Sáng nay 12-8, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 4.642 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM 2.318 ca. Tiến độ tiêm chủng ngừa COVID-19 tiếp tục được triển khai nhanh, đến nay đã tiêm được trên 12 triệu liều vắc xin.
Lực lượng tình nguyện viên đang vận chuyển thực phẩm cung cấp cho y bác sĩ, bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức), ngày 8-8 - Ảnh: TỰ TRUNG
Tính đến sáng 12-8, Việt Nam có 241.543 ca nhiễm, trong đó có 2.384 ca nhập cảnh và 239.159 ca nhiễm trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 237.589 ca, trong đó có 82.380 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Trong ngày có 762.396 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 12.098.821 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 11.006.121 liều, tiêm mũi 2 là 1.092.700 liều. Tiến độ tiêm chủng tiếp tục được triển khai nhanh, với số lượng vắc xin sử dụng trong ngày 11-8 là cao thứ 2 trong 5 tháng triển khai tiêm chủng vửa qua.
Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 6 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, riêng Bình Dương ghi nhận gần 32.800 ca trong đợt dịch này, hiện Bình Dương cũng đang hướng vào điều trị các ca bệnh nặng, bên cạnh các biện pháp khống chế dịch.
Tại TP.HCM, từ ngày 27-4 đến 10-8 đã lấy 1.168.673 mẫu, trong đó có 678.096 mẫu đơn, 490.577 mẫu gộp, với 4.436.600 lượt người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...).
Xét nghiệm diện rộng tại Hà Nội
Tại Hà Nội, từ ngày 9 đến 17-8, tiến hành xét nghiệm tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng RT-PCR cho toàn bộ người dân trong "vùng đỏ", khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao. Đồng thời, triển khai xét nghiệm test nhanh khoảng 2 triệu mẫu tại các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc tập trung xét nghiệm trong thời điểm giãn cách sẽ làm lây lan dịch, chưa kể nguy cơ lây dịch thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm.
Đây là đợt xét nghiệm diện rộng nhất từ trước đến nay tại Hà Nội, với mục đích "bóc" các ca F0 khỏi cộng đồng trước đợt giãn cách này.
Hôm qua 11-8, đã có thêm trên 200 y bác sĩ từ Thái Nguyên được tăng cường chi viện cho TP.HCM. Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa cử đoàn thứ 3 vào làm việc tại Trung tâm hồi sức do Bạch Mai chủ trì tại TP.HCM.
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam lên đường vào TP.HCM - Ảnh: Đ.T.
Chiều 11-8, đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam đã lên đường chi viện TP.HCM chống dịch.
Ông Đinh Đạo - giám đốc bệnh viện - cho biết đoàn gồm 10 bác sĩ và 25 điều dưỡng, kỹ thuật viên vào TP.HCM phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Phong - da liễu trung ương Quy Hòa (Bình Định) thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP.HCM.
Đoàn còn mang theo trang thiết bị, máy móc và thuốc men để đảm bảo vận hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trong 12 ngày đầu tiên.
Đây là lần thứ 2 Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam cử đội ngũ y bác sĩ vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch. Trước đó, ngày 12-7, đoàn 42 y bác sĩ của bệnh viện đã được điều động vào TP.HCM.
ĐỨC TÀI
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét