29 thg 8, 2021

Bình Dương cần tiếp sức

Bình Dương đang liên tục "cầu cứu" trung ương và các tỉnh thành khác để đạt mục tiêu khống chế được dịch, khôi phục sản xuất và giải phóng cho hàng triệu người lao động đang bị "mắc kẹt" trước ngày 15-9.


Bộ đội được tăng cường để đẩy nhanh cứu trợ gạo, thực phẩm cho người dân ở các phường bị "khóa chặt, đông cứng" tại Bình Dương - Ảnh: B.S.

Nguyên nhân là tại tỉnh này, dự báo số ca mắc COVID-19 sẽ tăng nhanh, có thể lên đến 150.000 ca, chiếm tới 6% dân số.


Thiếu bác sĩ trầm trọng

Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết để chuẩn bị cho kịch bản có 150.000 ca F0 trong hơn 2 tuần tới (hiện số ca mắc là 98.794 ca, tính tới ngày 28-8) là một áp lực rất lớn với tỉnh khi thiếu từ bác sĩ, điều dưỡng, vắc xin, thiết bị y tế đến kinh phí. Ước tính, Bình Dương sẽ tiêu tốn trên 12.200 tỉ đồng ngân sách để chống COVID-19.

Một vấn đề nóng hiện nay là lấy mẫu bóc tách F0 và cứu trợ thực phẩm cho người dân trong 15 phường bị "khóa chặt, đông cứng" (tức là thực hiện chỉ thị 16 tăng cường, người dân không ra khỏi nhà, kể cả đi chợ) tại TP Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên. 

Kết quả lấy mẫu mỗi ngày tại các phường nói trên ngày càng cao, xấp xỉ 2.000 - 5.000 người/ngày qua test nhanh, trong khi cơ sở cách ly của các địa phương quá tải khiến người dân trong khu cách ly tại thị xã Tân Uyên "kêu cứu".

Để khắc phục, tỉnh Bình Dương phải san bớt F0 của hai đô thị phía nam lên các cơ sở cách ly tại các huyện phía bắc của tỉnh. Cơ sở vật chất, chỗ ở, ăn uống thì tỉnh có thể tự chủ phần nào nhưng thiếu bác sĩ điều trị đang là vấn đề nan giải. 

"Có những khu cách ly mà 1 bác sĩ phải phụ trách 1.000 F0. Bình Dương đang rất cần hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng" - ông Võ Văn Minh cho biết.

Mới đây, sau khi khảo sát thực tế về công tác lấy mẫu xét nghiệm tại Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng cần điều trị ngay cho các F0 test nhanh dương tính mà không cần thiết phải chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR. 

Muốn vậy, phải thành lập các "trạm y tế lưu động" ngay tại các khu cách ly để điều trị cho F0. Vì thế, UBND tỉnh Bình Dương một mặt "cầu cứu" Bộ Y tế và các tỉnh thành bạn chi viện thì cũng kiến nghị và đang chờ quân đội chi viện 100 bác sĩ (hồi sức cấp cứu và chuyên khoa), 200 điều dưỡng (hồi sức cấp cứu, kỹ thuật viên), cùng các thiết bị y tế như máy thở, hệ thống oxy dòng cao...


Cần tiếp sức để giữ chân người lao động

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không ứng phó quyết liệt và nhanh chóng thì Bình Dương sẽ gặp những hệ lụy rất lớn do COVID-19, bởi đây là địa phương có nhiều người nhập cư và diễn biến dịch phức tạp không kém gì TP.HCM, trong khi năng lực y tế lại yếu hơn rất nhiều.

Một vấn đề quan trọng khác bên cạnh y tế là chăm lo cho người lao động để vượt qua đại dịch và đóng góp vào sản xuất. Rất nhiều công nhân đang "mắc kẹt" trong các khu nhà trọ do chính sách chung là "ai ở đâu ở yên đó" nên họ không thể về quê nhưng cũng không có việc làm, thu nhập.

Theo thống kê chưa chính thức, có tới 70% doanh nghiệp tại Bình Dương phải tạm ngưng sản xuất, một số ít duy trì nhưng phải giảm quy mô lao động.

Sau một thời gian hoạt động, với tình hình giãn cách xã hội kéo dài và số F0 tăng cao, nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" cũng buộc phải đóng cửa. Thống kê tại huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và thị xã Bến Cát là những vùng dịch đỡ phức tạp hơn, đang dần chuyển hóa thành "vùng xanh" nhưng trước khi có dịch có trên 190.000 lao động sản xuất "3 tại chỗ" thì tới nay chỉ còn chưa tới một nửa số lao động còn được làm việc. 

Tại các "vùng đỏ" với diễn biến dịch phức tạp hơn, việc duy trì sản xuất ở các nhà máy lại càng khó khăn. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, mặc dù cũng có hướng dẫn các doanh nghiệp tại "vùng xanh" chuẩn bị hoạt động trở lại, nhưng chỉ thực hiện được khi đảm bảo tiêu chí an toàn.

Trong chuyến kiểm tra công tác chống dịch ngày 27-8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng với các phường được đánh giá là "đậm đặc" F0 của Bình Dương có nhiều công nhân, người lao động ở trong các phòng trọ chật hẹp, xuống cấp với mật độ cao nên tỉnh cần tính cả phương án di dời dân để "pha loãng" mật độ dân số, tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Thủ tướng giao cho Bình Dương xem xét giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bình Dương - Ảnh: B.S.


Phát lương thực miễn phí cho 1/4 dân số, củng cố đường dây nóng

Bình Dương có quyết định chi ngân sách để phát miễn phí thực phẩm (tương đương 50.000 người/ngày) cho 720.000 dân thuộc 4 phường của TP Thuận An và 7 phường của thị xã Tân Uyên (riêng 4 phường của TP Dĩ An có chính sách riêng, chỉ "đi chợ hộ").

Tuy là chính sách nhân văn nhưng khi triển khai vào thực tế gặp thách thức lớn, vì số dân cần phát thực phẩm chiếm hơn 1/4 tổng dân số toàn tỉnh nên thiếu nhân lực và phải nỗ lực tìm đủ nguồn cung ứng.

Mặt khác, tổng đài tiếp nhận thông tin của người dân cũng liên tục quá tải. Các đoàn kiểm tra của Chính phủ đã chứng kiến các trường hợp người dân phải treo bảng "cần hỗ trợ" hoặc gọi vào đường dây nóng không có người bắt máy.

Để khắc phục, ông Nguyễn Văn Lợi - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - cho biết đã chỉ đạo tăng thêm nhân sự cho đường dây nóng 1022, đồng thời chỉ đạo các phường công bố đường dây nóng của phường.

Ngoài ra, với số lượng F0 đang cách ly tại nhà hiện đã tăng cao, tỉnh cũng công bố số điện thoại tư vấn của các bác sĩ cho từng khu vực để người dân phản ảnh khi cần thiết.

Hiện Bộ Quốc phòng đã tăng cường cho Bình Dương thêm 2.000 quân nhân nên công tác phát gạo, lương thực sẽ được đẩy nhanh hơn. Bộ Công an cũng tăng cường hàng trăm cảnh sát cơ động để đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.

Hàng loạt các khu điều trị dã chiến tại Bến Cát, Bàu Bàng, Thủ Dầu Một... cũng đang gấp rút được mở rộng, với số giường bệnh tăng thêm hàng chục ngàn giường để đáp ứng số F0 tăng cao.


Tỉ lệ tiêm vắc xin còn thấp

Đến nay hầu như chưa có công nhân, người lao động nào ở Bình Dương được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Sở Y tế tỉnh này cho biết toàn tỉnh mới tiêm được khoảng 809.000 liều vắc xin (dân số Bình Dương hơn 2,5 triệu người), trong đó mới có gần 36.000 người được tiêm mũi 2 chủ yếu là lực lượng "tuyến đầu", người được ưu tiên do có bệnh lý nền...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cam kết sẽ ưu tiên vắc xin cho "điểm nóng" Bình Dương trong các đợt phân bổ tới. Dự kiến trong tháng 9-2021 vắc xin cho Bình Dương sẽ nhiều hơn để phủ rộng toàn dân, trong đó với các phường bị "khóa chặt, đông cứng" thì vừa lấy mẫu xét nghiệm vừa kết hợp tiêm vắc xin ngay cho người dân.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét