1 thg 8, 2021

Gửi kiến nghị khẩn lên Thủ tướng vì lo F0 trong nhà máy, '3 tại chỗ' không an toàn

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị chỉ tính toán thực hiện '3 tại chỗ' khi tình hình dịch được kiểm soát, có phương án y tế, xử lý nhanh chóng và quy trình ứng phó chi tiết khi xuất hiện F0.

Tin liên quan:Doanh nghiệp '3 tại chỗ' vừa làm vừa loĐồng Nai gần cán mốc 4.000 ca, 57 công nhân công ty ‘3 tại chỗ’ dương tính ; Nhiều doanh nghiệp '3 tại chỗ' ở Bình Dương dừng hoạt động

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người lao động là giải pháp bền vững - Ảnh: N.HIỂN

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên cơ sở tổng hợp ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội.

Trong đó, mô hình "3 tại chỗ" đang thực hiện tại một số nhà máy phía Nam không đáp ứng được yêu cầu về sản xuất an toàn. Thực tế trong những ngày qua đã xuất hiện nhiều ca F0 tại một số nhà máy "3 tại chỗ. 

"Trong bối cảnh đó, chính quyền các cấp ở một số địa phương phía Nam ban hành văn bản yêu cầu doanh nghiệp tăng cường xét nghiệm, nhưng không có các kịch bản y tế nên doanh nghiệp thêm áp lực vì chi phí xét nghiệm quá lớn mà không đánh giá được cụ thể hiệu quả bảo vệ sản xuất" - Ban IV nêu thực trạng.

Vì vậy, các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị nên tính toán thực hiện khi tình hình dịch bệnh ở mức độ kiểm soát được, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh.

Các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" cần xây dựng và công bố các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy, phối hợp mọi nguồn lực ứng phó.

Hạn chế tối đa trường hợp doanh nghiệp báo nghi ngờ phát dịch nhưng chậm trễ kiểm tra, hoặc kiểm tra xong chỉ thực hiện phong tỏa hàng nghìn lao động tại nhà máy, khiến cho dịch lan mạnh hơn.

Trường hợp nhân viên, người lao động phát hiện là F0, lực lượng y tế địa phương quá tải chưa lập sẵn quy trình ứng phó chi tiết, Chính phủ cần giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn với các tỉnh, với sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp để đánh giá tình hình nhằm có phương án giảm thiểu thiệt hại.

Ban IV kiến nghị Chính phủ cần giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, ban hành danh sách các tỉnh/thành ưu tiên bố trí nguồn vắc xin để có kế hoạch triển khai. Cùng với TP.HCM, cần ưu tiên tiêm cho các khu công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai… để đẩy nhanh cơ hội miễn dịch cộng đồng.


Thủ tục tiếp nhận hỗ trợ từ nghị quyết 68 còn bất cập

Ban IV cũng chỉ ra thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đang có những quy định gây khó, khiến hầu hết doanh nghiệp không thể tiếp cận được.

Đơn cử như yêu cầu phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020, trong khi theo pháp luật về thuế thì doanh nghiệp có thể thực hiện quyết toán thuế với chu kỳ 3-5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm. Năm 2020 khó khăn, doanh nghiệp chưa thực hiện quyết toán thuế, nên nhiều hiệp hội doanh nghiệp đề xuất xem xét, loại bỏ quy định này.

Liên quan đến việc đảm bảo chuỗi vận tải hàng hóa và xuất, nhập khẩu, Ban IV đề xuất xem xét đánh giá kỹ quy trình vận tải an toàn - lái xe không tiếp xúc mà Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Vận tải - ôtô Việt Nam đã kiến nghị, do việc sử dụng kết quả xét nghiệm sàng lọc COVID-19 như là giấy thông hành hiện nay được nhiều chuyên gia y tế đánh giá là chưa đúng bản chất, ý nghĩa của việc xét nghiệm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Doanh nghiệp sản xuất áp dụng ‘3 tại chỗ’ như thế nào để khỏi ‘vừa làm, vừa lo’?

Ngày 31-7, TS.BS Nguyễn Đình Trung - trưởng khoa bệnh nghề nghiệp Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) - đã kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình, TP.HCM.


Sau kiểm tra, ông đề nghị nhiều giải pháp để doanh nghiệp áp dụng "3 tại chỗ" an toàn:

- Tổ chức quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng, tổ, nhóm (dưới 30 người) từ nơi sản xuất đến nơi ăn, ở; bố trí khu vực sản xuất riêng biệt theo nhóm không quá 30-50 người/khu vực.

- Đối với khu vực lưu trú cần lắp đặt các vách ngăn nhằm ngăn cách khu vực ở theo phân xưởng, tổ, nhóm (30-50 người lao động cùng làm việc ở khu vực sản xuất); hạn chế sử dụng điều hòa, tốt nhất dùng thông khí tự nhiên tại khu vực lưu trú tập trung.

- Chia ca, chia tổ, nhóm theo phân xưởng/bộ phận (30-50 người), sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh riêng. Tốt nhất các doanh nghiệp nên lắp đặt, trang bị thêm nhà vệ sinh, nhà tắm nếu có điều kiện.

- Quản lý chặt chẽ người lao động đã đăng ký ở lại nơi lưu trú tập trung theo phương châm "nội bất xuất, ngoại bất nhập", tránh tình trạng mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào công ty.

- Xây dựng bổ sung quy trình quản lý với đối tượng lái xe, giao nhận hàng, bộ phận bán hàng… đảm bảo các nhóm này không tiếp xúc trực tiếp với người lao động khác.

- Xây dựng kế hoạch, phương án để bổ sung, thay thế người lao động; bổ sung các phương án xử trí cụ thể khi có trường hợp F0 xuất hiện tại nhà máy, đồng thời tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch COVID-19 trong doanh nghiệp.

- Thường xuyên quan tâm, động viên, chăm lo đời sống cho người lao động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Một trong các vấn đề đặc biệt quan trọng, theo ông Trung, đó là doanh nghiệp cần quản lý chặt người lao động không để giao lưu với bên ngoài, tránh các nguồn lây.

Cạnh đó, bố trí những người có nguy cơ cao (bảo vệ, lái xe, người giao hàng, người bán hàng) ở riêng một khu vực không tiếp xúc với người lao động tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Ngoài ra, cần có phương án thay thế lao động đúng quy định.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét