10 thg 8, 2021

Giá đất quay đầu, soi giao dịch loạt dự án tại điểm nóng từng 'dậy sóng'

Bộ Xây dựng khẳng định, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý trước.

Sau nhiều năm “đắp chiếu”, dự án Khu biệt thự Vườn Cam - Orange Graden (Hoài Đức, Hà Nội) thành nơi thả vịt, nuôi gà bất ngờ được "cò" đẩy sóng trong cơn sốt đất vừa qua.

Đây là thông tin được Bộ Xây dựng đưa ra tại Báo cáo thị trường bất động sản quý II vừa qua.

Theo bộ này, sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng,…) thì việc tăng giá đất nền đã được kiểm soát.

Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Thanh Hoá…vốn là những nơi “dậy sóng” trong cơn sốt đất cuối 2020 đầu 2021. Nhiều dự án vùng ven nhưng có bị đẩy giá lên mức đắt ngang với giá đất ở một số quận trong nội thành. Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, giá bất động sản tăng 10-15%, có những nơi tăng 50% trong khoảng thời gian ngắn khi mọi thứ xung quanh chưa có gì đột phá là hiện tượng bất thường.

Đến nay, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội dự án The Phoenix Garden (Đan Phượng) giá khoảng 32,2 triệu đồng/m2, Khu đô thị Inoha City Phú Xuyên (Phú Xuyên) giá khoảng 24,7 triệu đồng/m2, Orange Graden (Hoài Đức) giá khoảng 39,1 triệu đồng/m2, The Spring Town Xuân Mai (Chương Mỹ) giá khoảng 14,5 triệu đồng/m2, Hòa Lạc Premier Residence (Sơn Tây) giá khoảng 13,9 triệu đồng/m2…;

Tại Hải Phòng, khu Cửa Trại (xã Thủy Đường), Khau Da, Khang Dồi, Gò Gai (xã Thủy Sơn), giá đất đang giao dịch quanh mức 20-25 triệu đồng/m2, đất nền ở các xã Hoa Động, Lâm Động... hiện có giá hơn 15 triệu đồng/m2…;

TP.HCM, Khu dân cư Phú Nhuận 1,2 (Quận 2) khoảng 135,2 triệu đồng/m2, Đào Sư Tích Residence (Huyện Nhà Bè) khoảng 51,2 triệu đồng/m2, Khu dân cư Hồng Quang (Huyện Bình Chánh) khoảng 27,4 triệu đồng/m, The EverRich III (Quận 7) giá khoảng 108,3 triệu đồng/m2, Hưng Phú 1 (Quận 9) giá khoảng 56,2 triệu đồng/m2, Tam Đa BCR (Quận 9) giá khoảng 40 triệu đồng/m2, KDC Phú Xuân Vạn Hưng Phú (Huyện Nhà Bè) giá khoảng 38,4 triệu đồng/m2....;

Ở Bình Dương, giá giao dịch dự án Khu đô thị Phúc Đạt (TP.Thủ Dầu Một) khoảng 44,3 triệu đồng/m2, Khu đô thị Newtown 6 (TX. Bến Cát) giá giao dịch tăng khoảng 8,6% lên mức 11,5 triệu đồng/m2…;

Tại Đà Nẵng, dự án KĐT Nam cầu Nguyễn Tri Phương (Cẩm Lệ) giá khoảng 33,9 triệu đồng/m2, dự án Đà Nẵng Pearl (Ngũ Hành Sơn) giá khoảng 31,7 triệu đồng/m2…;

Tại Đồng Nai, dự án Biên Hòa New Town 2 (TP. Biên Hòa) giá giao dịch khoảng 16,1 triệu đồng/m2, dự án Long Hội Central Point (Nhơn Trạch) giá khoảng18,8 triệu đồng/m2…

Cùng với đó, lượng giao dịch đất nền 3 tháng qua cũng có xu hướng giảm so với những tháng đầu năm. Ghi nhận tại Hà Nội trong cơn sốt đất vừa qua, hàng loạt dự án cũ thuộc địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) như: Dự án Khu biệt thự Vườn Cam - Orange Graden; dự án An Lạc Green Symphony; dự án Hà Đô Charm Villas.... nằm "đắp chiếu" cả chục năm đã được “cò” chào bàn rầm rộ, đẩy giá cao. 

Chuyên gia bất động sản cho rằng việc các sản phẩm biệt thự, liền kề tại các dự án cũ này giá tăng 1 – 2% được coi là hợp lý, còn hiện tượng tăng giá quá cao là "làm giá", bởi hạ tầng tại khu vực này vẫn chưa có nhiều chuyển biến, các dự án vẫn chưa có tiện ích đi kèm. Do đó, khách hàng cần cẩn trọng, tỉnh táo, đánh giá chuẩn xác giá trị đất khu vực này, tránh mắc cạn thay thế cho người mắc cạn trước.

Mới đây, nêu tại báo cáo gửi Quốc hội về toàn ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Bộ Xây dựng cũng cho biết, đến nay, thị trường đất nền đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá khoảng 10-20% so với thời kỳ cao điểm. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn thấp.

Thực tế cho thấy, tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Nhiều hiện tượng bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường, có những nhà đầu tư rao bán cắt lỗ nửa tỷ đồng mỗi lô đất nhưng vẫn khó thanh khoản.

Xu hướng cắt lỗ được dự báo sẽ còn tiếp diễn trên thị trường bất động sản, nhất là trong bối cảnh kịch bản kiểm soát dịch vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Khi thị trường đi xuống xuống, thanh khoản giảm, việc bán bất động sản khó khăn nên giá bán phải giảm mới giao dịch được. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc có cắt lỗ hay không cần phân tích kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố. Với những người đầu tư bất động sản bằng tiền có sẵn sẽ không chịu áp lực về dài hạn thì có thể duy trì, chưa vội vàng nghĩ tới chuyện cắt lỗ. Trái lại những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì cũng có thể xem xét đưa ra những mức giá phù hợp cho dễ thanh khoản.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản, về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính…, tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.

Đồng thời, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Nguồn Vietnamnet

0 comments:

Đăng nhận xét