26 thg 8, 2021

Bản tin sáng 26-8: Việt Nam sắp nhận 3-4 triệu liều vắc xin trong 3 ngày tới

Theo thông báo của Tổ công tác "ngoại giao vắc xin", trước ngày 29-8 Việt Nam sẽ nhận thêm 3-4 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 từ các đối tác. Đầu tháng 9 tới, sẽ có thêm hơn 800.000 liều Ý viện trợ qua cơ chế COVAX.

Lấy mẫu xét nghiệm lại cho bệnh nhân F0 tại khu cách ly Bệnh viện dã chiến số 8 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo thông tin từ Tổ công tác "ngoại giao vắc xin", trong tháng 8 và tháng 9 tới đây, mặc dù thế giới rất khan hiếm vắc xin, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được thêm vắc xin nhiều hơn dự kiến, có thể trên 16 triệu liều qua các hình thức viện trợ, các đối tác nhượng lại và giao vắc xin theo các hợp đồng đã ký kết.

Trước mắt, trong tuần này (trước ngày 29-8), ít nhất Việt Nam sẽ nhận thêm được 3-4 triệu liều vắc xin từ các đối tác, trong đó có 300.000 liều AstraZeneca do Romania tài trợ, vừa tiếp nhận trưa 25-8. 1 triệu liều Pfizer Mỹ tài trợ qua cơ chế COVAX cũng sẽ đến sớm.

Ngoài ra, có thêm 2 quốc gia Đông Âu cũng đã thông báo sẽ viện trợ vắc xin cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp, kiều bào ở nước ngoài đã hỗ trợ trang thiết bị y tế cho phòng chống dịch. 

Đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 1 triệu USD tiền mặt, hơn 6.368.000 bộ xét nghiệm, gần 600.000 khẩu trang các loại, khoảng 600 máy thở, 300 máy nén oxy, 100 tấn oxy hóa lỏng, hơn 100 máy tạo oxy và 77 tủ lạnh bảo quản vắc xin, cùng nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch khác.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Trước đó, thông báo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết do vắc xin khan hiếm, Việt Nam sẽ nhận được 12,3 triệu liều vắc xin trong 2 tháng 8 và 9, trong đó riêng tháng 8 chỉ có 3 triệu liều. Tuy nhiên thực tế vắc xin đã về nhiều hơn dự báo này nhờ công tác "ngoại giao vắc xin".

Tính đến ngày 20-8, Việt Nam đã tiếp nhận trên 23 triệu liều vắc xin các loại, đến ngày 24-8 đã sử dụng gần 18,1 triệu liều, trong đó có 16,05 triệu người tiêm mũi 1, trên 2 triệu người tiêm đủ 2 mũi.


TP.HCM: Tỉ lệ ca COVID-19 lây nhiễm cộng đồng rất cao

Theo dữ liệu từ cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, những ngày gần đây tỉ lệ số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng rất cao so với tổng số mắc, chiếm trên 80%. Đặc biệt tại nhiều quận, huyện có tỉ lệ này chiếm đến 90-100%.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn TP, trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0h ngày 23-8. Số lượng F0 dự báo sẽ tăng cho thời gian tới, người dân cần hết sức bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản ứng phó của ngành y tế.

Tại họp báo chiều 25-8, ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện nay TP đã tiêm mũi 1 cho hơn 76% người dân trên 18 tuổi, 3,1% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. Kế hoạch của TP là nhanh chóng phủ mũi 1 vắc xin. Hiện nay kế hoạch tiêm mũi 2 tại TP đã lồng vào kế hoạch tiêm mũi 1, theo thời hạn khuyến cáo của nhà sản xuất.

Mục tiêu đặt ra là từ 15-9, hơn 70% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2. 


Đồng Nai công bố danh sách đường dây nóng về an sinh xã hội và y tế

Ngày 25-8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Đồng Nai đã công bố danh sách đường dây nóng về an sinh xã hội và y tế của tỉnh và các huyện, thành phố.

Theo đó, Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở Công thương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai được giao tiếp nhận, xử lý các vấn đề an sinh xã hội, Sở Y tế tiếp nhận các thông tin tư vấn về sức khỏe, xử lý bệnh tật... trong phòng chống dịch COVID-19. 

Khi cần người dân gọi trực tiếp vào tổng đài (0251) 1022 để được hướng dẫn. Ban chỉ đạo cũng công bố danh sách số điện thoại của lãnh đạo huyện ủy, UBND các huyện, thành phố và các phòng ban, trung tâm y tế để người dân liên lạc khi có nhu cầu.

Cùng ngày, Công an tỉnh Đồng Nai đã khai trương "Gian hàng 0 đồng" tại Trung tâm tổ chức sự kiện tỉnh, phát miễn phí nhu yếu phẩm cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.


Campuchia ca bệnh giảm nhưng ca Delta tăng

Trong ngày 25-8, Campuchia ghi nhận 428 ca bệnh mới, trong đó có 326 ca do biến thể Delta, và 117 ca bệnh nhập khẩu. Theo báo KhmerTimes, ca bệnh nhập khẩu tiếp tục tăng do hệ quả của việc mở cửa biên giới với Thái Lan vào tuần trước.

Trong số 326 ca Delta, có 100 ca ghi nhận ở thủ đô Phnom Penh, cho thấy mối đe dọa từ biến thể này ngày càng trở nên rõ rệt.

Đô trưởng Phnom Penh Khương Sreng gia hạn các biện pháp siết phòng dịch ở thủ đô thêm 14 ngày, từ 0h ngày 27-8 tới ngày 9-9. Cụ thể đình chỉ nhiều hoạt động có nguy cơ lây lan COVID-19 cao, như trường học, quán bar, rạp chiếu phim, đồng thời cấp tụ tập trên 15 người. Đặc biệt, mọi sự tụ tập đông người để uống rượu đều bị cấm.

Bộ Y tế Campuchia kêu gọi các tỉnh tiếp tục tiêm chủng vì tiến độ đang có dấu hiệu chậm lại.

Cũng trong ngày 25-8, số ca mắc mới hằng ngày của Hàn Quốc tăng vọt lên hơn 2.000 ca. Trong đó, Hãng thông tấn Yonhap cho biết thủ đô Seoul ghi nhận số ca trong ngày cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận 2.155 ca bệnh COVID-19, bao gồm 2.114 cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 241.439 ca.

Hai ngày trước đó, Hàn Quốc chỉ ghi nhận 1.418 ca mới vào ngày 23-8 và 1.509 ca vào ngày 24-8.

Hàn Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày cao trên 1.000 ca trong 50 ngày liên tiếp. Vào ngày 11-8, nước này ghi nhận số ca bệnh cao kỷ lục là 2.222 ca. Các ca bệnh nhiễm biến thể Delta rất dễ lây lay cũng khiến nỗ lực chống dịch trở nên phức tạp.

Trong tuần qua, Hàn Quốc ghi nhận 3.062 ca bệnh COVID-19, với 99% trong số đó là nhiễm biến thể Delta.

Tính đến ngày 25-8, khoảng 26,7 triệu người, tương đương 52% dân số Hàn Quốc đã tiêm 1 liều vắc xin COVID-19, khoảng 25,1% dân số tiêm đủ 2 liều. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm ít nhất 70% dân số vào tháng 9 để tạo miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.

Trong khi đó, hàng triệu người Hàn chuẩn bị đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Chuseok (Tết trung thu) trong tháng 9 tới.

MINH KHÔI

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét