Lựa chọn an phận trong vùng an toàn đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận giậm chân tại chỗ, hài lòng với cuộc sống trì trệ và mãi mãi không bao giờ phát triển. Do vậy, bạn có làm thêm 10 hay 15 năm nữa thì vẫn đi lùi với thế hệ sau.
Dưới đây là bài chia sẻ của Hoa Oa người Trung Quốc - một nhân viên truyền thông với nhiều năm kinh nghiệm và là chuyên gia về quan hệ công chúng thương hiệu.
Trong buổi họp lớp, hai người bạn than thở với chúng tôi rằng bản thân đã làm việc được hơn 10 năm mà thu nhập vẫn không bằng mấy đồng nghiệp mới vào làm 2-3 năm. Cả hai đều cảm thấy rất chán nản mà không dám từ chức vì không biết phải làm thế nào sau khi thôi việc. Bởi lẽ kiếm việc ở tuổi này cũng chẳng dễ dàng gì.
Thật sự mà nói, chuyện này không hiếm gặp. Tôi cũng biết nhiều người xung quanh mình đã đi làm rất lâu rồi nhưng lương ba cọc ba đồng. Một thực tế mà ai đi làm cũng cần phải hiểu rằng không phải có 10 năm kinh nghiệm thì thu nhập sẽ tăng đều đặn. Đọc câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về sự thật khắc nghiệt này.
1. Luôn áp đặt bản thân vào vị trí của nhân viên
Tôi có một cô bạn cùng lớp cấp 3, là một cô gái ngoan ngoãn, tốt bụng, sống rất kỷ luật và rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên cô đã đi làm ngay khi tốt nghiệp cấp 3 để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dù trúng tuyển vào một trường trung cấp nhưng vẫn không học vì cô đã xác định rằng cô muốn đi theo con đường làm trợ lý.
Kết quả là, cô ấy đã làm trợ lý hơn 10 năm. Đầu tiên, cô làm với vị trí trợ lý hành chính, sau đó là trợ lý văn phòng, và gần đây cô chuyển sang làm trợ lý bán hàng- công việc này cô làm trong 6 năm.
2. Làm điều tương tự mỗi ngày, nhưng mong đợi kết quả khác nhau
"Bạn làm đi làm lại 1 điều mỗi ngày nhưng mong đợi một kết quả khác. Bạn nghĩ điều đó có thể xảy ra không?" - Einstein. Ảnh: Internet.
Trên thực tế, mỗi lần gặp tôi, cô ấy đều phàn nàn về những rắc rối trong công việc, phàn nàn về tính khí kỳ lạ của sếp, phàn nàn về áp lực doanh số và khách hàng... Khối lượng công việc nhiều, áp lực cũng lớn nhưng lương của cô chỉ hơn 5.000 tệ (hơn 17 triệu đồng) mỗi tháng, lại không có bất kì khoản trợ cấp hay phúc lợi nào. Cuối năm được thưởng 1 tháng lương nhưng lại phụ thuộc vào tâm trạng của sếp.
Thấy vậy, tôi chỉ biết cảm thán. Tôi hỏi cô bạn tại sao mọi thứ tệ như vậy nhưng bản thân vẫn không chuyển sang một công ty mới, cô nói: "Mặc dù có mười năm kinh nghiệm làm việc, nhưng hiện tại, hầu hết vị trí trợ lý sẽ ưu tiên cho các bạn sinh viên mới ra trường. Tôi đã lớn tuổi lại cũng chỉ biết làm mỗi công việc này mà thôi. Không chỉ vậy, ngoài là người đáng tin cậy, tôi chẳng có kỹ năng đặc biệt, lại không thích cạnh tranh với mọi người".
Nghe lời tâm sự của cô bạn, tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của Einstein: "Bạn làm đi làm lại 1 điều mỗi ngày nhưng mong đợi một kết quả khác. Bạn nghĩ điều đó có thể xảy ra không?"
3. Không chịu thay đổi, không muốn thoát ra khỏi vùng an toàn
Tôi không biết trả lời như thế nào nhưng vẫn chân thành hỏi: "Vậy tại sao cậu không tính đến việc chuyển hướng công việc? Nếu là trợ lý bán hàng, dù không thể trực tiếp trở thành giám đốc bán hàng thì vẫn có thể cố gắng để làm nhân viên kinh doanh mà?".
Cô khẳng định: "Tính cách của tôi không phù hợp với công việc bán hàng. Áp lực doanh số quá lớn và tôi chỉ muốn làm một người bình thường, ngày làm 8 tiếng, cuối tháng nhận lương mà thôi. Cuộc sống bận rộn, bán hàng và chăm sóc khách hàng cả ngày lẫn đêm, thực sự không phù hợp với tôi. "
Ban đầu, tôi định đưa ra một số gợi ý để cô ấy có thể cải thiện hoặc thay đổi, nhưng với những quan điểm ấy, tôi nghĩ bản thân mình sẽ không thể làm gì để giúp cô bạn được cả. Biết cô ấy đã lâu, tôi hiểu rằng cô ấy thích sống trong vùng an toàn, không thích ai phá hủy chúng và không muốn thử nghiệm những điều mới mẻ.
Sau này, tôi cũng phát hiện ra quả thật nơi công sở có khá nhiều "tiền bối" như bạn tôi, những người không già nhưng tâm lý quá già cỗi. Ở tuổi 20, họ đã chọn cho mình một công việc an nhàn cho đến khi nghỉ hưu và kiên trì với cách sống đó ở tuổi 30, 40.
Vậy, một câu hỏi đặt ra: "Số năm làm việc và kinh nghiệm làm việc có thể được dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá thu nhập không?" Câu trả lời chắc chắn là không. Điều này thể hiện một thực tế khắc nghiệt của cuộc sống.
Chỉ khi dám làm những điều khác đi bạn mới có thể đạt được những kết quả mình chưa từng có. Dấn thân và thử thách chính mình, thành công chỉ đến với những ai có động lực thử những điều mới mẻ. Ảnh: Internet
Do vậy, khi phàn nàn rằng tại sao làm việc lâu như vậy mà mức lương hay vị trí trong công ty không thay đổi mà còn thấp hơn những người mới đi làm, hãy tự xem lại bản thân mình. Nếu thấy mình giống cô bạn trong câu chuyện tôi kể ở trên, bạn biết mình phải thay đổi như thế nào rồi đó.
Nếu ngại sự thay đổi, không dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, chọn một lối sống an nhàn thì dù có làm thêm 5 năm hay 10 năm nữa, bạn vẫn sẽ đi lùi so với thế hệ sau này.
Nguồn Tri Thức Trẻ(Theo Zhihu)
0 comments:
Đăng nhận xét