30 thg 8, 2021

Bản tin chiều 30-8: Cả nước 14.224 ca COVID-19, số ca mắc tiếp tục tăng cao

Chiều nay 30-8, bản tin của Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 14.424 ca COVID-19 mới, tiếp tục tăng cao so với những ngày gần đây. Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai và Tiền Giang là các tỉnh thành có số ca mắc tăng.

Tổ quân y 316, Học viện Quân y phát thuốc tại nhà cho F0 - Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Từ 17h ngày 29-8 đến 17h ngày 30-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.224 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 14.219 ca ghi nhận trong nước tại Bình Dương (6.050), TP.HCM (5.889), Long An (524), Đồng Nai (491), Tiền Giang (221), Khánh Hòa (126), Hà Nội (110), An Giang (90), Kiên Giang (73), Nghệ An (68), Tây Ninh (56), Đà Nẵng (54), Bình Thuận (46), Thừa Thiên Huế (40), Đồng Tháp (37), Cần Thơ (36), Trà Vinh (36), Bà Rịa - Vũng Tàu (33), Quảng Bình (30), Quảng Ngãi (30), Đắk Lắk (24), Bình Định (20), Sóc Trăng (19), Thanh Hóa (18), Bình Phước (15), Phú Yên (14), Bến Tre (11), Quảng Nam (10), Vĩnh Long (7), Ninh Thuận (7), Quảng Trị (6), Đắk Nông (5), Hà Tĩnh (4), Hậu Giang (4), Lâm Đồng (3), Bạc Liêu (3), Sơn La (2), Kon Tum (2), Hưng Yên (2), Bắc Ninh (2), Cà Mau (1), trong đó có 7.504 ca trong cộng đồng.

Trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.467 ca. Tại Bình Dương tăng 636 ca, TP.HCM tăng 932 ca, Long An giảm 9 ca, Đồng Nai tăng 114 ca, Tiền Giang tăng 66 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 449.489 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 445.291 ca, trong đó có 226.042 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (215.810), Bình Dương (110.258), Đồng Nai (23.132), Long An (21.457), Tiền Giang (9.438).

Ngày 30-8, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là hơn 9.000 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi cho đến nay là 228.816. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.449 ca, trong đó: thở oxy qua mặt nạ: 4.157; thở oxy dòng cao HFNC: 1.247; thở máy không xâm lấn: 105; thở máy xâm lấn: 916; ECMO: 24.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Số bệnh nhân tử vong tại TP.HCM có giảm

Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 315 ca tử vong tại TP.HCM (245), Bình Dương (39), Tiền Giang (7), Long An (6), Đồng Nai (4), Đồng Tháp (3), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Hà Nội (1), An Giang (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.064 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%). Đặc biệt, tại TP.HCM chiếm đến 80% trong số này. Tuy nhiên qua theo dõi 1 tuần gần đây cho thấy số ca tử vong tại TP.HCM có chiều hướng giảm dù đang rất chậm.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Trong ngày 29-8 có 262.038 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 19.710.560 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.186.153 liều, tiêm mũi 2 là 2.524.407 liều.

Ngày 30-8, Bộ Y tế tiếp nhận 250.800 liều vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca và vắc xin Moderna do Chính phủ Cộng hòa Czech tài trợ cho Việt Nam.

* TP.HCM cho phép shipper nằm trong danh sách của Sở Công thương và đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sẽ được phép hoạt động ở các quận 'vùng đỏ' kể từ ngày 30-8.

Thành phố yêu cầu thực hiện xét nghiệm nhanh 1 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người, thời gian xét nghiệm hằng ngày vào lúc 5h đến 6h30 sáng, do lực lượng quân y thực hiện tại các trạm y tế lưu động của 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.

* Tại Hà Nội, ngày mai 31-8, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (gọi tắt là Bệnh viện điều trị COVID-19 - Y Hà Nội) với quy mô 500 giường bệnh tại Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Đây là bệnh viện tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19 tại khu vực thành phố Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn).

Tạm thời phong tỏa Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp để phục vụ công tác khoanh vùng, truy vết và điều tra dịch tễ.

* Tại tỉnh Quảng Bình, ngày 29-8, UBND TP Đồng Hới ban hành công văn hướng dẫn thí điểm áp dụng cách ly F1 tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19.

Nguồn TTO


0 comments:

Đăng nhận xét