31 thg 8, 2021

Bản tin sáng 31-8: Số ca COVID-19 biến thể Delta nhập viện cao gấp đôi, mở bệnh viện mới ở Hà Nội

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí The Lancet cho biết trong khi chủng virus biến thể Delta đang tràn khắp thế giới, biến thể này có thể khiến người nhiễm có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi.

Bác sĩ hướng dẫn các F0 sử dụng thuốc để điều trị tại nhà - Ảnh: KIM ÚT

Theo nghiên cứu vừa được tạp chí y khoa nổi tiếng thế giới The Lancet đăng tải, virus biến thể Delta (xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ) và hiện đang lan tràn khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ khiến người nhiễm phải nhập viện cao gấp đôi so với biến thể Alpha (xuất hiện lần đầu tại Anh hồi cuối năm 2020).

Lo ngại biến thể Delta có thể đảo ngược kết quả phòng chống đại dịch, nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai liều vắc xin tăng cường. Đến nay, các nhà sản xuất vắc xin đã làm nhiều cuộc thử nghiệm để xác định thời gian tiêm mũi bổ sung.

Tại Việt Nam, trong ngày 29-8 có gần 262.040 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm đến nay là 19.710.560 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 17.186.150 liều, tiêm mũi 2 là trên 2.524.400 liều. 

Số người được tiêm đủ 2 mũi mới khoảng hơn 2,6% dân số. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng vẫn rất chậm. Việt Nam cần tiêm mỗi ngày 500.000 mũi mới kịp tiến độ đã đặt ra.


TP.HCM: Nhiều quận giãn dân khỏi khu vực nguy cơ

Sau quận Bình Thạnh đến lượt quận 7 (TP.HCM) cũng vận động người trên 65 tuổi, người bệnh béo phì không mắc COVID-19 đang sống tại các khu trọ lụp xụp chuyển vào ở tạm tại các nhà trọ, khách sạn để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh. Dự kiến có khoảng 2.000 người dân thuộc diện này.

Theo lãnh đạo quận 7, những người này đang sống tại các khu nhà lụp xụp; nhà trên hoặc ven kênh rạch và nhà trong các hẻm sâu dưới 2 mét. Việc giãn dân được thực hiện từ ngày 28-8 đến hết ngày 15-9.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận 7 kêu gọi các cá nhân, tổ chức kinh doanh lĩnh vực lưu trú, phòng trọ cùng chung tay hỗ trợ; đồng thời kêu gọi các hộ gia đình có người thuộc nhóm đối tượng nêu trên liên hệ UBND các phường đăng ký chuyển đến nơi ở tạm thời.

Theo đánh giá của ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương có thể linh động "đảo chiều", hoặc đưa F0 đi cách ly hoặc "di tản" người dân khỏi khu vực có nguy cơ, làm sao thuận tiện và mang lại hiệu quả phòng dịch cao nhất.

Trong ngày 30-8, các hãng xe công nghệ có dịch vụ shipper tại TP.HCM cho biết đang gấp rút lên danh sách tài xế, chuẩn bị cho công tác xét nghiệm COVID-19 để tài xế tham gia giao hàng hóa ở "vùng đỏ" từ ngày 31-8.

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản khẩn, cho phép shipper được phép hoạt động thêm ở các quận 'vùng đỏ' kể từ ngày 30-8, song các shipper này phải xét nghiệm nhanh 2 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người. TP.HCM miễn phí chi phí xét nghiệm cho shipper từ nay đến hết ngày 6-9.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đồng Nai: Yêu cầu chăm sóc tốt hơn cho người trong khu cách ly

Ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - vừa chỉ đạo các sở ngành liên quan, chính quyền địa phương đang quản lý các khu cách ly tập trung chăm sóc tốt hơn cho các ca dương tính với SARS-CoV-2 (F0) không triệu chứng và những trường hợp tiếp xúc gần (F1).

Cụ thể, chú ý cải thiện chất lượng bữa ăn, điều kiện sinh hoạt, ăn, ở cho người thực hiện cách ly và đảm bảo vệ sinh môi trường để phòng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly. Trong trường hợp F0 chuyển bệnh nặng, lực lượng y tế cần xử lý nhanh và chăm sóc tốt trước khi chuyển lên tuyến trên điều trị...

UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan đoàn thể trong tỉnh tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ vật chất và tinh thần thiết thực để chăm sóc cho những người F0 không triệu chứng và các trường hợp F1, nhằm giúp họ an tâm, ổn định tư tưởng, thực hiện cách ly đúng thời gian quy định.

Để phòng chống dịch, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng cho hay vừa yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế các huyện, thành phố tiếp tục đánh giá mức độ nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ở từng địa bàn sau khi xét nghiệm diện rộng trên toàn tỉnh.

Việc đánh giá nguy cơ cao và rất cao phải được khoanh vùng ở từng ấp, khu phố nhằm xét nghiệm bổ sung cho đến hết ngày 5-9. Mục tiêu xét nghiệm bổ sung để tiếp tục sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi địa bàn.


Hà Nội: Mở bệnh viện COVID-19 mới

Hôm nay 31-8, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (gọi tắt là Bệnh viện điều trị COVID-19 - Y Hà Nội), với quy mô 500 giường bệnh tại Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Đây là bệnh viện tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19 tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn).

Tại Hà Nội, 3 ngày gần đây đều có số mắc COVID-19 khá cao, đặc biệt ngày 29-8 có số ca mắc cao nhất kể từ ngày 5-7 khi Hà Nội bùng dịch trở lại. Số ca mắc trong đợt dịch này tại Hà Nội đã lên trên 3.100 ca và chủ yếu tập trung trong hơn 1 tháng vừa qua.


Thế giới sẽ sớm có thêm một loại vắc xin an toàn và hiệu quả mới

Theo Hãng tin Reuters, ngày 30-8, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết các tình nguyện viên thử vắc xin của Công ty Novavax giai đoạn cuối, tiêm đủ hai liều sẽ được công nhận là đã tiêm vắc xin đầy đủ.

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là CDC phê duyệt vắc xin này mà Novavax sẽ vẫn tuân theo quy trình cấp phép bình thường. Quyết định để giúp nhiều người đáp ứng đủ các điều kiện quay trở lại làm việc của nhiều công ty ở Mỹ.

Novavax chưa nộp hồ sơ xin phép phê duyệt tại Mỹ nhưng đã xin cấp phép ở Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Dự kiến, công ty sẽ sản xuất và cung cấp vắc xin cho các thị trường thu nhập thấp và trung bình từ cuối năm nay.

Cũng liên quan đến vắc xin, ngày 30-8, Công ty dược SK Bioscience của Hàn Quốc bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với vắc xin ngừa COVID-19 do hãng này phát triển. Thử nghiệm sẽ được tổ chức cùng lúc tại nhiều quốc gia.

Theo Bộ An toàn dược phẩm và thực phẩm Hàn Quốc, trong số 3.990 tình nguyện viên ở độ tuổi trưởng thành tham gia thử nghiệm có 3.000 người được tiêm vắc xin GBP510, số còn lại sử dụng vắc xin của Hãng AstraZeneca để so sánh và đánh giá về tính sinh miễn dịch và tính an toàn. Kết quả sơ bộ về cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 này sẽ có trong quý đầu của năm 2022.

Tại Thái Lan, để chuẩn bị mở cửa lại trường học, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo Bộ Y tế nước này mua thêm vắc xin COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Cụ thể, nước này sẽ mua được 140 triệu liều vắc xin COVID-19 các loại vào cuối năm nay.

Cũng trong ngày 30-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chi nhánh châu Âu và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) khuyến cáo giáo viên, nhân viên làm việc tại các trường học phải được xếp vào nhóm các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19, để trẻ em được đến trường học trực tiếp, chứ không phải học từ xa.

Theo AFP, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường học được mở cửa, chi nhánh châu Âu của WHO và chi nhánh châu Âu và Trung Á của UNICEF kêu gọi bảo đảm tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và có bệnh nền, cũng như đảm bảo hệ thống thông gió, giãn cách trong trường học, xét nghiệm tầm soát thường xuyên cho học sinh và nhân viên của trường.

Để mở cửa lại trường học an toàn, nhiều nước trên thế giới có quy định bắt buộc giáo viên phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 kết hợp đeo khẩu trang đối với cả học sinh và giáo viên, ngồi cách xa nhau theo khuyến cáo và đặc biệt là đảm bảo phòng học thông thoáng.

HỒNG VÂN

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét