Có thể thấy các ngành khó khăn nhất hiện nay là nhóm ngành bán lẻ các mặt hàng không thiết yếu, xây dựng - bất động sản, hàng không, thậm chí ngay cả một số ngân hàng. Chi phí vận tải, logistics tăng mạnh còn khiến một số doanh nghiệp sản xuất gặp khó, nhất là hướng đến xuất khẩu.
Các doanh nghiệp lớn đối mặt với thách thức suy giảm lợi nhuận vì đại dịch lan rộng.
Cụ thể như trong quý II, doanh thu của Vinamilk (mã cổ phiếu VNM) đạt xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận lại giảm 7,2% xuống còn 2.860 tỷ đồng - tức chưa hoàn thành được một nửa kế hoạch lợi nhuận năm.
Lý giải về điều này, lãnh đạo Vinamilk cho biết, do chi phí hoạt động tăng cao hơn nên biên lợi nhuận giảm. Tỷ suất lợi nhuận gộp tổng thể quý II ghi nhận ở mức 43,6%, giảm đáng kể so với mức 46,1% cùng kỳ năm trước. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của VNM đã liên tục giảm từ hơn 100.000 đồng/cổ phiếu xuống còn xấp xỉ 90.000 đồng/cổ phiếu. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, việc hoàn thành kế hoạch năm 2021 sẽ là một thử thách cho Vinamilk, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
Một doanh nghiệp lớn khác trên thị trường bán lẻ là Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng kết quả kinh doanh quý II khá ảm đạm với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt giảm 17,5% và giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Việc phải đóng cửa 60% các cửa hàng tại TP.HCM là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới kết quả này. Dù vậy, thị trường vàng gặp khó khăn có thể mang lại cơ hội gia tăng thị phần cho PNJ trong thời gian tới khi một số cửa hàng nhỏ lẻ phải dừng hoạt động và rời khỏi thị trường.
Một bất ngờ lớn diễn ra trên lĩnh vực ngân hàng khi Vietcombank bất ngờ lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động tăng mạnh. Trong khi Vietcombank là một trong những ngân hàng luôn đi đầu trong việc giảm lãi suất, giảm phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 07 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai. Trong đó, riêng năm 2020 Vietcombank đã hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng là 3.290 tỷ đồng. Kể từ 1/1/2021 đến 30/6/2021, tổng số tiền lãi Vietcombank đã giảm cho khách hàng là 2.115 tỷ đồng.
Tuy nhiên trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương, nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng theo lời hiệu triệu của NHNN, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng. Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng…
Thị trường xây dựng đình đốn với khá nhiều các công trình tạm dừng hoạt động khiến cho nguồn thu nhập của các doanh nghiệp trong ngành chịu tác động tiêu cực. Ở Công ty Coteccons (CTD), doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt giảm 32% và giảm 64%. Theo đó, hết quý II, công ty này chỉ mới hoàn thành được 29% kế hoạch doanh thu và 38% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, các công ty xây dựng, đặc biệt ở mảng dân dụng, sẽ trải qua giai đoạn khó khăn và khốc liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây với kết quả kinh doanh tiêu cực, ít nhất là đến hết quý III và có thể là cả quý IV năm nay. Coteccons rõ ràng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Tuy nhiên với cấu trúc tài chính bền vững cho phép công ty có khả năng chống chịu cao so với các công ty trong ngành và một khi khó khăn qua thì CTD sẽ có nhiều nguồn lực và dư địa để bứt tốc trước các đối thủ cạnh tranh.
Có thể thấy các ngành khó khăn nhất hiện nay là nhóm ngành bán lẻ các mặt hàng không thiết yếu, xây dựng - bất động sản, hàng không, thậm chí ngay cả một số ngân hàng. Chi phí vận tải, logistics tăng mạnh còn khiến một số doanh nghiệp sản xuất gặp khó, nhất là hướng đến xuất khẩu.
Mới đây quỹ đầu tư Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc Top 60 lớn nhất trên sàn chứng khoán từ 53% về 45%. Quỹ đầu tư này cho rằng đó là mức độ di chuyển của dân cư giảm tới 80% so với bình thường, dẫn đến doanh số bán lẻ giảm gần 20% so với cùng kỳ. Đối với lĩnh vực sản xuất, do hoạt động tại các khu công nghiệp bị đình trệ, sản lượng chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và 2,2% so với cùng kỳ.
Dragon Capital dự báo trong quý III, Việt Nam có thể ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm, do đây là quý phản ánh gần như mọi tác động tiêu cực của đại dịch Covid. Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể ở mức 3,7%.
Nguồn Thời Báo Ngân Hàng
0 comments:
Đăng nhận xét