28 thg 10, 2019

Phần lớn top 400 tỷ phú của Forbes xuất phát từ những ngôi trường danh tiếng này: Vị trí số 1 không phải Harvard, Stanford lẫn Yale!

Là 1 trong 8 thành viên thuộc hệ thống Ivy League, ngôi trường này là nơi có nhiều sinh viên trở thành tỷ phú thuộc Top 400 của Forbes nhất.

Tiêu chí để đánh giá một trường đại học hàng đầu bao gồm rất nhiều yếu tố: mức độ hài lòng của sinh viên, số lượng nghiên cứu được tiến hành, xếp hạng từ giảng viên và cựu sinh viên. Bên cạnh đó, danh tiếng của cựu sinh viên cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Theo thống kê của Forbes, 79% số tỷ phú nằm trong BXH Top 400 đã tốt nghiệp đại học. Trong số đó, có 24% xuất thân từ các thuộc hệ thống Ivy League, nhưng chỉ có 14% là tỷ phú tự thân. Nếu trúng tuyển vào 1 trong 8 trường đại học danh tiếng này, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, đại học không phải là yếu tố quyết định tất cả. Có tới ⅕ số tỷ phú trong BXH chưa tốt nghiệp đại học. 243 người học tại các trường ngoài Ivy League. Thậm chí, nhiều tỷ phú còn theo học tại các trường giáo dục khai phóng (liberal arts).

Vậy đâu là ngôi trường có nhiều tỷ phú tốt nghiệp nhất? Bất ngờ là, vị trí số 1 không hề thuộc về những cái tên nổi tiếng như Harvard, Yale hay Stanford.

ĐH Pennsylvania: 19 người


ĐH Pennsylvania dẫn đầu danh sách này chủ yếu nhờ vào ngôi trường kinh doanh Wharton vô cùng danh giá. Người đồng sáng lập Tesla và SpaceX Elon Musk từng nói, đam mê khám phá vũ trụ và sáng tạo các loại xe điện đã được ông nhen nhóm khi còn là sinh viên ở đây.

Tổng thống Donald Trump cũng chuyển tới đây học sau khi rời ĐH Fordham. Laurene Powell Jobs - vợ của Steve Jobs - và các nhà đầu tư như Howard Marks và Ronald Parelman cũng trải qua quãng thời gian sinh viên đáng nhớ ở đây.

ĐH Stanford: 14 người


Tỷ phú công nghệ điển trai Evan Spiegel chính là một cựu sinh viên ĐH Stanford. Ở tuổi 29, anh là nhân vật trẻ nhất có tên trong BXH Top 400 của Forbes. Dù đã bỏ học năm 2012, Spiegel quyết định hoàn thành nốt tấm bằng của mình và tốt nghiệp 6 năm sau đó.

Ngôi trường này cũng đào tạo 3 tỷ phú công nghệ nổi danh khác của Thung lũng Silicon: Peter Thiel - đồng sáng lập PayPal, Brian Acton - đồng sáng lập WhatsApp, và Jerry Yang - đồng sáng lập Yahoo. 

ĐH Yale: 14 người


Thời còn là sinh viên tại Yale, Fred Smith đã từng nhận điểm C cho bài luận về nhu cầu vận chuyển xuyên đêm của mình. Dù không nằm trong top đầu của lớp, sau này ông vẫn khởi nghiệp thành công với công ty FedEx có trị giá cả trăm tỷ USD.

Stephen Schwarzman - người sáng lập, đồng thời là CEO của tập đoàn Blackstone - cũng có bằng cử nhân của ĐH Yale. Năm 2015, ông tặng trường 150 triệu USD để xây dựng trung tâm sinh viên mang tên mình, dự kiến sẽ mở cửa năm 2020.

Họ là 2 trong số 4 tỷ phú tự thân tốt nghiệp từ ĐH Yale trong Top 400. 10 nhân vật còn lại đều là người được thừa hưởng tài sản từ gia đình.

ĐH Harvard: 10 người


Trước khi trở thành đồng nghiệp tại Microsoft, Steve Ballmer đã từng học chung với Bill Gates tại ĐH Harvard. Tỷ phú giàu thứ hai thế giới gây dựng Microsoft vào năm 1975 khi vẫn còn theo học ngôi trường này. Tuy nhiên, ông đã bỏ học vào năm 3 để tập trung vào sự nghiệp. Ballmer tốt nghiệp ĐH Harvard 2 năm sau đó và gia nhập Microsoft vào năm 1980.

ĐH Nam California: 10 người


Người sáng tạo ra các nhân vật trong bộ phim "Chiến tranh giữa các vì sao" George Lucas đã học ngành Nghệ thuật điện ảnh tại đây. Năm 2016, Lucas đã tặng Trường Nghệ thuật Điện ảnh thuộc ĐH Nam California 10 triệu USD, nhằm xây dựng quỹ học bổng cho các sinh viên cần hỗ trợ tài chính.

ĐH Dartmouth: 8 người


Stephen Mandel Jr. đã thành lập quỹ phòng hộ Lone Pine Capital vào năm 1997, theo tên của một cây thông còn sống sau khi bị sét đánh tại sân trường ĐH Dartmouth. Ông là thế hệ thứ ba trong gia đình theo học ngôi trường này, sau ông nội, bố và các anh em. Con cái Mandel sau này cũng theo học tại đây.

ĐH Columbia: 7 người


Sân bóng đá của trường ĐH Columbia được đặt tên theo người sáng lập Mediacom - Rocco Commisso. Ông học tại đây theo diện học bổng và chơi trong đội bóng của trường.

Sân bóng bầu dục của trường này lại được đặt tên theo một tỷ phú khác trong Top 400: Robert Kraft - người sở hữu đội bóng New England Patriots. Ông theo học ngành lịch sử và kinh tế tại đây.

ĐH Princeton: 7 người


Đối với sinh viên ĐH Princeton, Meg Whitman là một cái tên khá quen thuộc, được đặt cho ký túc xá của trường. Whitman từng là CEO của eBay từ 1998-2008. Trong thời gian này, bà đã tặng trường 30 triệu USD để xây ký túc.

CEO Amazon Jeff Bezos học ngành Kỹ sư điện và Khoa học Máy tính tại ĐH Princeton. Vợ cũ của ông - bà MacKenzie Bezos - cũng theo học ngành Anh văn tại đây. Người hướng dẫn khóa luận cho MacKenzie chính là Toni Morrison - nhà văn đã từng đoạt giải Nobel Văn học.

ĐH Cornell: 6 người
H. Fisk Johnson - cháu chắt của người sáng lập công ty hóa mỹ phẩm SC Johnson - từng tốt nghiệp ĐH Cornell với 5 tấm bằng khác nhau. Vị CEO này có 1 bằng cử nhân ngành Hóa học và Vật lý, 1 bằng thạc sĩ ngành Kỹ sư và 1 bằng thạc sĩ ngành Vật lý, 1 bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh và 1 bằng tiến sĩ Vật lý.
Các anh chị em của Johnson cũng theo học tại trường này. Rất nhiều tòa nhà trong ĐH Cornell được đặt theo tên của gia đình quyền lực này.

ĐH Duke: 5 người


David Rubenstein - người sáng lập quỹ Carlyle Group - tốt nghiệp ĐH Duke với bằng danh dự xuất sắc tại ĐH Duke năm 1970. Ông đã tặng 13,6 triệu USD cho thư viện trường năm 2. Thư viện này được đặt theo tên ông, chứa hơn 350.000 đầu sách hiếm và 10.000 bản thảo.

ĐH New York: 5 người


Trường kinh doanh Leonard N. Stern thuộc ĐH New York được đặt tên theo CEO của Hartz Mountain - một trong những công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ về sở hữu bất động sản. Stern theo học tại ĐH New York, sau đó về tiếp quản công việc kinh doanh của cha mình. Sau khi lấy được bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh, ông quyết định chuyển hướng sang ngành bất động sản. Năm 1988, ông quyết định tặng ĐH New York 30 triệu USD.

Theo Trí thức trẻ/Forbes

0 comments:

Đăng nhận xét