Sau khi hoàn thành tiếp quản Afghanistan, Taliban đang hướng tới xây dựng một chế độ mới, được ví là Taliban 2.0 vì những cam kết cải cách về chính sách cũng như chấp thuận quyền được lao động và học tập của nữ giới.
Tín hiệu mới
Hai ngày sau khi thủ đô Kabul thất thủ, khán giả truyền hình ở Afghanistan đã xem một cảnh tượng có thể không tưởng tượng được dưới chế độ Taliban trước đây: Một nữ dẫn chương trình người Afghanistan cho kênh tin tức Tolo đã phỏng vấn một quan chức Taliban. Người dẫn chương trình, Beheshta Arghand, người ngồi cách vị quan chức này 2,5 mét, đặt câu hỏi về tình hình an ninh ở thủ đô Afghanistan. Kênh tin tức tư nhân cũng đăng một đoạn video về một nữ nhà báo khác đưa tin từ các đường phố ở Kabul.
Chương trình được phát sóng rộng rãi khi các nhà lãnh đạo Taliban nhắc lại thông điệp của họ rằng các chiến binh có kỷ luật của họ sẽ không giết những kẻ thù cũ của nó.
Trong cuộc họp báo ngày 17/8, phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, cho thấy tinh thần hòa giải dân tộc của nhóm phiến quân khi xác nhận lệnh ân xá cho các cựu thành viên quân đội, cảnh sát Afghanistan và những người phục vụ trong chế độ cũ. Ông cũng nói rằng phụ nữ sẽ được phép làm việc và học tập và hoạt động trong xã hội "nhưng trong khuôn khổ của đạo Hồi".
Bất chấp sự hoài nghi rộng rãi, nhóm phiến quân Hồi giáo theo đường lối cứng rắn đang nỗ lực truyền bá tư tưởng rằng họ sẽ không quay trở lại chế độ hà khắc trước đây. Khi Taliban cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, phụ nữ hầu như bị cấm làm việc và giáo dục của trẻ em gái chỉ giới hạn ở bậc tiểu học. Việc xem truyền hình hay nghe nhạc bị cấm và những người ngoại tình có thể bị ném đá đến chết. Ngoài ra, luật Sharia còn có rất nhiều quy định nghiêm ngặt với các công dân xuất phát từ sự kết hợp giữa tôn giáo và lịch sử Afghanistan.
Các chiến binh Taliban thu gom đồ đạc của các binh sĩ an ninh Afghanistan đầu hàng ở Kabul, thủ đô của Afghanistan, vào ngày 16 tháng 8 năm 2021 - Ảnh: Xinhua / ZUMA Press
Nỗ lực thay đổi hình ảnh của Taliban
Trong tuyên bố chính thức đầu tiên khi thủ đô Kabul thất thủ, cơ quan chính trị của Taliban nói rằng thử nghiệm thực sự sẽ là để "phục vụ quốc gia của chúng ta và đảm bảo an ninh cũng như cuộc sống thoải mái".
Do đó, nhóm phiến quân báo hiệu rằng họ đã sẵn sàng thực hiện một loạt các chức năng quản trị để cải thiện đời sống của người dân, thay vì chỉ áp đặt các lệnh cấm lấy cảm hứng từ tôn giáo.
Theo các chuyên gia, việc cải tiến hình ảnh này đã tạo điều kiện cho Taliban chinh phục Afghanistan. Có rất ít báo cáo về sự phản đối của dân chúng đối với các chiến binh khi tiếp quản các thành phố từ quân đội chính phủ và Kabul đã thất thủ mà không phải đổ máu mà nhiều người đã từng rất lo sợ.
"Taliban đã xây dựng một câu chuyện rất khác với câu chuyện về một nhóm phiến quân đã hiếu chiến, bạo lực ở Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001. Họ đang nói rằng: Chúng tôi đã giải phóng các bạn khỏi người Mỹ và những kẻ khốn nạn, những người Afghanistan hư hỏng đã chạy đến Abu Dhabi hoặc những nơi khác với số tiền đủ để ổn định đất nước”, Sébastien Boussois, một nhà nghiên cứu về Afghanistan tại Đại học University bình luận. "Taliban sẽ nói rằng luật Hồi giáo là một phương tiện để tạo ra một chính phủ mạnh mẽ và khắc khổ sau nhiều năm tham nhũng và chia rẽ".
Các chiến binh Taliban giành quyền kiểm soát dinh tổng thống ở Kabul vào ngày 15 tháng 8 năm 2021, sau khi Tổng thống Ashraf Ghani chạy trốn khỏi đất nước - Ảnh: Zabi Karimi / AP
Tìm kiếm sự công nhận toàn cầu
Là một phong trào nổi dậy chống lại siêu cường số một thế giới – Mỹ, Taliban đã phát triển các kỹ năng thích ứng mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Các chính sách của họ được thúc đẩy bởi các nhu cầu quân sự và chính trị, chứ không phải các nhu cầu tôn giáo, lập luận theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm 2021 tại West Point, Học viện quân sự Hoa Kỳ. Tác giả, Thomas Ruttig, đã viết rằng "những điều chỉnh chính sách ban đầu chỉ mang tính chiến thuật có thể phát triển thành những thay đổi thực sự".
Đây dường như là trường hợp cho sự thay đổi đáng chú ý nhất của nhóm chiến binh kể từ năm 2001: nỗ lực cải thiện quan hệ với nước ngoài để được toàn cầu công nhận. Mặc dù chế độ Taliban đầu tiên chỉ được công nhận bởi ba quốc gia ở thời kỳ đỉnh cao gồm Pakistan, Ả Rập Xê-út và UAE, nhưng giờ đây chế độ này đang thiết lập mối quan hệ tốt với hầu hết các nước láng giềng. Cả Moscow và Bắc Kinh đều được cung cấp những thông báo tình hình của Taliban 2.0, thậm chí còn kêu gọi quan hệ "hữu nghị" với các nhà cầm quyền mới của Kabul chỉ vài giờ sau khi các chiến binh Hồi giáo tiến vào thủ đô Afghanistan.
Câu chuyện này cuối cùng có thể khiến các nước phương Tây bình thường hóa quan hệ với Taliban, theo chuyên gia Boussois. "Nếu ai đó đồng ý rằng Taliban đã thay đổi, thì người ta có thể thỏa thuận với họ để ngăn Afghanistan trở thành một Triều Tiên mới, hoặc một đất nước trong sự hỗn loạn vĩnh viễn. Nếu các nước phương Tây không làm điều đó, các nước khác sẽ sẽ thực hiện - đây là điều đang xảy ra với Trung Quốc và Nga vào lúc này".
Các chiến binh Taliban giơ cờ Taliban khi tuần tra Kabul, Afghanistan, vào ngày 16 tháng 8 năm 2021 - Ảnh: Stringer / EPA-EFE
Taliban học được gì từ thất bại năm 2001
Taliban khao khát được quốc tế công nhận vì họ đã học được một bài học đắt giá rằng việc chứa chấp những kẻ khủng bố là một cách chắc chắn để thu hút và kéo theo sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Các nhà lãnh đạo của nhóm phiến quân nhận thức rõ rằng Mỹ đã tấn công Afghanistan sau khi họ từ chối bàn giao kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9, Osama Bin Laden, và không xử lý các vi phạm nhân quyền đã diễn ra trong vài năm trước đó.
Mặc dù Taliban không có khả năng thỏa hiệp với tư tưởng Hồi giáo cực đoan bảo thủ ở quê nhà, nhưng họ sẽ đảm bảo rằng Afghanistan không còn được sử dụng làm căn cứ cho các cuộc tấn công của al-Qaeda ở nước ngoài, theo Wassim Nasr, chuyên gia về phong trào chiến binh thánh chiến của đài FRANCE 24.
"Taliban chắc chắn mạnh hơn so với những năm 1990. Họ có nhiều kinh nghiệm quân sự và chính trị hơn. Điều đó không khiến họ cởi mở hơn, nhưng họ sẽ không mạo hiểm để bị lật đổ lần thứ hai vì những hành động khiêu khích của al-Qaeda. Họ sẽ kiểm soát chúng", Nasr nói.
Taliban sẽ không dễ từ bỏ những gì giành được hiện tại và việc không chứa chấp các nhóm khủng bố là một trong những mục tiêu của nhóm phiến quân này - Ảnh: AFP
Chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo IS
Taliban đã duy trì mối quan hệ bền chặt với đối tác thánh chiến lâu năm của mình. Các tài liệu nội bộ cho thấy tất cả các nhánh của al-Qaeda đã cam kết trung thành với Các Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (tên của nhà nước Afghanistan mới theo cách gọi của Taliban) và các chiến binh al-Qaeda đã tham gia một số trận chiến vào tháng 8 năm 2021, theo Nasr.
Nhưng sự xuất hiện của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã khiến một số quốc gia dựa vào Taliban để kiềm chế mối đe dọa thánh chiến mới này. Các báo cáo về việc thủ lĩnh nhóm IS bị giết sau khi Taliban chiếm nhà tù nơi hắn đang bị giam giữ cho thấy các nhà cầm quyền mới của Afghanistan đang nắm giữ một phần của thỏa thuận hiện tại.
"Nếu Taliban ngăn được nhóm IS lan sang Trung Á, người Nga rất vui. Nếu họ ngăn được người Duy Ngô Nhĩ gia nhập nhóm IS, thì người Trung Quốc rất vui. Và nếu không có thêm các cuộc tấn công khủng bố của al-Qaeda được lên kế hoạch từ Afghanistan, người Mỹ chắc chắn rất hạnh phúc”, Nasr nói.
Bất chấp vẫn còn đó những lo ngại về vi phạm nhân quyền, Taliban 2.0 dường như đã tìm ra con đường để trở lại cộng đồng quốc tế.
Nguồn Báo Công Luận Online
0 comments:
Đăng nhận xét