollard, người đứng đầu nhóm vắc xin Oxford của ĐH Oxford - đối tác phát triển vắc xin COVID-19 với Hãng AstraZeneca, ngày 10-8 đưa ra quan điểm trái ngược với Bộ Y tế Anh.
Ông Pollard cho biết quyết định tiêm liều bổ sung nên dựa vào các nghiên cứu khoa học, và chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự gia tăng các ca tử vong hay bệnh nặng trong số những người đã tiêm đủ vắc xin COVID-19.
Do đó, ông Pollard cho rằng việc tiêm liều bổ sung là chưa cần thiết và Anh nên tặng những liều này cho các nước khác.
Hãng dược AstraZeneca cũng nói hãng cần thêm thời gian để đánh giá xem có cần phải tiêm liều bổ sung để duy trì hiệu quả bảo vệ của vắc xin không.
Theo giáo sư Pollard, thực tế là vắc xin không thể ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19, và điều này có nghĩa việc đạt miễn dịch cộng đồng ở Anh chỉ là chuyện có trong tưởng tượng.
"Vấn đề ở con virus này là nó không giống sởi. Nếu 95% người đã tiêm vắc xin sởi, virus không thể lây nhiễm trong người dân" - ông Pollard nói.
"Biến thể Delta vẫn sẽ lây nhiễm cho người đã tiêm vắc xin. Và điều đó có nghĩa là bất cứ ai chưa tiêm ở một thời điểm nào đó sẽ tiếp xúc với virus và chúng ta không có bất cứ thứ gì để ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm này" - giáo sư Pollard thêm.
Dù vậy, các vắc xin hiện nay rất hiệu quả trong việc ngăn chặn các ca bệnh nặng và tử vong.
Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) và ĐH Cambridge, vắc xin đã giúp ngăn chặn khoảng 60.000 ca tử vong, 22 triệu ca nhiễm và 66.900 ca nhập viện ở nước này.
Cho tới nay, Anh đã ghi nhận hơn 6,1 triệu ca bệnh, trong đó có 130.503 ca tử vong. Anh hiện đứng thứ hai châu Âu về số ca tử vong do COVID-19, sau Nga với 166.442 ca.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét