Chuyện xảy ra tại Bệnh viện quận Bình Tân, TP.HCM. Chưa kịp nguôi ngoai nỗi đau mất người thân, gia đình một bệnh nhân mắc COVID-19 đã tử vong được bệnh viện thông báo phải đóng đủ tiền viện phí để nhận giấy báo tử và tử thi an táng.
Bệnh viện Đa khoa quận Bình Tân - Ảnh: Website của bệnh viện
Khi nhập viện, phía bệnh viện yêu cầu nộp tạm ứng tiền viện phí nhiều lần với tổng số tiền hơn 8 triệu đồng. Đến ngày 16-8, bệnh viện thông báo bà T. tử vong.
Yêu cầu đóng tiền 111 dịch vụ trên 36 triệu đồng
Ngoài việc thông báo bà T. đã mất, phía bệnh viện yêu cầu gia đình nộp thêm 28 triệu đồng tiền viện phí để nhận giấy báo tử và thi thể an táng. Gia đình tự liên hệ với các cơ sở mai táng để lo hỏa táng cho người thân.
Theo chị N., khoảng 2 tháng nay chị thất nghiệp và không có thêm khoản thu nhập nào. Không đan tâm để mẹ lạnh lẽo, chị phải chạy vạy vay mượn người quen được 25 triệu đồng để đóng cho bệnh viện nhưng vẫn không đủ, còn thiếu 3 triệu.
"Chưa đủ số tiền viện phí nên bệnh viện chỉ ghi giấy tạm ứng viện phí, gia đình nhận tử thi và liên hệ cơ sở mai táng làm thủ tục hỏa táng với số tiền 20 triệu đồng" - chị N. đau buồn nói.
Lo việc hậu sự xong, ngày 18-8, chị N. tiếp tục đi vay thêm 3 triệu đồng để nộp đủ số tiền viện phí cho bệnh viện mới được xuất hóa đơn tiền viện phí. Trong bảng kê đính kèm hóa đơn thu tiền viện phí được chia ra các loại: tiền xét nghiệm, tiền phẫu thuật, thuốc dịch truyền, vật tư y tế, điện tim… và tiền giường nằm!
Bảng kê khai chi phí khám chữa bệnh nội trú mà Bệnh viện Đa khoa quận Bình Tân yêu cầu người mắc COVID-19 chi trả, 111 dịch vụ với số tiền trên 36 triệu đồng - Ảnh: Gia đình bệnh nhân cung cấp.
Theo hồ sơ, bà T. nhập viện tổng cộng 14 ngày. Trong đó 9 ngày nằm tại khoa nội bị thu tiền giường 226.500 đồng/ngày (giường xếp); khi trở nặng bà được chuyển vào phòng hồi sức đến khi tử vong (5 ngày), tiền giường 427.000 đồng/ngày.
Ngoài ra có 15 loại xét nghiệm được tính phí, trong đó có xét nghiệm đường máu mao mạch thực hiện 12 lần, số giờ thở oxy 142 giờ với giá tiền 1,3 triệu đồng, thở máy xâm nhập 8 lần với số tiền 4,4 triệu đồng.
Trong số 28 loại thuốc điều trị được tính phí có Tienam (điều trị nhiễm khuẩn) 24 lọ, tổng số tiền 7,152 triệu đồng.
Như vậy gia đình chị N. phải thanh toán tổng cộng 111 dịch vụ với số tiền trên 36 triệu đồng. Bệnh viện chỉ "miễn phí" cho người bệnh chi phí test nhanh và PCR với chi phí trên 1,2 triệu đồng.
"Tôi thấy trên tivi, trên báo đều nói điều trị COVID-19 đều được miễn phí nhưng khi hỏi bệnh viện bảo trên tivi nói thế thôi chứ chưa có văn bản nào khẳng định miễn phí hết" - chị N. nói.
Bệnh viện thu sai
Bệnh viện chỉ "miễn phí" cho người bệnh chi phí test nhanh và PCR với chi phí trên 1,2 triệu đồng - Ảnh: Gia đình bệnh nhân cung cấp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Văn Mến - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - khẳng định theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A (COVID-19 thuộc nhóm A) được khám và điều trị miễn phí, chi phí do Nhà nước chi trả 100%, từ tiền giường, tiền thuốc và các dịch vụ liên quan.
Ngoài ra, theo ông Mến, có một số trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19, đồng thời mang thêm bệnh nền nằm ngoài phác đồ điều trị COVID-19 Bộ Y tế quy định, Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả phần lớn chi phí điều trị, người bệnh chỉ phải đóng tối đa khoảng 20% trên tổng số tiền viện phí.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM - khẳng định không phải người mắc COVID-19 nào cũng được Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí. Cụ thể với trường hợp người mắc COVID-19 nhưng có bệnh lý nền vẫn phải chi trả chi phí, nếu dịch vụ đó không nằm trong danh mục được BHYT chi trả.
"Với bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, không bệnh nền, nếu bệnh viện thu tiền rõ ràng là sai. Còn bệnh nhân có bệnh nền (đái tháo đường, ung thư máu…), đang phải xử lý bằng các loại thuốc đặc trị thì người bệnh vẫn phải chi trả một phần chi phí, tùy theo danh mục BHYT quy định" - bà Mai nói.
PV Tuổi Trẻ Online đã chuyển toàn bộ nội dung liên quan đến lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Bảo hiểm xã hội TP.HCM và Bệnh viện quận Bình Tân để xác minh vụ việc.
Qua đối chiếu, trưa 19-8, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM khẳng định Bệnh viện quận Bình Tân thu viện phí của người bệnh như trên (dù bệnh nhân có bệnh lý nền là đái tháo đường) là sai quy định và phải trả lại chi phí cho người nhà bệnh nhân.
Người mất vì COVID-19 sẽ được lo toàn bộ chi phí hậu sự
Ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM - trước đó đã khẳng định mức hỗ trợ 17 triệu đồng mỗi trường hợp, trích từ ngân sách thành phố.
Cụ thể, đối với người mất vì COVID-19 tại các bệnh viện, thành phố sẽ phân bổ ngân sách về cho Sở Y tế thành phố để sở chuyển cho các bệnh viện lo hậu sự. Bệnh viện phải phối hợp với các nhà đòn lo công tác khâm tiệm rồi đưa đi hỏa táng.
Trường hợp bệnh viện và nhà đòn quá tải, quân đội sẽ hỗ trợ.
Đối với người không may qua đời tại nhà, ngân sách sẽ phân bổ về các địa phương để lo cho người dân; chỉ cần có giấy chứng mất vì COVID-19, người nhà có thể làm thủ tục nhận lại tiền ở địa phương.
Đối với người mất vì COVID-19 trong cộng đồng, quân đội sẽ lo hết việc hậu sự.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét