9 thg 8, 2021

Hy sinh một hai tháng để xanh hóa vùng đỏ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ như trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương ngày 8-8. Nhiều doanh nghiệp cũng thẳng thắn chia sẻ khó khăn, vướng mắc và đề nghị tháo gỡ.

Sản xuất “ba tại chỗ” tại Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình (sản xuất da giày, túi xách...) tại Bình Dương - Ảnh: B.SƠN.

Trước 1.200 doanh nghiệp trên cả nước tham dự, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất của các doanh nghiệp nên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất...

Chống suy sụp, chuẩn bị cho sức bật trở lại

Báo cáo, đánh giá tình hình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư khiến "các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm".

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - tổng giám đốc Vietjet - đề xuất xã hội hóa công tác chống dịch, giảm gánh nặng cho ngân sách. Doanh nghiệp sẵn sàng chi trả chi phí vắc xin, các chi phí y tế... Đề nghị Bộ Y tế cho cơ chế để triển khai. Bà Thảo cũng đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại.

Nữ doanh nhân cũng đề xuất Chính phủ quan tâm chăm lo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, sản xuất kinh doanh cá thể, từ đó ổn định cuộc sống người dân bao gồm cả lao động phổ thông, tự do. Bà Thảo mong muốn hãy đặt tin tưởng ở doanh nghiệp tư nhân trong việc tham gia gánh vác cùng Chính phủ các chương trình lớn, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch.


Lưu thông hàng hóa vẫn nghẽn

Ông Nguyễn Công Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Ôtô - vận tải Việt Nam, nhấn mạnh: vẫn còn xảy ra tình trạng nhiều nơi ách tắc kéo dài, lưu thông gián đoạn do có nhiều trạm kiểm soát, làm giảm hiệu quả vận chuyển và tăng nguy cơ lây nhiễm. Do đó, ông đề nghị cần đảm bảo lưu thông trên cơ sở phân luồng từ xa, phối hợp thống nhất giữa các địa phương, áp dụng công nghệ để giảm thiểu việc dừng phương tiện để kiểm tra.

Đồng tình cao với nhiều đề xuất của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm, nhất quán các chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề bảo đảm lưu thông, di chuyển hàng hóa, tránh gây tình trạng ách tắc hàng hóa trong lưu thông từ địa phương này đến địa phương khác.

Theo ông Thành, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là cuộc chiến lâu dài nên doanh nghiệp cần có giải pháp thiết thực, khả thi giữ vững pháo đài chống dịch; duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết ông đã ký văn bản phê bình nghiêm khắc giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng không tham mưu cho lãnh đạo TP Hải Phòng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về lưu thông hàng hóa. "Là cửa ngõ lưu thông hàng hóa của cả miền Bắc, Hải Phòng cần hết sức nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, không để xảy ra một trường hợp nào nữa" - Bộ trưởng nêu.


Chính phủ sẽ có nghị quyết tháo gỡ

Lắng nghe các đề xuất, hiến kế, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết và nhấn mạnh, sau hội nghị Chính phủ sẽ có nghị quyết về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; nghị quyết về một số giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch.

Thủ tướng cho hay mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất có thể.

Để làm được, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện thật tốt phòng chống dịch COVID-19, hy sinh một hai tháng giãn cách xã hội để xanh hóa vùng đỏ. Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, song không vì thế mà đánh mất lạc quan, bản lĩnh, niềm tin.

Thủ tướng khẳng định sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, với chiến lược vắc xin cần tập trung vào việc nhập khẩu nhiều nhất, nhanh nhất gắn chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước, tiêm miễn phí cho người dân theo thứ tự ưu tiên, thúc đẩy hợp tác công tư trong chiến lược vắc xin.

Đặc biệt, Thủ tướng nhìn nhận phải xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa, thực hiện nhất quán, không được ban hành các giấy phép con. Gắn với đó là việc kết nối tiêu thụ hàng hóa, bảo đảm đầy đủ hàng hóa lương thực, nguyên liệu phục vụ sản xuất và dân sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các địa phương phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, bảo đảm cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa thanh tra kiểm tra doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh...


Đại diện TẬP ĐOÀN MASAN: Nếu được quân đội giúp một tay...!

Với hơn 40.000 cán bộ công nhân viên vận hành trên 30 nhà máy thực phẩm, trang trại chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn cùng hệ thống hơn 2.500 siêu thị và cửa hàng bán lẻ Vinmart/Vinmart +..., Masan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, UBND các tỉnh thành xem xét và hướng dẫn về “hỗ trợ vùng đệm” quanh nhà máy để lực lượng lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách.

Masan sẽ chủ động tìm kiếm các “vùng đệm” như các trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu, khu công nghiệp, trụ sở cơ quan nhà nước chưa sử dụng... tại địa phương gần ngay nhà máy. Tuy nhiên, giải pháp hữu hiệu này chỉ có thể thành công khi có sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền sở tại.

Hiện nay, nếu một ổ lây nhiễm xuất hiện trong một nhà máy thì nhà máy đó sẽ rất khó khăn để nhanh chóng quay trở lại hoạt động. Masan mong muốn Chính phủ, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng có giải pháp để bổ khuyết nguồn nhân lực bị thiếu hụt trong thời gian ngắn bằng nguồn nhân lực dự bị như lực lượng thanh niên xung phong, từ nguồn lao động từ các tỉnh thành khác tới vùng có dịch Covid-19.

Về vận chuyển và lưu thông hàng hóa, trong các tình huống cấp bách, để giúp người dân không thiếu hụt lương thực, thực phẩm rất cần lực lượng quân đội tại các quân khu, bộ chỉ huy quân sự tỉnh/TP hỗ trợ phương tiện vận chuyển, nhân sự tham gia tập kết, phân phối hàng hóa tới các điểm bán lẻ hoặc trực tiếp tới nơi cư trú của người dân; hỗ trợ nhân sự cho các kho/tổng kho để đảm bảo hoạt động liên tục của chuỗi cung ứng.


Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: Xem xét đề xuất giảm giá điện cho nhóm nông, thủy sản

Kinh tế thế giới phục hồi rất nhanh, tổng cầu đang lên, nếu chúng ta không làm được hoặc làm không khéo nhiệm vụ phát triển kinh tế thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Những chính sách đã được ban hành cần được thực hiện một cách linh động, sáng tạo. Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về giảm giá điện, bộ sẽ làm việc với EVN để xem xét, giải quyết, nhất là giảm giá điện cho nhóm ngành chế biến nông, thủy sản theo ý kiến đề xuất của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị.


Doanh nghiệp đóng cửa lâu quá

Thông tin với Tuổi Trẻ sau hội nghị, ông Vũ Tú Thành, phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN, bày tỏ sự sốt ruột khi hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động lâu hơn so với nhiều nền kinh tế khác ở Đông Nam Á.

Dẫn chứng, các nhà cung cấp của doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc được hoạt động trở lại sau 7-10 ngày từ khi phát hiện F0 với quy trình khoa học, chặt chẽ. Trong khi đó, theo hướng dẫn của một số địa phương Việt Nam, quy trình quay trở lại hoạt động phải mất từ 2-3 tuần. Thậm chí, một số địa phương phía Nam chưa có quy trình.

Ngoài ra, ông Thành cũng kiến nghị Chính phủ cần vận hành cổng thông tin quốc gia, trong đó thống nhất về các chính sách, biện pháp, quy trình chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam, cũng đề nghị cho phép doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất an toàn trên cơ sở đăng ký với chính quyền, thay vì áp đặt cứng nhắc mô hình "3 tại chỗ" hay "2 điểm đến 1 cung đường". Vùng xanh cần cho tổ chức kinh doanh bình thường gắn với vắc xin và 5K; cho doanh nghiệp tự tổ chức test COVID-19 1 tuần/lần cho lao động và báo cáo với cấp thẩm quyền, thay vì phải đưa lên trung tâm y tế vì nguy cơ rất cao, tăng áp lực lên lực lượng y tế.


Phải mạnh tay giảm thuế

Vietravel, vừa kinh doanh lữ hành quốc tế vừa kinh doanh hàng không, đang chịu những thiệt hại gấp đôi trong đại dịch COVID-19, đã có những kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ và Quốc hội thiết kế chính sách xem xét giảm thuế VAT xuống 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 16% trong 3 năm đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch và hàng không. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp ngành này có thể phục hồi, tăng trưởng trở lại sau khi dịch đi qua.

Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vắng hoe khách do dịch COVID-19 - Ảnh: CÔNG TRUNG

Thứ 2, cần thiết kế các gói vay với lãi suất ưu đãi cho riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và hàng không. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản nhưng chưa có tính khả thi cao. Các ngân hàng vẫn hạ bậc tín dụng các doanh nghiệp khi cơ cấu lại khoản nợ dẫn đến giảm khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mới của doanh nghiệp.

Mặc dù có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất nhưng chỉ 4 ngân hàng triển khai.

Ngay chủ trương giảm tiền thuê đất và nhà nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhưng đến nay vẫn không có văn bản hướng dẫn triển khai nên không thực hiện được.

Đặc biệt, cần nghiên cứu và ban hành chính sách cho toàn bộ các doanh nghiệp hàng không để hỗ trợ trực tiếp, chứ không nên chỉ "giải cứu" một hãng hàng không, tạo sự công bằng cũng như sức cạnh tranh của ngành.

Cùng với đề xuất này, Vietravel Airlines đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin đề nghị được cho vay 1.000 tỉ với lãi suất thấp trong 5 năm và xin để các doanh nghiệp được trả chi phí tiêm vắc xin cho cán bộ nhân viên của mình nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh không bị gãy đổ.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét